October 24, 2014

Tiếng chim hót trong bụi mận gai - Coleen Mc Cullough (chương 32 - End)

Standard

Chương 32
Ngày Giáng Sinh năm 1941, Hồng Kông thất thủ. Sau đó, tin quân Nhật đã
đổ bộ lên Mã Lai và Phi Luật Tân. Rồi ngày 8 tháng 7 năm 1942, quân
Nhật vượt qua eo biển Johore, đặt chân liên phía bắc Singabore và chiếm
thành phố này không tốn một viên đạn.
Đến đây, thủ tướng Úc Curtin, bất chấp sự nổi giận của thủ tướng Anh
Churchill, đòi rút tất cả lực lượng của Úc ở Bắc châu Phi về nước. Ông
tuyên bố đã đến lúc nước Úc cần những đứa con của mình để bảo vệ quê
hương. Tin này mang lại cho Fiona hy vọng sớm gặp lại hai đứa con trai út
của bà. Nhưng thật không may, tình hình ở Bắc Phi bỗng xấu đi, cuối cùng
sư đoàn của Úc bị kẹt lại không thể rút ngay. Điều bất ngờ là với một lực
lượng huấn luyện chưa tốt, trang bị thiếu thốn, nhưng sư đoàn 9 Úc đã hai
lần đối đầu thành công trước lực lượng hùng hổ của Rommel. Cuối năm
1942, sư đoàn 9 Úc được gọi về, chuẩn bị sang Tân Guinee đối đầu với
bọn Nhật. Jims và Patsy trở về nước bình yên. Dĩ nhiên là hai anh em
được phép về thăm Drogheda. Bob ra ga đón Jims và Patsy. Khi chiếc xe
Rolls tiến vào trong sân nhà thì mọi phụ nữ trong trang trại đều có mặt,
Jack và Hughie đứng hơi tụt đằng sau. Hôm nay là ngày lễ, dù cho tất cả
cừu ở Drogheda ngã lăn ra chết cũng mặc kệ.
Xe đã dừng lại rồi nhưng vẫn không có một ai nhúc nhích, đến khi hai anh
em song sinh từ trên xe bước xuống mọi người vẫn đứng yên. Hai năm
sống trên sa mạc đã thay đổi hẳn Jims và Patsy. Cả hai cao hơn các anh
một cái đầu, không còn là những chàng trai vị thành niên nữa, Jims và
Patsy đã trở thành những người đàn ông; nhưng là những người đàn ông
không giống cái kiểu Bob, Jack và Hughie. Thử thách về nhiều mặt, hưng
phấn của chiến trường, với những cái chết bi thảm được chứng kiến đã
biến Jims và Patsy thành những con người mà Drogheda không thể nào tạo
nên được.
- Con trai của mẹ! Các con trai của mẹ! Bà Fiona gọi to lên, mặt đầy nước
mắt chạy đến ôm hai con.Bất cần chúng đã làm gì, chúng đã thay đổi đến đâu, chúng vẫn là những
đứa con nhỏ bé mà bà đã tắm rửa, thay tã, đút ăn, mà bà đã dỗ dành khi
chúng khóc, ôm ấp khi chúng về nhà mang những thương tích. Nhưng những
thương tích hằn lên chúng bây giờ đã vượt khỏi khả năng chăm sóc của bà.
Drogheda đã mở tiệc khoản đãi Jims và Patsy. Có điều rất lạ là cả hai rất
thích kể chuyện hàng giờ về Bắc Phi, về cách ăn ở những nơi mà chúng đã
đặt chân đến, về viện bảo tàng ở Cairo, về cuộc sống trong quân ngũ nhưng
tuyệt đối không đề cập đến những trận đánh nhau. Bất đắc dĩ cả hai mới trả
lời qua loa về những trận ác liệt diễn ra tại Gazala, Benghazi, Tobruk, El
Alamein. Các bà các cô quây quanh hai người anh hùng của dòng họ
Cleary nhưng cả hai đều tìm cách lẩn trốn, sợ hãi hơn cả khi ra trận.
