July 21, 2014

Tết Trung thu (Chuseok) của Korea

Standard
Phong tục lễ tết là một trong những nét văn hóa đặc trưng của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Đó là dịp mỗi dân tộc thể hiện những nét văn hoá truyền thống rất riêng, rất độc đáo và giàu bản sắc của dân tộc mình. Tết Trung thu (Chuseok추석) là một trong những lễ tết lớn nhất ở Korea, nghiên cứu tìm hiểu tết Trung thu của Korea để biết rõ hơn về tết của nước bạn để từ đó có thể thấy rõ sự giống và khác nhau của tết Trung thu của Việt Nam và từ đó sẽ giúp hiểu thêm về văn hóa, đất nước và con người Korea qua phong tục lễ tết.

1.      Beolcho (벌초) – Phát thảo

Theo truyền thống, vài ngày trước ngày 15-8 âm lịch, người Korea tiến hành một phong tục được gọi là beolcho (벌초 = phạt thảo). Beolcho là việc con cháu đi viếng mộ ông bà tổ tiên, dọn dẹp cỏ quanh mộ và sửa sang lại ngôi mộ. Vào thời gian này, con cháu trong gia đình mang theo cuốc xẻng đến phần mộ của ông bà, tổ tiên đắp lại nấm mồ cho to, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trèo lên mộ có thể phạm tới hài cốt của người thân đã khuất. Mặc dù các ngôi mộ thường không gần nhà, thậm chí cách nhà rất xa, nhưng cứ mỗi dịp Chuseok (và cả dịp Seollal) về là các con cháu trong gia đình lại tìm đến mộ tổ tiên và làm công việc này để tỏ lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Nếu vào các dịp lễ tết này mà con cháu không đến thăm hoặc đến thăm mộ tổ tiên mà không làm công việc dọn dẹp cỏ xung quanh mộ phần thì người khác nhìn vào sẽ chê cười và cho rằng đó là những con cháu bất hiếu .
Beolcho có một số quy tắc của nó. Trước khi bắt đầu, người đi phạt thảo (một hoặc nhiều người, thường là nam giới) phải đi vòng quanh ngôi mộ, quan sát kỹ để xem có chỗ nào trên ngôi mộ bị hỏng hóc hay có biến đổi gì không. Sau đó họ sẽ khấn vái một cách giản đơn để xin tổ tiên, ông bà cho phép đụng vào mộ phần. Nếu như có nhiều người cùng đi thì mọi người phải nghe theo sự chỉ huy của người có nhiều kinh nghiệm tảo mộ nhất. Khi tiến hành dọn dẹp cỏ thì cần chú ý những loài côn trùng cắn đốt như ong và loài bò sát có độc như rắn, cách tốt nhất là dùng cây, gậy gộc xua đuổi chúng trước khi tiến vào. Họ sẽ dọn dẹp cho đến khi sạch cỏ và sửa chữa lại phần mộ bị hư hỏng. Sau đó, họ sẽ dâng cúng vài món ăn và hoa quả. Sau khi cúng bái xong thì mọi người mới ra về.
Beolcho không chỉ được thực hiện trong Chuseok mà còn trong những ngày lễ tết khác. Ngày xưa, beolcho được tiến hành trong các dịp: Jeongcho (những ngày đầu tiên của tháng giêng), Hansik (mùng 3-3), Chuseok (15-8) và Dongji (20 hoặc 21-11). Ngày nay, người Korea chỉ còn tiến hành phong tục này trong dịp Jeongcho, Chuseok và Dongji.

2. Làm bánh Songpyeno (송편)


Ở Korea, nếu trong Seollal có món bánh canh tteok (떡국)  thì trong Chuseok không thể không có bánh songpyeon (송편) – tạm gọi là bánh trung thu. Vào ngày 14-8, các thành viên trong gia đình (chủ yếu là nữ giới) tụ họp lại bên nhau và cùng làm bánh songpyeon. Bánh gồm hai phần: phần vỏ bánh và phần nhân bánh. Vỏ bánh được làm từ gạo tẻ (xay ra thành bột), muối, cây ngải, hạt dành dành và nước ép hoa quả (để tạo hương thơm). Phần nhân được làm từ hạt dẻ, đường, đậu nành, muối, hạt vừng, mật ong, đậu đỏ, bột quế, lá thông kim và dầu mè. Các thành phần này đã hòa quyện vào nhau tạo nên một mùi vị đặc trưng của bánh songpyeon. Một khi được dâng cúng lên tổ tiên thì có nghĩa là con cháu thể hiện trọn vẹn lòng thành kính, hiếu thảo của mình đối với ông bà, tổ tiên. Bánh Songpyeon có thể có nhiều màu sắc, hương vị khác nhau. Khi hấp bánh, người ta phủ lên mặt bánh một lớp lá thông non, do đó bánh thường có mùi vị thơm ngon rất đặc biệt.
Theo quan niệm của người Korea, những cô gái nào làm được bánh songpyeon vừa đẹp, vừa ngon thì sau này sẽ lấy được chồng tốt, còn ai đã có gia đình rồi thì sẽ sinh được con gái xinh. Lại có tín ngưỡng cho rằng những người phụ nữ mang thai mà chưa rõ là trai hay gái thì cho lá thông hoặc một chiếc kim nhỏ vào nhân bánh, sau khi hấp chính thì lấy bánh ăn thử. Nếu họ cắn vào lỗ kim hoặc sống lá thì tin rằng sẽ sinh con gái. Còn nếu họ cắn vào mũi kim hoặc đầu lá thì tin rằng sẽ sinh con trai. Vì thế, phụ nữ Korea làm bánh songpyeon rất cẩn thận và bằng hết khả năng của mình. Việc làm bánh sẽ được truyền từ mẹ cho con gái hoặc con dâu. Mỗi gia đình đều có gắng làm những chiếc bánh songpyeon đẹp nhất, ngon nhất để trước hết là dâng cúng tổ tiên, những người đã khuất, rồi sau đó họ sẽ đem biếu ông bà, họ hàng, bạn bè và hàng xóm. Đồng thời, họ cũng nhận được bánh biếu từ những người họ đã tặng bánh. Đây là dịp thể hiện tình cảm gắn kết giữa các thành viên trong gia đình người Korea.

