Văn hóa đã, đang và sẽ mãi đi cùng với tiến trình hình thành, xây dựng và phát triển của đất nước, con người Việt Nam.
Tiến trình phát triển của xã hội loài người đã đi qua nhiều hình thái xã hội khác nhau từ nguyên thủy, đồ đá, đồ đồng… đến ngày nay, đều gắn liền với sự phát triển của các nền văn hóa tương ứng với nó. Hình thái xã hội nào sẽ quyết định đến sự hình thành văn hóa của xã hội ấy.
Văn hóa của đất nước chúng ta được hình thành và phát triển từ hàng nghìn năm nay. Nhiều giá trị của văn hóa được kết tinh theo các giai đoạn lịch sử khách nhau tạo ra nền văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc. Nhìn ra thế giới, có biết bao nền văn hóa khác nhau đã phải trải qua những thăng trầm, những cuộc cách mạng để rồi tạo ra những bản sắc, ngôn ngữ đặc trưng của nó. Có nhiều cách tiếp cận khác nhau nhưng văn hóa không tự thân mà có, nó được hình thành từ những điều kiện tự nhiên, từ nhu cầu, bản năng của con người kết hợp và nhào nặn với quá trình vận động của cuộc sống, của xã hội. Văn hóa cũng được hợp thành bởi đa dạng các giá trị của các quốc gia, dân tộc tạo nên.
Văn hoá phải trở thành sức mạnh nội sinh của dân tộc. (Ảnh: Hà Tuấn)
Ngày nay, văn hóa không chỉ là sự kết hợp, giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau mà còn chịu tác động sâu sắc bởi sự phát triển của kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng đặc biệt là của khoa học công nghệ. Chính sự phát triển mạnh mẽ của các lĩnh vực nêu trên và của khoa học và công nghệ đã tác động và đòi hỏi chúng ta đưa ra phương thức mới phù hợp với văn hóa của giai đoạn mới. Và đương nhiên nó phải kế thừa những giá trị văn hóa tinh hoa trước nó một cách tinh tế, hợp lý.
Đời sống văn hóa nước ta ngày nay còn có nhiều lỗ hổng và độ trễ, chưa theo kịp sự phát triển của đất nước, chưa thực sự trở thành mục tiêu và động lực cho sự phát triển. Nhiều giá trị truyền thống, đạo đức nghề nghiệp có mặt bị mai một, đảo lộn, không còn được coi trọng như trước đây; những giá trị mới chưa được hình thành hoặc hình thành nhưng chưa bền vững đã ảnh hưởng tiêu cực đến định hướng giá trị nhân cách con người; chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền đã len lỏi, chi phối đời sống xã hội, gây hậu quả xấu đối với việc gây dựng con người và môi trường văn hóa. Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều chỗ, nhiều nơi còn nghèo nàn, lạc hậu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân còn lớn. Những thành tựu sáng tạo văn hóa, nghệ thuật chưa nổi bật, còn ít những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.
Những tồn tại nêu trên cũng như yêu cầu của giai đoạn phát triển mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận văn hóa với một tâm thức mới. Ở đó, văn hóa phải được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội; là mục tiêu, động lực và nguồn lực nội sinh quan trọng của phát triển bền vững đất nước. Chúng ta tiếp tục xây dựng văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà ở đó có sự thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng tiêu biểu là dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
Để văn hóa tạo thành nền tảng tinh thần xã hội vững chắc, văn hóa là sức mạnh, là mục tiêu, động lực tạo ra sản phẩm vật chất xã hội, sức mạnh nội sinh của toàn dân tộc là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của toàn dân tộc, đặc biệt là của các thể chế xã hội, các chủ thể văn hóa, của từng gia đình, đơn vị, cộng đồng xã hội. Phải lấy việc xây dựng các thể chế xã hội và việc xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp làm cốt lõi, trọng tâm để xây dựng văn hóa, trong đó vai trò rất quan trọng của gia đình và cộng đồng.
Bản sắc văn hóa Việt Nam được vun đắp qua bao thế kỷ đấu tranh dựng nước và giữ nước. Những giá trị bền vững, những tinh hoa đó là lòng yêu nước nồng nàn; lòng tự tôn, tự cường dân tộc; tinh thần cộng đồng gắn kết hài hòa giữa cá nhân – gia đình - làng xã - Tổ Quốc. Vì vậy, cần ra sức xây dựng môi trường văn hóa trong sáng, lành mạnh, đồng bộ, phát huy các giá trị gia đình, cộng đồng, dân tộc; đấu tranh với những văn hóa xâm lăng, độc hại, những hành vi phi văn hóa; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cũng như nguồn nhân lực cho văn hóa; phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật để có nhiều tác phẩm có giá trị cao phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước.
Văn hóa đã, đang và sẽ mãi mãi đi cùng với tiến trình hình thành, xây dựng và phát triển của đất nước, của dân tộc, của con người Việt Nam. Và không ai khác, chính dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam cùng các thể chế, thiết chế để vừa phát huy các giá trị truyền thống vừa xây đắp những giá trị hiện tại tạo nên những giá trị văn hóa, tạo nên sức mạnh nội sinh cho đất nước Việt Nam./.