Meggie rất vui thấy Jims và Patsy đùa chơi hàng giờ với Dane. Còn
Justine, chúng tỏ ra rụt rè và vụng về cũng như khi đối đầu với phái nữ nói
chung.
Jims theo dõi chị mình đang nhìn âu yếm Dane. Thằng bé cười như pháo
nổ vì Patsy đang đùa với nó.
- Chị đừng bao giờ để nó rời khỏi Drogheda. Jims nói thấp giọng. Ở
Drogheda, nó sẽ có một cuộc sống bình yên, không thể xảy ra điều gì bất
hạnh cho nó.
__________________
Chương 33
Tổng giám mục Ralph vội vã đi dọc dãy hành lang cao và lộng lẫy dường
như không chú ý đến những ánh mắt ngạc nhiên quay về hướng ông. Ralph
xuất hiện đột ngột trong phòng tiếp khách của Hồng Y và đứng sựng lại.
Đức cha đang tiếp ông Papee, đại sứ của chính phủ Ba Lan lưu vong đặt
bên cạnh Tòa thánh.
- Ồ, Ralph! Có chuyện gì thế?
- Xong rồi, Vittorio Mussolini đã bị lật đổ.
- Lạy Chúa! Đức Thánh cha đã hay tin chưa?
- Chính con đã gọi điện đến Castel Gandolfo nhưng trong chốc lát đài phát
thanh sẽ loan tin. Con biết trước là nhờ một người bạn ở tổng hành dinhĐức cho hay.
Ông Papee đứng lên.
- Con xin phép được kiếu từ, thưa Đức cha. Con đại diện cho một chính
phủ thù nghịch với nước Đức. Nếu Đức Thánh cha không an toàn thì con
cũng sẽ lâm vào tình cảnh ấy. Con cần phải thu xếp gấp các tài liệu trong
văn phòng của con.
Ăn nói thận trọng, lời lẽ chính xác, đúng là một nhà ngoại giao từ đầu đến
chân, Papee chào hai vị chức sắc của tòa thánh rồi ra về.
- Có phải ông ấy đã đến đây để yêu cầu chúng ta can thiệp cho nhân dân
Ba Lan đang bị người Đức đàn áp?
- Vâng, thật tội nghiệp. Ông ấy rất lo cho đất nước.
- Còn chúng ta? Chúng ta có chút lo lắng gì dành cho đất nước Ba Lan
khốn khổ ấy không?
- Dĩ nhiên là có, Ralph ạ! Nhưng ông ấy không hiểu rằng tình hình gay go
như thế nào.
- Đó là sự thật nhưng không ai chịu tin như thế.
- Ralph!
- Có đúng như thế này không! Thời niên thiếu Đức Thánh cha đã trải qua
những năm tháng tại Munich và Người đã có một sự say mê đặc biệt dành
cho người Đức! Đức Thánh cha đã tiếp tục yêu người Đức dù có xảy ra
bất cứ chuyện gì. Ngay cả khi bằng chứng về sự ô nhục do các người bạn
của nước Đức gây ra được phơi bày trên những thân thể đáng thương vì bị
họ hành hạ, cắt xẻo thì Đức Thánh cha cũng có thể tuyên bố đó là tác phẩm
của người Nga; chứ một dân tộc có văn hóa và văn minh đến mức ấy không
thể có những hành động khủng khiếp như thế.
- Ralph, chỉ có một lời tố giác của chúng ta về những gì xảy ra ở Ba Lan là
Adolf Hitler sẽ đè bẹp chúng ta ngay - Sự can thiệp của ta sẽ mang lại lợi
lộc gì hở ông bạn? Chúng ta không có quân đội. Các cuộc trả thù sẽ diễn ra
tức khắc và Đức Thánh cha sẽ bị đưa đi Berlin, đó là điều mà Đức Thánh
cha lo ngại. Ông bạn có nhớ Giáo hoàng bù nhìn ở Avignon cách đây vài
thế kỷ ông bạn có muốn thấy Giáo hoàng của chúng ta bị biến thành bù nhìn
ở Berlin?- Con rất buồn, Vittorio ạ. Nhưng con không nhìn các sự kiện dước góc
cạnh ấy. Con cho rằng chúng ta phải tố giác các thủ đoạn của Hitler trước
thế giới, công bố những hành động dã man, hét to lên cho mọi người biết!