3.Charye – (차례) Trà lễ

Charye (차례) Phong tục đầu tiên trong ngày Chuseok, tức ngày 15-8 âm lịch, là nghi thức charye (차례 = trà lễ). Ngày xưa, người Korea thường tổ chức charye nhiều lần vào các ngày đầu tháng và ngày rằm hàng tháng bên cạnh các ngày lễ tết lớn như Seollal, Hansik, Dano và Chuseok. Ngày nay, người Korea chỉ còn thực hiện nghi thức này trong hai dịp: Seollal và Chuseok (ở nông thôn thì còn duy trì việc tổ chức nghi thức trà lễ vào dịp Dano hay Hansik, còn các ngày đầu và giữa tháng thì cũng không còn tổ chức nữa) .
Charye có ý nghĩa là thể hiện sự hiếu thảo của con cháu đối với ông bà tổ tiên. Như đã biết, charye là một trong những nghi thức cúng bái tổ tiên của người Korea. Nó được tiến hành chủ yếu vào buổi sáng sớm nên các thành viên trong gia đình phải thức dậy thật sớm và tụ tập ở từ đường để tổ chức nghi lễ này. Họ làm mâm cơm nấu bằng gạo mới (햇쌀) và những thứ rau củ quả mới (햇곡식) để dâng cúng. Họ cúng bằng thứ cơm gạo mới nhằm thể hiện lòng kính trọng cũng như lòng hiếu thảo của mình đối với tổ tiên. Trong mâm cơm còn có nhiều món ăn ngon mà các bà nội trợ đã dày công chuẩn bị từ một hoặc hai ngày trước đó. Khi buổi lễ kết thúc, các thành viên trong gia đình sẽ ngồi lại, cùng chia nhau và thưởng thức những món ăn ngon trong mâm cỗ để đón nhận những may mắn và phúc lành mà tổ tiên ban cho họ.
Theo truyền thống, người Korea làm lễ cúng tổ tiên ngoài thức ăn còn có thức uống là trà. Do đó, phong tục cúng bái này có tên là charye - trà lễ. Nhưng cho đến nay, khi rượu ngày càng phổ biến thì rượu đã thay thế cho trà. Trong các nghi thức trình bày dưới đây chúng ta sẽ chỉ thấy rượu và rượu. Mặc dù có sự thay đổi như thế nhưng người ta vẫn giữ lại tên gọi xưa là trà lễ nhằm thể hiện sự tôn kính của mình đối với ông bà tổ tiên – những người đã từng tiến hành nghi thức cúng bái bằng trà – Trà lễ.
Mâm cúng với ngũ cốc và hoa quả trong ngày Tết Chuseok theo phong tục truyền thống
của người Korea

4.Myoje – Mộ tế

Vẫn trong buổi sáng ngày Chuseok, sau khi đã ăn cỗ xong, con cháu người Korea sẽ cùng nhau ra viếng mộ ông bà, tổ tiên. Xung quanh những ngôi mộ đã được dọn dẹp sạch cỏ từ mấy ngày trước nay được dùng làm nơi đặt các món ăn ngon mà con cháu đem dâng cúng. Tất nhiên, để tỏ lòng hiếu thảo, con cháu cũng sẽ quỳ lại trước mộ phần của ông bà, tổ tiên. Hoạt động này được gọi là mộ tế (묘제=myoje) .
Khi thực hiện mộ tế cũng cần chú ý một số điểm và thực hiện theo trình tự như sau: 1- cần phải chuẩn bị đầy đủ các thứ sau: rượu, trái cây, thịt, nước gạo (một loại nước uống được làm từ gạo lên men, gọi là sikye), hương đốt, lư hương, chiếu (hoặc đệm, thảm), và giấy trắng; 2- nếu như có nhiều mộ phần của gia đình thì đúng lễ nghĩa nhất là phải tìm mộ của cha mẹ trước (vì cha mẹ là người trực tiếp sinh ra mình nên cần thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ trước); 3- khi đến trước mộ phần, sau khi sắp xếp đồ cúng xong thì họ sẽ tiến hành làm lễ mà nghi thức đầu tiên là bái lạy: nam lạy hai cái và là người lạy trước, còn nữ lạy bốn cái; 4- sau khi đốt hương và khấn vái xong, người chủ tế sẽ lạy hai cái và đổ rượu xuống nền ngôi mộ ba lần; 5- sau đó tất cả các thành viên trong gia đình cùng lạy một lần nữa, và rồi thì chủ tế sẽ cầm ly rượu đứng dậy, rời đi, nhường chỗ cho một người phụ nữ (thường là người phụ nữ cao tuổi nhất trong gia đình) tiến lên đặt muỗng đũa lên trên các dĩa thức ăn (và cũng lạy 4 cái rồi rời khỏi vị trí đó); 6- đợi khoảng mười phút thì người phụ nữ lại tiến lên trước và lấy muỗng đũa ra khỏi dĩa thức ăn, xem như cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã dùng xong mâm cơm cúng. Đến đây nghi lễ mộ tế kết thúc.

