August 11, 2014

Toàn cầu hóa và tính hai mặt của nó

Standard
Giao lưu văn hóa, nếu không cẩn thận chúng ta sẽ tiếp thu nhiều yếu tố phản giá trị.
Tiếp xúc - giao lưu - đối thoại văn hoá ngày nay nhằm mục đích tăng cường hiểu biết, thúc đẩy hợp tác, củng cố tình hữu nghị giữa các dân tộc, các nước trên thế giới tạo ra sức mạnh chung để bảo vệ nền hoà bình bền vững lâu dài trên trái đất, ngăn ngừa chiến tranh, chống khủng bố, các hành vi bạo lực gây tội ác, các tội phạm đe doạ sự bình yên của cuộc sống.
Cầu ngói Thanh Toàn, Huế
Tuy nhiên, trong quá trình tiếp xúc – giao lưu – đối thoại đó, nếu chúng ta không cẩn thận không những không tiếp nhận được những yếu tố tích cực mà còn làm hại mình bởi tiếp thu như những yếu tố phản giá trị.
Toàn cầu hóa giao lưu văn hóa có tính hai mặt
Quá trình giao lưu văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa có tính hai mặt:
Một là, sự bùng nổ thông tin, sự hợp tác kinh tế quốc tế, sự trao đổi văn hoá và du lịch thúc đẩy các quốc gia xích lại gần nhau, mở ra những chân trời kiến thức văn hoá mới.
Mặt khác là nguy cơ san bằng và đồng nhất các tiêu chuẩn các hệ giá trị, đe doạ và làm suy kiệt khả năng sáng tạo của các nền văn hoá.
Chính vì lẽ đó mà quốc gia, dân tộc nào trên thế giới đều có những chính sách riêng, biện pháp riêng vừa nhằm phát triển giao lưu văn hoá vừa giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc mình.
Việt Nam do hoàn cảnh lịch sử mà việc giao lưu văn hoá chậm trễ hơn so với các nước khác. Nhưng bù lại chúng ta có kinh nghiệm hội nhập văn hoá mà không bị đồng hóa. Chúng ta nên chọn cái gì thì phù hợp với ta thì ta nhận, những gì không phù hợp thì không tiếp nhận.
Trong quá trình giao lưu chúng ta không thể tránh khỏi những yếu kém, vấn đề tồn tại cần rút được kinh nghiệm trong quá trình giao lưu. Văn kiện Hội nghị lần V Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII chỉ ra: “Giao lưu văn hoá với nước ngoài chưa tích cực và chủ động, còn nhiều sơ hở. Số văn hoá phẩm độc hại, phản động xâm nhập nước ta còn quá lớn, trong khi đó, số tác phẩm văn hoá có giá trị của ta đưa ra bên ngoài còn quá ít” .
Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam thế giới 2014
Trong quá trình tiếp nhận đôi, lúc Việt Nam rơi vào tình trạng tư duy bắt chước một cách phi logic theo kiểu phương Tây. Cộng vào đó là yếu tố vật chất - thương mại sinh ra trong quá trình toàn cầu hoá là nảy sinh hiện tượng lạm dụng trong việc tiếp thu văn hoá. Chúng ta lạm dụng việc sử dụng tiếng Anh, tiếng lóng (ngay cả trên những trang báo chính thống), lạm dụng tiếp thu những khái niệm văn học nghệ thuật, lạm dụng yếu tố nhục dục trong văn học, thậm chí còn có múa sexy tại đám tang tại thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt chuyện lạm dụng những cuộc thi sắc đẹp gần đây, chuyện lùm xùm bằng cấp của các hoa hậu Việt Nam Trần Thị Thuỳ Dung (2008), Đặng Thị Thu Thảo (2012) với những nghi vấn về bằng cấp, hay chuyện nói dối của Vương Thu Phương (Hoa hậu 2012)... làm cho những hình ảnh cái đẹp chỉ có hình thức còn những giá trị thật bên trong thì còn có nhiều điều đáng phải bàn.
Tiếp nhận yếu tố tích cực là chủ yếu
Mặc dù có những khó khăn và tồn tại trong quá trình giao lưu văn hoá do tính chất hai mặt của toàn cầu hoá, nhưng trong chính sách ngoại giao của ta là đa phương hoá, đa dạng hoá, mong muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Với chính sách đó, Việt Nam đã thiết lập ngoại giao với gần 200 nước trên thế giới, ký hiệp định hợp tác văn hoá với hơn 40 nước, nhiều tổ chức quốc tế, có hơn 100 dự án về hợp tác văn hoá... Tuy nhiên các con đường giao chưa thật phong phú, mới chỉ dừng lại ở việc trao đổi nghị định thư, kế hoạch hợp tác giữa hai chính phủ, các tổ chức quốc tế, liên kết sản xuất các sản phẩm văn hoá phẩm, trao đổi hoạt động văn hóa, văn nghệ sĩ, cả học sinh du học, tham gia hội chợ triển lãm, liên hoan phim...
Những năm gần đây, đặc biệt là từ 2002 trở lại đây, Hội Nhà văn Việt Nam có chủ trương quảng bá văn học nước ngoài ra với thế giới cụ thể là cuộc Gặp gỡ quốc tế những người dịch văn học. Đến 2010 tổ chức Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam có sự tham gia của 150 đại biểu đến từ 31 quốc gia. Qua đó, những tác phẩm văn học được dịch ra và giới thiệu ở Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc không ngừng tăng. Những hoạt động giao lưu văn hoá như tuần lễ văn hóa tại Nhật, Nga, Hàn Quốc, Mỹ... đã minh chứng cho một thời kỳ quốc tế hoá của văn hoá. Việt Nam đã không nằm ngoài qui luật đó và từng bước hoàn thiện hơn nhằm tiến tới một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh./. 
Bùi Hùng/VOV.VN