Nếu hắn xử bắn chúng ta, chúng ta sẽ chết như những người tử vì đạo và sự
hy sinh của chúng ta càng có kết quả.
- Ông bạn Ralph thân mến, nên tỏ ra sáng suốt hơn một chút! Không có vần
đề xử bắn chúng ta. Hitler cũng thừa hiểu rằng sẽ không chính trị chút nào
nếu biến chúng ta thành những người tử vì đạo. Đức Thánh cha sẽ bị đưa
đi Berlin, còn chúng ta sẽ được bí mật đưa đi Ba Lan. Đi Ba Lan, Ralph!
ông bạn có muốn chết ở Ba Lan không? Điều đó có ích gì so với việc tiếp
tục ở lại đây hiện nay?
Tổng giám mục De Bricassart ngồi xuống, hai bàn tay siết chặt nhau đặt
trên đầu gối, ném một tia nhìn tức giận ra hướng cửa sổ. Phía ngoài những
con chim bồ câu bay qua bay lại dưới ánh nắng màu vàng rực rỡ của trời
chiều. Vào tuổi bốn mươi bảy, Ralph vẫn tráng kiện hơn lúc nào hết.
- Ralph, chúng ta vẫn là chúng ta, vẫn là những con người, nhưng đó là thứ
yếu. Trước hết, chúng ta là những tu sĩ.
- Đức cha đã không sắp xếp một thứ tự ưu tiên như thế trước đây khi con
trở lại Úc.
- Thời kỳ ấy, cha đứng trên bình diện khác và con dư biết điều ấy. Con có
đầu óc thích chống chế! Trong tình hình hiện nay, không thể nào suy nghĩ
với tư cách con người, chúng ta phải suy nghĩ với tư cách tu sĩ vì rằng đó
là mặt chính của cuộc sống chúng ta. Dù cho chúng ta có suy nghĩ gì và dù
chúng ta có muốn hành động như thế nào với tư cách con người chúng ta
vẫn buộc phải trung thành với Giáo hội chứ không phải với một quyền
hành thế tục! Chúng ta buộc phải trung thành duy nhất với Giáo hội! Con đã
có lời khấn phục tùng, Ralph. Hay con lại định vi phạm lần nữa? Đức
Thánh cha không thể sai lầm khi hành động vì quyền lợi của Giáo hội.
- Đức Thánh cha đã sai lầm! Sự đánh giá của Người có thiên vị. Đức
Thánh cha đã tập trung tất cả sức lực cho cuộc đấu tranh chống cộng sản.
Đức Thánh cha coi nước Đức như là đối thủ có tầm cỡ nhất để chống lại
chủ thuyết ấy; và Người đã nhìn nước Đức như cường quốc duy nhất cókhả năng ngăn chặn ảnh hưởng cộng sản đối với phương Tây. Đức Thánh
cha mong muốn Hitler ngồi vững trong địa vị của hắn, cũng như Đức
Thánh cha hài lòng khi nhìn thấy Mussolini ngự trị ở Ý.
- Hãy tin cha, Ralph à, còn nhiều điều con không biết hết. Là Giáo hoàng,
Đức Thánh cha không thể sai lầm. Nếu con hoài nghi thì coi như con đã từ
bỏ đức tin của mình rồi đó.
Tối hôm ấy, Tổng giám mục De Bricassart cảm thấy mệt mỏi và căng
thẳng. Theo ông, Giáo hội không có hành động cụ thể nào khả dĩ đóng góp
vào việc chấm dứt chiến tranh; vai trò của riêng ông thì giới hạn trong việc
can thiệp nhằm cứu vài bức tượng và tác phẩm nghệ thuật; do đó Ralph
oán ghét sự an phận của Vatican. Mặc dù Ralph có phần nào bảo thủ nhưng
sự dè vặt và nhút nhát quá mức của các chức sắc cao cấp bên cạnh Giáo
hoàng vẫn gây cho ông một sự bực bội nặng nề.