5.Các nghi lễ truyền thống

5.1. Bày biện mâm lễ

Trong ngày Trung thu, người Korea chuẩn bị mâm lễ cúng rất công phu, nếu ai không am hiểu về phong tục tập quán sẽ thấy chúng rất “hỗn độn” nhưng thực tế sắp xếp mâm lễ thế nào đều có nguyên tắc, ý nghĩa riêng.
Mâm cúng này thường do người con trai trong gia đình bày biện, và chính người này sẽ phải điều hành các phần lễ long trọng tiếp sau đó.
5.1.1.Hàng thứ nhất (hàng gần bình phong và bài vị tổ tiên nhất): Songpyeon( 송편), toranguk (토란국), chén canh và bài vị.
Bài vị (신위) của ông bà, tổ tiên được đặt ở vị trí trên cùng, phía Bắc của bàn cúng. Trong các mâm cơm cúng trong những ngày thường hay có cơm () và canh (), nhưng đối với ngày này, người ta sẽ cúng bánh songpyeon và canh torankuk (giống như canh khoai sọ). Songpyeon được đặt bên trái và toranguk được đặt bên phải. Cũng có thể không cần phải cúng toranguk (trong trường hợp này sẽ để cả hai dĩa bánh ở hàng thứ nhất, như hình 6a ở trang sau).
  5.1.2.Hàng thứ hai: Jeon () và Jeok ()
Jeon jeok có thể được xem là những thức ăn chính trên bàn cúng. Jeon là loại thức ăn nhúng vào bột mì rồi đem chiên, còn jeok là các món xiên vào cây để nướng. Trước đây, theo lẽ tự nhiên, cứ mỗi lần có dịp cúng tế thì người ta lại làm jeonjeok để dâng lên bàn thờ. Theo hình vẽ thì hai dĩa thức ăn phía ngoài cùng bên trái là cá chiên dầu (전유어= jeonyueo), tiếp đến là món jeok. Thông thường có ba loại jeok sẽ được xếp theo thứ tự từ trái qua phải là thịt nướng (육적=yukjeok), thịt bò nướng (소적=sojeok) và cá nướng (어적=eojeok). Đối với món cá nướng, đầu con cá sẽ được quay về phía Đông, tức là phải hướng về bên phải. Loại cá được ưa chuộng và thường đưa lên bàn cúng đó là cá vàng.
  5.1.3.Hàng thứ ba: các món canh ()
Ở hàng thứ ba này là các món cánh khác nhau, tất cả đều được hâm nóng trước khi đưa lên bàn cúng. Theo thứ tự từ trái qua phải trên hình, đầu tiên là canh thịt (육탕), kế đến là canh thịt bò (소탕), rồi đến canh cá (어탕). Cũng có trường hợp thịt, cá, đậu hũ trộn lại thành một món canh.
  5.1.4.Hàng thứ tư: banchan (반찬 - thức ăn phụ)
Phía bên trái, người ta để những loại đồ khô như là bukeo (북어 - một loại cá nước ngọt), daegu (대구 - cá tuyết), bạch tuộc, mực. Còn phía bên trái là sikhye (식혜 - thức uống ngọt làm từ gạo lên men, gọi tắt là nước cơm gạo). Rau tươi và kimchi (김치) để ở trung tâm. Rau tươi sẽ dùng ba loại là dorachi (도라지 - hoa chuông), gosari (고사리 - cây dương xỉ diều hâu), và sigeumchi (시금치).
  5.1.5.Hàng thứ năm: trái cây bánh ngọt
Thứ tự sắp các loại trái cây từ trái qua phải như sau: táo, hạt dẻ, lê, hồng, các thứ trái cây khác và các loại bánh ngọt. Hồng và lê có thể đổi vị trí cho nhau. Những loại trái cây khác thì không cần phải xếp theo vị trí bắt buộc, chỉ cần dựa theo nguyên tắc hồng Đông bạch Tây (홍동백서), chẳng hạn như trái táo có màu đỏ thì sẽ đặt ở hướng Đông (hướng mặt trời mọc), loại trái cây có màu trắng thì xếp ở hướng Tây (hướng mặt trời lặn). Đối với bánh ngọt thường có hai loại được đưa lên bàn cúng là hangwa (한과) và yakgwa (약과) – những thứ làm từ bột mì, mật ong và sữa - chúng được để ở bên phải.
* Ý nghĩa của mâm lễ:
- Là tượng trưng cho tấm lòng của người dưới dâng lên người trên. Khi bày biện mâm cỗ, phía bên tay trái tượng trưng cho hướng Tây, người Korea phải đặt những loại hoa quả, hoặc thức ăn có màu trắng. Phía tay phải tượng trưng cho hướng Đông dành để bày biện các thức ăn có màu đỏ. Những cái này có liên quan đến quan niệm màu sắc, phương hướng của người Korea xưa.
- Vị trí ở xa với người cúng là nơi để bày vị Tổ tiên. Và cạnh đó phải là cơm canh và các món ăn mặn… Tiếp đến là bánh kẹo và trái cây. Cách sắp xếp này thể hiện trật tự thưởng thức bình thường như của người sống vậy. Do đó hàng đầu tiên gần với người cúng là hoa quả và bánh kẹo.
- Chuseok diễn ra vào mùa bội thu, hay còn gọi là mùa thu hoạch. Vì vậy người Korea (người đang sống) muốn dâng lên thật nhiều loại thức ăn, nông sản để cúng Tổ tiên. Thức ăn càng nhiều loại thì càng thể hiện tấm lòng của người còn sống đối với người đã khuất, và nhất là để tạ ơn Tổ tiên đã phù hộ cho họ có một mùa màng bội thu.