__________________
Chương 34
Tổng giám mục De Bricassart đi xuống ngả cầu thang riêng của giáo đường
Thánh Pierre, ngả mà trước đó ông đã đi vào. Đột ngột nghe có tiếng ai đó
thở hổn hển, ông chiếu thẳng chiếc đèn pin về hướng đó. ánh sáng làm lộ ra
tác phẩm điêu khắc đẹp nhất: tượng Đức bà đau khổ của Michel Ange.
Nhưng ở dưới gương mặt bất động ấy có một gương mặt khác, không phải
bằng đá hoa nhưng bằng xương bằng thịt, nổi bật giữa bóng đêm như một
chiếc đầu lâu.
Tổng giám mục mỉm cười gọi khẽ bằng tiếng Đức, không có tiếng trả lời
nhưng ông nhìn kỹ thấy bộ quân phục binh nhì linh bộ binh Đức.
- Wie geht'' s - ông hỏi vẫn với nụ cười.
Người lạ mặt hơi giật mình, bước ra khỏi bóng tối. Trên vầng trán thông
minh có những giọt mồ hôi.
- Du bist brank? Tổng giám mục lại hỏi anh thanh niên có phải bị bệnh
không?
Có tiếng trả lời:
- Nein (không).Tổng giám mục De Bricassart đặt cây đèn pin xuống đất và tiến đến gần,
ông đưa tay nâng nhẹ cằm của người lính lên để nhìn rõ đôi mắt u buồn của
anh tạ
- Có chuyện gì? ông hỏi bằng tiếng Đức.
- Con đến để cầu nguyện, anh thanh niên giải thích bằng một giọng nói
vùng Bavarian hơi nặng.
- Thế thì chuyện gì đã xảy ra? Có phải anh bị kẹt trong này khi Nhà thờ
đóng cửa?
- Vâng, nhưng không phải điều đó làm con lo.
Tổng giám mục cúi xuống cầm đèn lên.
- Dù sao anh cũng không thể ở ngoài này suốt đêm và tôi cũng có chìa khóa
cổng. Tình cờ tôi đến đây cũng để cầu nguyện. Bộ chỉ huy tối cao của anh
đã dành cho tôi một ngày thật gay go. Đi ngõ này, đúng. Hy vọng rằng
những người canh gác sẽ không hiểu lầm rằng tôi đã bị bắt giữ và họ sẽ
nhận ra chính tôi hộ tống anh chứ không phải anh hộ tống tôi.
Cuối cùng, Tổng giám mục đưa người thanh niên vào một phòng tiếp khách
nhỏ bày diện rất giản dị. Ông chỉ bật sáng một bóng đèn nhỏ và đóng cửa
lại.
Hai người nhìn nhau. Anh lính Đức nhìn thấy một người đàn ông cao lớn,
gương mặt thanh tú, mắt xanh và sắc. Tổng giám mục nhìn thấy một cậu bé
lỏng thỏng trong bộ quân phục mà cả châu Âu đã bắt đầu khiếp sợ. Đúng là
một cậu bé, chắc chắn không quá mười sáu tuổi. Chiều cao trung bình,
dáng người mảnh khảnh, hai cánh tay rất dài.
- Anh ngồi xuống đi, ông vừa nói vừa đi đến chiếc tủ nhỏ lấy ra chai rượu
vang trắng Marsala.
Tổng giám mục rót rượu vào hai ly, trao cho anh thanh niên một, rồi ông
ngả lưng vào chiếc ghế bành trong tư thế có thể quan sát thoải mái nét mặt
có sức thu hút của người khách.
- Nước Đức chẳng lẽ bắt buộc phải động viên cả những trẻ con? ông vừa
nói vừa ghác chéo hai chân.
- Con không biết, cậu trai trả lời. Con đang ở trong cô nhi viện và con
muốn ra khỏi nơi đó bằng mọi cách.- Con tên gì?
- Rainer Moerling Hartheim, anh thanh niên trả lời không giấu vẻ tự hào.
- Thật là một cái tên đẹp tuyệt, vị tu sĩ nhận xét nghiêm trang.
- Thưa, đẹp thật sự phải không? Chính con đã chọn cái tên ấy. Ở cô nhi
viện người ta gọi con là Rainer Schmidt nhưng khi con bị động viên, con
đã đổi tên ấy bằng một cái tên mà con vẫn ao ước.
- Cha mẹ con đều mất?
- Các dì phước gọi con là đứa con của tình yêu.
Tổng giám mục cố nín cười. Cậu trai tỏ ra có phẩm cách và tự tin sau khi
sự sợ hãi không còn thấy trên gương mặt. Thế thì lúc nãy, cậu ta sợ hãi
điều gì?
- Tại sao lúc nãy con tỏ ra quá sợ hãi, Rainer?
Anh lính trẻ hớp một ngụm rượu, rồi ngước mặt nhìn lên với vẻ hài lòng.
- Ngon tuyệt. Rượu rất dịu. Con muốn được nhìn tận mắt Giáo đường
Thánh Pierre vì rằng các dì phước đã nhắc đến luôn và cho xem nhiều ảnh.
Vì vậy khi con được đưa sang La Mã con rất vui mừng. Chúng con vừa
đến buổi sáng, liền sau đó con tìm cách đến đây. Nhưng con đã thất vọng.
Con tưởng sẽ cảm thấy gần gũi với Chúa hơn trong chính Nhà thờ của
Chúa; trái lại ở đây quá to lớn và lạnh lẽo. Con không cảm nhận được sự
hiện diện của Chúa.
Tổng giám mục cười.
- Ta hiểu con muốn nói gì - Nhưng Giáo đường Thánh Pierre không phải là
một Nhà thờ đúng nghĩa của nó. Giáo đường Thánh Pierre là Giáo hội.
Chính ta cũng phải trải qua một thời gian khá lâu để tập cho mình quen với
suy nghĩ đó.
- Con muốn cầu nguyện hai điều.
- Về những điều làm con sợ hãi?
- Dạ. Con nghĩ rằng chỉ riêng việc con được ở trong Giáo đường này cũng
đã có thể giúp con.
- Nhưng điều gì làm cho con sợ hãi, Rainer?
- Người ta đã phát hiện con là người Do Thái và đơn vị của con rồi sẽ bị
gởi sang mặt trận Nga.- Ta hiểu và không ngạc nhiên về sự sợ hãi của con. Có cái gì cụ thể để
người ta tố cáo con là người Do Thái?
- Đức cha cứ nhìn con! Cậu con trai trả lời đơn giản. Vào lúc con đăng ký
vào quân đội, khi làm lý lịch của con, họ có nói cần phải kiểm tra lại. Con
không đoán được họ có khả năng làm việc đó hay không, nhưng con đặt giả
thiết các dì phước biết rất nhiều so với những điều các dì nói với con.
- Con hãy nói cho ta biết về con, Rainer.
Trên gương mặt trẻ trung ấy hiện lên một nét tự hào lạ lùng.
- Con là người Đức và công giáo. Con mong muốn nước Đức trở thành một
nước mà các vấn đề chủng tộc và tôn giáo không đưa đến những sự ngược
đãi và đàn áp Con sẽ hiến cuộc đời con cho mục đích ấy... nếu con còn
sống.
- Ta sẽ cầu nguyện cho con... để cho con vẫn sống và đạt mục đích đời
con.
Hai người nói chuyện với nhau đến khi bình minh nhuộm hồng những vòm
gác chuông nhà thờ và những tiếng xào xạc của cánh chim bồ câu nghe
vọng lại từ bên ngoài cửa sổ.
... Ngày 5 tháng 9 năm 1943, sư đoàn 9 của Úc đổ bộ lên đảo New
Guinea. Mười lăm ngày sau, nơi sư đoàn này đến đóng - phía đông đảo
thuộc vùng Lae - không còn một tên lính Nhật. Jims và Patsy dạo chơi trên
một đồng cỏ cao gợi cho hai anh em nhớ Drogeda.