5.2. Thờ cúng

 Sau khi đã sắp xếp xong bàn cúng, người Korea sẽ bắt đầu các nghi thức charye(차례). Người chủ gia đình (thường là người lớn tuổi nhất và là nam giới) sẽ là người chủ tế, mọi người khác trong gia đình sẽ làm theo hiệu lệnh của người chủ tế. Thông thường, một buổi trà lễ sẽ diễn ra theo các bước sau:
5.2.1.Jinseol (진설): trước khi tiến hành buổi lễ, người chủ tế phải đặt một bức bình phong ở phía Bắc và đặt các bài vị của ông bà, tổ tiên phía trước bức bình phong đó. Tiếp đến, họ sẽ đặt thức ăn (theo thứ tự sắp xếp các hàng như trên) đã chuẩn bị sẵn từ sáng hôm trước (chúng đã nguội lạnh nên trước khi dọn lên thì phải hâm nóng lại). Sau khi đã sắp xếp bàn cúng xong thì họ sẽ tiến hành bước thứ hai.
  5.2.2.Bunhyang jaebae (분향재배): để bắt đầu buổi lễ, chủ tế quỳ gối nghiêm trang trước bàn thờ, thắp hương và chắp tay lạy hai cái về phía bàn thờ tổ tiên.
  5.2.3.Gangsin jaebae (강신재배=降神再拜=giáng thần tái bái): mục đích của công đoạn này là khẩn cầu linh hồn tổ tiên ngự xuống dùng những thức ăn, những thứ bánh trái ngon đã chuẩn bị sẵn. Người chủ trì buổi lễ tiến gần hơn nữa về phía trước bài vị tổ tiên, lại quỳ xuống và thắp hương. Tất cả những người ở phía sau đều phải chắp tay lại, quỳ gối rồi bái lạy. Riêng người phục vụ sẽ đổ một ít rượu vào ly và đưa cho người chủ tế. Người chủ tế nhận lấy ly rượu, đổ ba lần vào chén mosa (모사 - chén đựng rượu) và đưa lại ly không cho người phục vụ. Sau đó, chủ tế sẽ đứng dậy và khấn lạy hai cái. Ở đây, việc thắp hương nhằm ý nguyện mời những vị tổ tiên ngự ở phía trên, còn việc đổ rượu vào chén mosa với ý nguyện mời những vị tổ tiên ngự ở phía dưới.
  5.2.4.Chamsin (참신=參神=tham thần): sau khi nghi thức gangsin jaebae( 강신재배) hoàn thành, tất cả những người tham dự sẽ cùng với chủ trì vái lạy hai lần. Trong trường hợp bài vị là bài vị của thần linh thì nghi thức chamsin sẽ được tiến hành trước; còn nếu là bài vị tổ tiên thì nghi thức gangsin sẽ được tiến hành trước.
  5.2.5.Gyeban sapsi (계반삽시): sau khi khấn lạy hai cái, người chủ tế sẽ tiến lên phía trước, mở nắp chén cơm ra, cắm đũa và muỗng vào đó. Họ sẽ phải cắm sao cho cán đũa và muỗng hướng về phía đông. Giống với các dân tộc Á Đông khác, người Korea nghĩ rằng hướng Đông – hướng mặt trời mọc – là hướng của những điều tốt đẹp. Người Korea cho rằng linh hồn người chết tiếp tục “sống” ở những vùng đất phía Đông, nên khi trở về dùng bữa cơm con cháu dâng cúng thì những linh hồn này đến từ hướng Đông. Để thuận tiện cho tổ tiên “dùng bữa”, con cháu sắp đặt cán đũa và muỗng hướng về phương Đông.
  5.2.6.Choheon (초헌): Người chủ trì tiến về phía bài vị, quỳ xuống tiến hành nghi thức choheon. Người phục vụ đưa ly cho chủ trì, chủ trì cầm lấy ly và sau đó người phục vụ sẽ rót rượu vào ly. Cũng giống như khi tiến hành nghi thức gangsin, người chủ trì sẽ cầm ly rượu bằng tay phải và rót ba lần vào chén mosa. Sau đó, chủ trì buổi lễ sẽ cung kính đưa cho người phục vụ bằng cả hai tay và người phục sẽ nhận lấy, rồi dâng lên bàn thờ.
  5.2.7. Aheon (아헌): đây là lần cúng rượu thứ nhì. Nguyên tắc thực hiện cũng giống như lần dâng rượu đầu tiên (sơ hiến).
  5.2.8. Jongheon (종헌): đây là việc dâng rượu lên bàn thờ lần thứ ba. Đợt dâng rượu lần thứ ba này sẽ được thực hiện theo đúng nguyên tắc giống như đợt dâng rượu lần thứ hai: người chủ tế quỳ trước bàn cúng, cầm ly rượu trên tay phải, rót 3 lần vào chén mosa, rồi sau đó đưa cho người phục vụ dâng lên bàn cúng.
  5.2.9. Heonda (헌다): Đổi sungnyung (숭늉 - một loại nước canh) và gaeng ( - cũng là một loại canh) đã nguội bằng chén canh nóng hơn, rồi dâng lên bàn cúng. Người chủ tế bới ba lần cơm vào chén, mỗi lần từng chút một. Lúc này, họ cắm thìa vào chén cơm và đậy nắp chén gaeng lại.
  5.2.10. Cheolsi bokban (철시복반): lấy muỗng và đũa ra khỏi chén sungnyung rồi sau đó đậy nắp chén cơm này lại.
5.2.11. Sasin (사신): tất cả những người có mặt đều phải quỳ lạy, nhưng nam giới chỉ lạy hai cái còn nữ giới phải lạy bốn cái. Nếu trường hợp bài vị là bài vị của thần thánh thì những người làm lễ sẽ tụ tập ở từ đường, đốt bài vị và văn tự cúng tế.
5.2.12. Eumbok (음복): đây là bước cuối cùng của một buổi trà lễ. Những thức ăn trên bàn cúng đã nhận được ơn phúc mà tổ tiên đã ban cho. Khi buổi lễ kết thúc, các thành viên trong gia đình sẽ cùng những người tham dự quây quần lại ăn uống. Họ cùng chia sẻ thức ăn đó cho các thành viên trong gia đình, gia tộc và hàng xóm. Thậm chí, họ mời những người hàng xóm lớn tuổi đến để chiêu đãi.

6.Các trò chơi dân gian

6.1. Sonori( 소놀이) – giả làm bò

Sonori (소놀이) còn được gọi là someoki nori (소먹이 놀이 – trò chơi thức ăn bò). Trò chơi dân gian này được chơi nhiều nhất ở khu vực miền Trung bán đảo Korea, bao gồm các tỉnh như Hwanghaedo (황해도), Gyeonggido (경기도), Chungcheongbukdo (충청북도), Gangwondo (강원도)...
Vào ngày 15/8 âm lịch, sau khi thực hiện các nghi thức thờ cúng ông bà tổ tiên thì người Korea sẽ bắt đầu trò chơi này. Đầu tiên, những người trong đội nhạc “nongak” (농악 – nông nhạc, nghĩa là loại nhạc của nông thôn) – tất cả là thanh niên trai tráng - bắt đầu đánh những tiếng chiêng, trống…Sau đó, dân làng sẽ bắt đầu tập trung lại. Theo sự hướng dẫn của người đánh chiêng, tất cả đội nhạc nongak bắt đầu màn trình diễn đầy thú vị và tiếp theo sau đó họ sẽ bắt đầu trò chơi sonori.
Đầu tiên sẽ có hai người giả làm bò bằng cách: cả hai người cùng cong lưng và lật ngược tấm thảm rơm phủ lên người, người phía sau sẽ cột một sợi dây thừng để làm đuôi, còn người phía trước sẽ gắn hai cây gậy nhỏ làm sừng. Sau đó, đội nhạc nongak cùng với dân làng và con bò giả này sẽ đi đến nhà địa chủ nào giàu nhất, đứng trước cửa chính và la lớn lên: “Bò đã đói nên đi đến đây. Làm ơn cho bò thức ăn và nước uống”. Khi đó, chủ nhà sẽ xuất hiện và đón tiếp đoàn người này. Tiếp theo, con bò giả này sẽ tiến vào sân trước, theo sau là đoàn người và đội nhạc nongak, mọi người sẽ vừa chơi, vừa ca hát và nhảy múa. Chủ nhà sẽ đãi rượu, bánh tteok (bánh làm từ bột gạo) và nhiều loại thức ăn khác. Dân làng sau khi vui chơi một lúc thì sẽ kéo bò đi và tìm đến nhà khác. Cứ như vậy, họ cứ kéo nhau đi đến các nhà và vui chơi cho đến lúc mặt trời lặn. Khi chơi trò Sonori, cũng có trường hợp nếu năm đó, nhà địa chủ nào thu hoạch được nhiều nhất thì sẽ chọn ra người tá điền giỏi nhất để trao thưởng và người này sẽ dẫn theo bò đi khắp làng và nhận được sự tán dương của mọi người. Đặc biệt, tá điền nào năm đó nhận được giải thưởng thì sẽ nhận được nhiều ưu đãi hơn vào năm sau. Đây có thể được xem là cách để động viên mọi người sau một năm làm việc vất vả.
Trò chơi này, ngoài mục đích giải trí sau những tháng ngày lao động căng thẳng, thể hiện niềm mong ước có một mùa màng bội thu của người nông dân. Sở dĩ con bò trở thành hình tượng của trò chơi trong dịp tết Trung thu là vì nó có vai trò quan trọng trong đời sống nông nghiệp truyền thống ở Korea. Như ta biết, loại hình kinh tế truyền thống của người Korea là nông nghiệp lúa nước. Ngày xưa không có máy móc sản xuất như bây giờ nên cần rất nhiều sức lực của động vật để phụ giúp, cụ thể ở đây là con bò.