- Chúng mình sắp sửa được về nhà, Patsy. Bọn Nhật đã rút chạy. Trở về
nhà Patsy ạ. Trở về Drogheda, anh sốt ruột quá. Jims xúc động nói.
- Đúng vậy, Patsy đáp lại.
Cười vui, Patsy chạy rượt đuổi theo một con vẹt, tay cầm nón đưa ra phía
trước như thể anh tin chắc rằng mình sẽ túm được nó. Jims nhìn theo em
mỉm cười.
Patsy chạy được khoảng hai mươi mét thì một loạt đạn đại liên nổ dòn, làm
tung lên đám cỏ xung quanh. Jims nhìn thấy em mình hai tay đưa lên, thânngười quay tròn. Từ ngang bụng xuống đầu gối đầy máu; sự sống như đang
buông khỏi Patsy.
- Patsy! Patsy! Jims hét lên.
Anh cảm thấy như chính da thịt mình đón nhận những viên đạn ấy; anh
tưởng như mình đang hấp hối và sắp chết. Anh vạch cỏ định lao tới tìm em
mình nhưng sự thận trọng của người lính kịp ngăn anh lại. Jims lao đầu
xuống cỏ đúng khoảnh khắc một tràng đạn thứ hai nổ dòn.
- Patsy! Patsy! Có sao không? Jims hỏi to một cách ngớ ngẩn vì rằng chính
mắt anh đã thấy người Patsy đầy máu.
Thế mà, ngoài sự chờ đợi của Jims, vọng lại một tiếng trả lời khẽ.
- Không sao.
Từng phân một, Jims trườn trên cỏ, hướng tới phía trước, mùi cỏ thơm
ngát, tai lắng nghe mọi động tĩnh, tiếng gió và tiếng xào xạc mỗi khi anh
chuyển mình. Khi Jims tới chỗ của em mình, anh ngả đầu lên vai trần của
Patsy và khóc.
- Ồ, anh đừng khóc, Patsy nói. Em có chết đâu!
Patsy kéo cái quần ngắn ướt đẫm máu xuống để lộ da thịt bị nát, đỏ tươi và
run rẩy.
Bấy giờ đã có nhiều người xuất hiện và vây quanh, kể cả những đấu thủ
đánh cầu còn mang găng tay và miếng lót bảo vệ ống quyển. Một người
chạy đi tìm băng ca và số người còn lại tiến lên để dập tắt họng súng máy
đặt bên kia bìa rừng. Cuộc săn tìm để diệt trừ ổ súng diễn ra đầy phẫn nộ
vì mọi người đều yêu thương Patsy.
- Patsy may mắn vô cùng, viên sĩ nói với Jims. Cậu ta hứng ít nhất cũng
một chục viên đạn nhưng phần nhiều trúng đùi. Theo xét đoán của tôi, ruột
còn nguyên vẹn, bọng đái cũng thế... Chỉ có...
- Sao? Jims sốt ruột hỏi, người run lên, môi tím lại vì mím chặt.
- Bây giờ thì hơi quá sớm để kết luận. Tôi không phải là một nhà giải phẫu
tài năng như một vài tay sừng sỏ ở Moresby. Những bậc ấy có thể nói rõ
hơn với bạn, nhưng ống đái đã bị tổn thương cùng rất nhiều dây thần kinh li
ti ở vùng xương chậu. Tôi tin chắc rằng có thể lành lặn tất cả nhưng có một
số dây thần kinh không còn sử dụng được nữa. Điều mà tôi muốn nói vớianh là rất có thể Patsy không còn cảm giác ở vùng bộ phận sinh dục.
Jims cúi đầu nhìn xuống đất qua màn nước mắt.
- Cái chính là Patsy vẫn còn sống, anh nói.
Tại cảng Moresby, sự đánh giá của viên y sĩ sư đoàn 9 về tình trạng của
Patsy được xác nhận đúng.
- Chẳng quan trọng gì - Patsy nằm trên băng ca nói với Jims giữa lúc cậu
ta được đưa lên máy bay về Sydney - Dù sự thể có thế nào, thật ra em cũng
không thích các cô gái . Anh ở lại nhớ thận trọng hơn lúc nào hết, Jims.