6.2. Geobuknori( 거북놀이) - giả làm rùa

Geobuknori (거북놀이) là trò chơi được chơi vào ngày 15/8 âm lịch và được phân bổ chủ yếu ở miền Trung bán đảo Korea, bao gồm các tỉnh Gyeonggido(경기도), Chungchongdo(충청도), Gangwondo(강원도)… Trò chơi này đã xem là có từ thời vua Silla nhưng không ai có thể chắc chắn về nguồn gốc của nó. Những thanh niên nông thôn chơi trò này với mong muốn người dân trong làng mình sẽ sống khoẻ mạnh và trường thọ giống như con rùa  vậy.
Để bắt đầu trò chơi, người ta thường dùng vỏ cây ngô tết thành hình con rùa. Tiếp theo, hai người thanh niên sẽ chui vào đó, một người ở phía trước và một người ở phía sau tạo thành một con rùa hoàn chỉnh với cái mai rùa, đầu con rùa và tứ chi. Một người thanh niên khác cột vào cổ con rùa chiếc dây rơm, rồi dắt đi xung quanh làng. Sau con rùa là một đoàn nhạc công với những nhạc cụ truyền thống. Đến mỗi nhà trong làng, người dắt con rùa dừng lại và nói: “Con rùa này vừa mới vượt biển Đông đến đây”. Nghe nói vậy, chủ nhà ra tận cửa đón và nói rằng “Đến được đây thật là vất vả. Xin mời vào trong”. Cả đoàn vào nhà và một người hát hay thường là người gõ chiêng trong tốp nhạc công hát “Bài hát của con rùa” – một bài hát có nội dung ca từ cầu mong sự bình yên cho sớm làng và sự trường thọ cho dân làng. Mỗi khi hát xong từng đoạn, người hát lại gõ chiêng. Sau khi thấy con rùa không cử động và nằm xát sát xuống đất, người dắt con rùa phải huýt gió “swi” () để báo cho mọi người ngừng hát và múa. Tiếp sau đó, người huýt gió nói với chủ nhà rằng do con rùa vượt biển Đông mệt mỏi nên xin chủ nhà cho thức ăn. Người chủ nhà sẽ mời mọi người cùng ăn uống. Sau khi ăn xong, người dắt con rùa nói với rùa rằng “Ta đã ăn đầy đủ rồi, ta hãy chào chủ nhà để ra về”. Thế là con rùa và cả đoàn chào chủ nhà ra về, rồi sau đó lại đi tiếp đến các nhà khác trong làng.

6.3. Gama ssaeum (가마싸움)- đánh trận giả

Về mặt từ ngữ, gama ssaeum (가마싸움) có nghĩa là trò chơi đánh nhau bằng kiệu (가마=kiệu, 싸움=đánh nhau). Tuy nhiên, đôi lúc người Korea chơi trò này mà không cần đến cái kiệu. Chủ thể của trò này là các học đồng (học sinh) trong các thư đường (trường học) trong xã hội xưa, còn ngày nay là trò chơi chơi của các học sinh phổ thông, đôi lúc có cả thanh niên chơi. Nguồn gốc của trò này có lẽ bắt nguồn từ truyền thống học tập học sinh ngày xưa. Ngày xưa, trẻ em phải đến tá túc trong các thư đường và chăm lo học tập. Gần đến tết Trung thu thì một khóa học mới kết thúc. Tận dụng thời gian rãnh rỗi này, học sinh tiến hành trò chơi này để giải trí sau những giờ học căng thẳng.
Để tiến hành trò chơi, nhà trường sẽ sẽ chọn ra người đại diện trong số các học sinh của trường mình, chuẩn bị sẵn cờ, kiệu cho cuộc đấu kiệu sắp tới với học sinh của các trường khác trong cùng một làng hoặc làng bên cạnh. Sau khi chuẩn bị xong cờ và kiệu, trước ngày lễ Chuseok 15 ngày, họ sẽ luyện tập kéo kiệu. Sau 15 ngày đó, các học sinh sẽ kéo kiệu đi khắp làng và biểu dương sức mạnh của đội mình. Vào ngày đó, mọi dân làng đều kéo ra reo hò cổ vũ rất hào hứng. Sau khi đi hết vòng quanh làng thì các đội kiệu sẽ tập trung ở một cái sân rộng và trò chơi sẽ được bắt đầu. Cuộc tranh đấu sẽ được tiến hành theo sự chỉ huy của người đứng đầu. Từng kiệu sẽ tiến lên phía trước, lùi xuống phía sau hoặc xoay vòng, lợi dụng sơ hở thì sẽ đâm xuyên vào kiệu của đối phương. Khi hai kiệu đâm vào nhau thì người ở mỗi đội sẽ dùng chân đá để làm sập kiệu của đối phương và sau đó sẽ cướp cờ. Khi các đội đã kiệt sức sau một thời gian tranh đấu, thì việc phân thắng bại sẽ dựa vào số cờ cướp được, số cờ bị cướp và kiệu có bị sập hay không. Đội chiến thắng sẽ giơ cao số cờ cướp được và tiếp tục đi vòng quanh làng để biểu dương sức mạnh của mình. Khi đó, dân làng sẽ chúc mừng đội chiến thắng, đội này sẽ diễu hành đến sân trường và lúc đó thì trò chơi sẽ kết thúc. Người ta cho rằng, đội nào chiến thắng trong trò chơi này thì năm đó thi cử sẽ đạt kết quả tốt. Do đó, không chỉ có học sinh mà bố mẹ của họ cũng rất vui mừng nếu con mình thắng cuộc.

6.4. Ganggansullae (강강술래)- múa vòng tròn

Khu vực chơi ganggangsullae (강강술래) nhiều nhất là khu vực Jeollado (전라도, phía Tây Nam bán đảo Korea), tiếp sau đó là khuc vực Gyeongsangdo (경상도, phía Đông Nam bán đảo). Đây là trò chơi dành cho phụ nữ trong dịp tết Trung thu.
Về nguồn gốc, đến nay chưa ai biết biết chính xác về nguồn gốc trò chơi này. Tuy nhiên, người ta phỏng đoán rằng điệu múa này bắt nguồn trong thời gian Nhật Bản xâm chiếm Korea vào năm 1592 khi tướng quân Yi Sun Sin (이순신) ra lệnh cho phụ nữ ở vùng Jindo, phía Nam tỉnh Jeolla, múa xung quanh đống lửa vào buổi tối, một mặt cảnh giác sự xâm chiếm của thủy quân Nhật Bản, một mặt làm cho những kẻ xâm chiến Nhật bản nghĩ rằng có rất nhiều binh lính ở khu vực này. Phong tục múa hát dưới trăng đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ở các khu vực ven biển phía Nam Korea từ thời xa xưa. Điệu múa này đã được ghi vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quan trọng số 8.
Đây là trò chơi chủ yếu của các cô gái vào ngày Chuseok, thể hiện nét truyền thống của khu vực ven biển Tây Nam. Các cô gái nắm tay nhau xếp thành một vòng tròn và chạy cùng chiều kim đồng hồ và sau đó ngược chiều kim đồng hồ quanh một người múa và hát. Màn múa bắt đầu chậm chậm và dần dần tăng tốc độ. Cô gái đứng giữa vòng tròn này sẽ hát các ca khúc trữ tình trong khi các cô gái khác hát điệp khúc, “ganggangsullae” có nghĩa là “nhìn xung quanh” .


6.5. Juldarigi (줄다리기) - kéo co

Juldariki (줄다리기) có nghĩa là trò chơi kéo dây thừng, hình thức chơi giống như trò kéo co nhưng sợi dây thừng rất to. Ngày xưa, nó được chơi khắp nơi trên bán đảo. Ngày nay, nó chỉ còn phổ biến ở một số khu vực như Yeongsando (영산도), Gyeongsangdo (경상), Jejudo (제주도). Theo truyền thống, trò này thường được tổ chức vào ngày 15/1 âm lịch. Tuy nhiên, tuỳ theo từng địa phương, nó cũng được tổ chức vào ngày 5/5 (Dano) và ngày 15/8 âm lịch (Chuseok).
Khoảng 10 - 15 ngày trước khi bắt đầu trò chơi, mỗi gia đình trong làng bắt đầu bện nhiều sợi dây thừng nhỏ dài 2-4m, đường kính khoảng 30cm. Sau đó, các gia đình gom các sợi dây đã làm và bện chúng thành một sợi dây to hơn (dài khoảng 30m, đường kính 1m). Trên thân sợi dây to này có gắn những sợi dây nhỏ mà mỗi gia đình đã làm trước đây, mục đích là khi chơi thì mỗi người sẽ nắm sợi dây nhỏ này và cùng họp sức kéo sợi dây lớn. Sau khi bện xong sợi dây lớn thì mọi người gập sợi dây lại (chiều dài còn 15m) tạo ra một vòng nơi đầu sợi dây. Cái đầu sợi dây này sẽ được nối kết với đầu sợi dây của làng khác bằng một thanh gỗ (chồng hai đầu sợi dây lên nhau, thanh gỗ sẽ luồng qua 2 vòng tròn nơi đầu sợi dây). Sợi dây của làng ở phía Đông gọi là “sợi dây đàn ông” (남성 ), còn sợi dây của làng ở phía Tây gọi là “sợi dây đàn bà” (여성 ).
Đến ngày chơi, nam nữ lão ấu trong làng ai có sức khỏe thì cùng tham gia kéo sợi dây của làng mình. Khi chơi sẽ chia thành hai đội và hai đội đó sẽ cùng kéo một sợi dây về hai phía. Đội nào kéo được sợi dây đó về phía mình thì sẽ giành chiến thắng. Người ta tin rằng nếu đội của “sợi dây đàn bà” thắng thì vụ mùa năm sẽ bội thu. Sau khi chơi xong thì mỗi gia đình cắt lấy những sợi dây nhỏ được bện vào sợi dây lớn đem về nhà, để trên nóc nhà nhằm tìm lấy may mắn.

6.6. Ssireum (씨름)- đấu vật

Trò chơi đấu vật ở Korea được gọi là ssireum (씨름). Trò này được chơi vào các ngày đặc biệt như 15/1 (tết Nguyên tiêu), 3/3 (tết Hàn thực), 8/4 (lễ Phật đản), 5/5 (tết Đoan ngọ), 15/7 (lễ cúng cô hồn trong Phật giáo) và 15/8 (tết Trung thu). Trò này được chơi khắp nơi trên đất nước.
Lịch sử môn vật truyền thống ssireum bắt đầu cùng thời với sự hình thành sinh hoạt cộng đồng. Trong xã hội cổ, con người phải chiến đấu để chống lại những loài thú hoang, không phải chỉ để tự vệ, mà còn để tìm thức ăn. Bên cạnh đó, các cộng đồng này không thể tránh khỏi những xung đột với những bộ tộc khác. Vì vậy, con người phải rèn luyện những hình thức võ thuật khác nhau để bảo vệ chính mình. Người ta cho rằng, môn đấu vật xuất hiện từ thời Tam Quốc. Và theo các sử sách hiện thời có ghi chép rằng cho đến thời Goryeo (고려, 918 - 1392) thì môn đấu vật mới được truyền đến công chúng.
Đấu vật là cuộc thi dùng sức của hai người đứng đối diện nhau trong tư thế cúi gập người, tay phải nắm lấy thắt lưng của đối phương, tay trái bắt lấy chân của đối phương và dùng các kỹ thuật khác nhau cùng với sức lực của mình cố sao cho đối phương bị đánh ngã. Trong trò chơi này phải vẽ một cái vòng tròn cố định và chơi trong đó. Nếu bị lọt ra phía ngoài vòng hoặc tay chạm mức thì kể như bị thua cuộc. Ngày xưa, người thắng cuộc trong mỗi giải đấu ssireum theo tập tục sẽ được thưởng một con bò, đó không chỉ là biểu tượng của sức mạnh mà còn là một tài sản có giá trị trong xã hội nông nghiệp.