Em rất buồn khi phải xa anh.
- Không sao đâu, anh sẽ rất cẩn thận - Jims nói cho Patsy yên tâm và siết
bàn tay của em mình - Em có biết không tiếp tục chiến đấu mà không có
người bạn thân chí cốt thì... Anh sẽ viết thư kể cho em nghe những gì xảy
ra ở đây. Em hãy hôn mẹ, Meggie, bà Smith và cho anh gởi lời thăm bạn
bè. Dù sao em vẫn được may mắn sớm trở về Drogheda.
Fiona và bà Smith đến Sydney bằng máy bay để kịp đón Patsy từ
Townsville đến. Fiona chỉ ở lại Sydney vài ngày còn bà Smith phải thuê
phòng ở khách sạn Rankwick gần quân y viện Hoàng tử Xứ Wales. Patsy
tiếp tục chữa trị tại đây trong ba tháng. Sự nghiệp trong quân đội của anh
đến đây coi như chấm dứt.
Khi Patsy được phép rời quân y viện, Meggie lái chiếc Rolls đến rước.
Meggie và bà Smith dìu Patsy ngồi băng sau có sẵn chăn mền và sách báo.
Bây giờ gia đình Cleary lại cầu nguyện Chúa ban cho họ một đặc ân khác:
sự trở về của Jims.
__________________
Chương 35
Phải chờ đến khi đại diện của Hoàng đế Hiro Hito chính thức ký tên đầu
hàng thì Gillanbone mới tin chắc chiến tranh đã chấm dứt. Tin vui ấy lan
truyền trong ngày chủ nhật 2 tháng 9 năm 1945, đúng sáu năm sau ngày
chiến tranh bùng nổ. Sáu năm đầy lo âu, có quá nhiều sự mất mát: Rory,
con trai của Dominic O'' Rourke; John, con trai của Horry Hopeton;
Cormac, con trai của Eden Carmichael. Đứa con trai út của Ross MacQueen, Angus, vĩnh viễn không đi được nữa; David; con trai của Anthony
King, thì vẫn đi được nhưng không thấy được nó đi đâu; Patsy, con trai của
Pađy Cleary sẽ không bao giờ có được con. Và còn những người mà các
vết thương không lộ ra nhưng mãi mãi ăn sâu; đó là những người ra đi vui
vẻ; hăng hái, hay cười đùa nhưng lặng lẽ trở về, ít nói và nụ cười bỗng
nhiên hiếm hoi. Vào cái lúc vừa tuyên chiến, có ai lại nghĩ rằng cuộc xung
đột lại kéo dài lâu đến thế và phải trả một cái giá như thế?
... Bob, Jack, Hughie và Patsy trở lại các bãi chăn và lập ra kế hoạch phục
hồi đàn súc vật. Meggie biết rằng cuộc sống vất vả trên lưng ngựa sắp
chấm dứt vì không bao lâu nữa Jims sẽ trở về và có nhiều người đàn ông
đến xin việc.
Một thời gian sau, Meggie nhận được một lá thư nữa của Luke, lá thứ hai
từ khi nàng bỏ Luke. Bức thư viết:
Không còn bao lâu nữa, anh tin như vậy. Chỉ một vài năm chặt mía là anh
sẽ đạt mục đích. Sau này anh thường đau ở vùng thắt lưng nhưng anh vẫn
còn đủ khả năng thi tài với những tay chặt mía giỏi nhất, từ tám đến chín
tấn. Arne và anh có mười hai ê-kíp khác làm việc; tất cả đều là những
người dũng cảm. Tiền lưu thông dễ dàng hơn, châu Âu cần đường, chúng ta
sản xuất bao nhiêu hết bấy nhiêu. Anh làm được hơn năm ngàn bảng mỗi
năm và anh đã để dành gần hết. Không còn bao lâu nữa, Meggie, anh sẽ đi
Kynuna. Biết đâu khi anh chuẩn bị đủ mọi thứ, em lại muốn trở lại với anh.