6.7. Hwalssogi( 활쏘기) - bắn cung

Có thể nói rằng, ngay từ thời cổ đại, bắn cung (활쏘기) đã trở thành một môn nghệ thuật. Không phải ai cũng có thể bắn cung được nếu không trải qua một quá trình tập luyện nghiêm túc. Bắn cung luyện cho con người sự dẻo dai, sự tinh mắt và sự nhanh nhẹn. Người Korea cổ đại chính là xuất phát từ gốc du mục, chuyên cưỡi ngựa bắn cung. Chính vì nguồn gốc tộc người của mình mà người Korea rất quen và rất thạo bắn cung.
Để chứng tỏ tài năng bắn cung, người Korea xưa thường tổ chức các cuộc thi bắn cung. Họ thường tổ chức vào các ngày lễ như Seollal hay Chuseok. Vào dịp Chuseok, mọi người tập trung lại để làm bia và trổ tài thi thố xem ai sẽ bắn cung vào trúng đích. Theo sách “Tân đường thư” (신당서) ghi chép lịch sử của nước Silla thời Tam Quốc, vào ngày 15/8 âm lịch, nhà vua cho mở đại hội cung thuật để cho các bách tính tham gia thi thố tài năng bắn cung. Mục đích của đại hội là tìm ra người có tài phục vụ cho triều đình. Không chỉ thế, trò chơi bắn cung này là một môn thể thao rèn luyện tinh thần của con người. Những tay xạ thủ xếp lại thành một hàng và lần lượt thi đấu. Khi một ai đó bắn trúng đích, mọi người sẽ reo hò ca hát và chúc mừng người thắng cuộc. Như vậy, qua trò chơi này chúng ta có thể thấy được tinh thần yêu thể thao cũng như sự nhanh nhẹn, tinh mắt và khéo léo của người Hàn thông qua trò chơi này.

Chương 3: Vai trò của lễ tết trung thu trong đời sống của người Korea

            1.Đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh

            - Chuseok được tổ chức vào lúc giao mùa (khoảng cuối tháng bảy đến đầu tháng tám âm lịch), đây cũng là thời điểm kết thúc chu kỳ sản xuất cũ và một chu kỳ mới bắt đầu.
- Chuseok còn là cầu nối giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần và nhu cầu thỏa mãn tâm linh, lòng tin của con người. Như là một sự tạ ơn ông bà, tổ tiên và các vị thân linh đã phù hộ cho họ có được mùa màng bội thu. Hầu như tất cả các nghi lễ đều được tổ chức ở từ đường – đây là nơi linh thiêng nhất, nơi ông bà, tổ tiên yêu nghĩ.

2.Củng cố mối quan hệ gia đình

Chuseok là dịp để các thành viên trong gia đình hay lớn hơn là các thành viên trong gia tộc có thể “xích lại gần nhau hơn”. Mối quan hệ này được chia thành hai loại: mối quan hệ giữa người sống – người chết (giữa con cháu với ông bà, tổ tiên) và mối quan hệ giữa người sống – người sống (các thành viên còn lại trong gia đình).
-Mối quan hệ giữa người sống – người chết
+ Dưới ảnh hưởng rất lớn của Nho giáo, nên người Korea rất coi trong chữ Hiếu và đạo Hiếu. Cho nên người Korea rất vâng lời và kính trọng cha mẹ, ông bà của mình.
+Cho nên, vào dịp lễ tết Chuseok là dịp để con cháu để tưởng nhớ và thể hiện lòng hiếu thảo của mình đến ông bà, tổ tiên. Từ xưa, con cháu nghĩ rằng thời tiết tốt, cây lương thực phát triển tốt và thu hoạch tốt, có công ăn việc làm ổn định đều là do ông bà, tổ tiên đã độ trì. Vậy nên người Korea tổ chức Chuseok với mục đích là tạ ơn ông bà tổ tiên.
-Mối quan hệ giữa người sống – người sống
Thời xưa hay ngày nay, một số thành viên phải đi làm ăn xa gia đình. Cho nên, vào ngày lễ tết Chuseok là dịp để những người thân trong gia đình có thể đoàn tụ, xum họp lại để cùng nhau tổ chức các hoạt động theo sự phân công nghiêm ngặt: nữ thì lo dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bánh ngọt, trái cây; nam thì lo dọn dẹp cỏ mồ ông bà, tổ tiên,...sau khi chuẩn bị xong thì họ bắt đầu làm lễ và quây quần bên nhau cùng ăn uống, vui chơi. Chính sự sum họp này làm cho tình cảm của các thành viên trong gia đình cộng hưởng nhau.

3. Củng cố mối quan hệ cộng đồng

- Trong cuộc sống thì những người hàng xóm, láng giềng thường giúp đỡ chúng ta thu hoạch khi thiếu lao động. Cho nên, vào dịp Chuseok sau khi thu hoạch xong, thi gia đình khi chuẩn bị đồ cúng lễ làm nhiều một chút để đem biếu hàng xóng, láng giềng nhằm tạ ơn sự giúp đỡ của những người hàng xóm.
- Cũng trong dịp này, những trò chơi dân gian sẽ giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các gia đình trong làng xã.

4.Giúp tái tạo sức lao động

Thông qua Chuseok, là dịp mà người Korea có được một thời gian nhàn rỗi để nghỉ ngơi, tiệc tùng, vui chơi sau những ngày đồng án vất vả nhằm tái tạo lại sức lao động, lấy lại sức khỏe để có thể tiếp tục lao động vào vụ mùa sau.
Chương 4: So sánh tết Chuseok với tết trung thu Việt Nam
BẢNG SO SÁNH TẾT CHUSEOK VÀ TẾT TRUNG THU CỦA VIỆT NAM

Tiêu chí
Tết Chuseok
Tết Trung thu Việt Nam
Không gian
Korea
Việt Nam
Thời gian
Ngày 15/08 âm lịch
Nguồn gốc
Đều vay mượn từ tết Trung thu của Trung Hoa
Triết lý Ngũ hành
+
Triết lý Âm dương
+
Phạm vi tổ chức
Rộng (gia đình và gia tộc)
Hẹp (Chủ yếu trong gia đình)
Đối tượng
Các thành viên trong gia đình và gia tộc
Chủ yếu dành cho trẻ em
Beolcho – Phạt thảo
Không (chỉ có phong tục tương tự vào ngày 1/1 và 15/3 âm lịch (tảo mộ))
Bánh trung thu
Có hình bán nguyệt
Có hình tròn
Charye – Trà lễ
Không có
Myoje - Mộ tế
Không có
Các trò chơi dân gian
Nhiều
Ít

Qua bảng so sánh, ta thấy tết Chuseok của Korea và tết Trung thu của Việt Nam cũng có nhiều điểm giống và điểm khác.
Tết Chuseok thì ở Korea, còn tết Trung thu ở Việt Nam. Cả hai đều diễn ra vào ngày 15/08 âm lịch hằng năm. Và cả hai đều vay mượn từ tết Trung thu của Trung Hoa để làm phong phú thêm tết Trung thu của mình, cả hai còn vay mượn triết lý Âm dương, Ngũ hành,...để đưa vào phong tục, mâm cúng tổ tiên của mình.
Nhưng cũng có nhiều điểm khác, như tết Chuseok thì được tổ chức rất rộng (có trong cả gia đình và gia tộc), còn tết Trung thu của Việt Nam thì chỉ tổ chức trong phạm vi gia đình mà thôi. Còn phong tục Beolcho – Phạt thảo (như làm cỏ mộ ông bà, dọn dẹp vệ sinh,...) thì chỉ có ở Korea mà thôi, còn ở Việt Nam thì không có, nếu có thì chỉ ở tết Nguyên đán hay tết Thanh minh, mà người Việt Nam gọi nó là lễ tảo mộ. Vào ngày trước ngày rằm, cũng làm bánh trung thu nhưng bánh trung thu có hình tròn trong khi bánh Songpyeon của Korea có hình bán nguyệt. Tết Chuseok thì phức tạp, có bày trí mâm lễ phức tạp, những nghi lễ truyền thống, những hoạt động vui chơi độc đáo còn ở Việt Nam gần như không có.

Kết luận

Tóm lại, tết Chuseok là một lễ tết trang nghiêm, ấm cúng và vui vẻ. Trong ngày lễ tết này thì diễn ra rất nhiều phong tục và các trò chơi dân gian độc đáo.
Tết Chusoek được bắt đầu bằng phong tục beolcho – phạt thảo. Beolcho là phong tục đi viếng mộ ông bà tổ tiên và dọn dẹp sạch cỏ quanh mộ để chuẩn bị đón Chuseok, thường do nam giới làm. Trong khi đó, phụ nữ ở nhà lo dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị đồ tế lễ, bao gồm: bánh songpyeon (bánh trung thu), canh, thịt, cá, rau, quả… Sáng sớm ngày 15-8, cả nhà thức dậy từ rất sớm, mặc quần áo mới, tập trung tại từ đường để tiến hành nghi thức charye – trà lễ. Mục đích của nghi thức charye dâng cúng ông bà tổ tiên những món ăn ngon được làm từ những nông sản mới thu hoạch là tạ ơn ông bà tổ tiên đã phù hộ cho con cháu có được một vụ mùa bội thu. Sau khi cúng xong thì cả nhà chia nhau đồ cúng lễ, cùng nhau ăn một “bữa cơm cộng cảm” trước khi tiến hành phong tục tiếp theo – phong tục myoje (mộ tế). Myoje là nghi thức tế lễ (cũng có mâm cơm dâng cúng) ông bà tổ tiên tại các mộ phần. Khi cúng xong thì mọi người trở về nhà, chuẩn bị chơi các trò chơi dân gian. Từ trưa đến tối là khoảng thời gian để người Korea tham gia các trò chơi như sonori (giả làm bò), geobuknori (giả làm rùa), gama ssaeum (đánh trận giả), ganggangsullae (múa vòng tròn), juldarigi (kéo co), ssireum (đấu vật) và hwalssogi (thi bắn cung). Ngoại trừ trò chơi múa vòng tròn là dành cho nữ, kéo co là dành cho tất cả mọi người, tất cả các trò còn lại thường chỉ có nam giới tham gia. Kết thúc Chuseok, ai cũng mệt mỏi nhưng rất vui. Thực tế cho thấy đó là lễ tết dành cho toàn dân tộc Korea.
Ngày nay, các phong tục của lễ tết này dần biến đổi theo hướng giảm dần các hoạt động. Tuy nhiên, sự biến đổi đó ở mức độ ít. Người Korea hiện đại vẫn tổ chức Chuseok một cách long trọng (Chuseok hiện nay vẫn là lễ tết lớn nhất ở Korea).

 Tài liệu tham khảo
*Tiếng Việt
1. Địa lý Đông Bắc Á: Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. [Th.S Huỳnh Văn Giáp – 2004 – NXB: Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh].
2. Hàn Quốc đất nước và con người. [Kiến Văn, Nguyễn Anh Dũng dịch – 2010 – NXB Thời đại].
3.Tìm hiểu văn hóa Hàn Quốc. [Nguyễn Long Châu – 2000 - NXB Giáo dục Hà Nội].
4. Lễ hội Chuseok ở Hàn Quốc (niên luận sinh viên khoa Đông phương học, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh) - Nguyễn Thị Hương Tú – 2009].
5. Những vấn đề văn hóa, xã hội và ngôn ngữ Hàn Quốc. [Nhiều tác giả - 2002 -NXB Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh].
*Internet
1. http://thongtinhanquoc.com/van-hoa/van-hoa/item/14260-t%C3%ACm-hi%E1%BB%83u-v%E1%BB%81-chuseok-l%E1%BB%85-t%E1%BA%A1-%C6%A1n-c%E1%BB%A7a-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c.html
Đinh Hoàng Anh
Văn hóa học K04
ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn - ĐH QG TPHCM