Có phải là anh đã mang lại cho em thằng bé mà em mong muốn không?
Đàn bà thật kỳ lạ, chỉ thích con trai. Có phải chỉ vì thế mà chúng ta xa
nhau? Cho anh biết bây giờ em ra sao và Drogheda đã chống lại hạn hán
như thế nào. Chúc em mọi sự tốt đẹp. Luke.
Fiona bước ra hiên, nơi Meggie đang ngồi, tay còn cầm lá thư, mắt nhìn lơ
đãng những bãi cỏ màu xanh tươi mát.
- Luke thế nào?
- Vẫn thế, thưa mẹ. Không một chút thay đổi. Lại chỉ cần một thời gian chặt
mấy cây mía quái quỷ rồi một ngày nào đó anh ấy sẽ mua trang trại gầnKynuna.
- Con có định tìm gặp lại Luke?
- Không bao giờ.
Fiona buông người xuống chiếc ghế bành bằng mây được đặt xích lại để có
thể nhìn rõ mặt con gái.
- Meggie, tại sao con không ly dị để lập gia đình thêm lần nữa? Đột ngột
Fiona hỏi. Enoch Davies sẵn sàng cưới con ngay; không có một phụ nữ nào
thu hút được sự chú ý của Davies ngoài con.
Meggie nhìn mẹ kinh ngạc:
- Lạy Chúa, con có cảm tưởng như mẹ nói chuyện với con một cách...
ngang ngửa như thể mẹ nói chuyện với một người đàn bà nào khác cùng
trang lứa.
Fiona không cười. Bà rất ít khi cười.
- Này nhé, nếu bây giờ con không là một người đàn bà thì mãi mãi con sẽ
không trở thành đàn bà được. Về phần mẹ, mẹ nghĩ con có đủ điều kiện.
Rồi đây mẹ sẽ già đi và mẹ thèm được nói chuyện với con.
Meggie cười, vui sướng thấy mẹ mình ở trong một tân trạng như vậy.
- Mưa xuống mẹ ạ. Ồ, thật tuyệt khi nhìn thấy cỏ ở Drogheda lại xanh tươi.
- Đúng rồi. Nhưng con lẩn tránh câu hỏi của mẹ. Tại sao con không ly dị
và bước thêm một bước nữa?
- Như thế là đi ngược lại luật của Giáo hội.
- Thật là chuyện không vào đâu cả! Fiona nói lớn. Một nửa con là của mẹ
nhưng mẹ không phải là người công giáo. Con đừng nói những chuyện vớ
vẩn với mẹ. Meggie à. Nếu quả thật muốn lấy chồng lần nữa thì con đã ly
dị với Luke rồi.
- Thưa mẹ đúng thế, rất có thể. Nhưng con không muốn lại lập gia đình, hai
đứa nhỏ và Drogheda đã đủ mang lại hạnh phúc cho con rồi.
Đúng lúc đó Justine và Dane xuất hiện. Justine cao và gầy, không đẹp
nhưng chỉ cần một lần gặp mặt thôi cũng đã khó quên đôi mắt và tính tình
cô bé ấy. Justine đã tám tuổi và người duy nhất thật sự gần gũi với Justine
là Dane.
- Dane và Justine rất khác nhau mẹ à, thế mà lại rất hợp nhau, Meggie nhậnxét. Con ngạc nhiên về điều ấy. Hình như chưa bao giờ con thấy hai đứa
gây gổ và đôi khi con phải tự hỏi làm thế nào mà Dane lại có thể tránh
được những lần cãi vã với một đứa bướng bỉnh như Justinẹ
Thế nhưng Fiona lại suy nghĩ khác về Dane:
- Lạy Chúa, đúng là gương mặt của cha nó cắt sang. Vừa nói bà vừa quan
sát Dane, cậu bé đang chui vào vòm lá non um tùm của những cây hồ tiêu,
rồi sau đó mất dạng.
Dường như có một luồng khi lạnh đột ngột đến với Meggie, nàng không kịp
phản ứng trước những nhận xét của Fiona dù rằng nàng đã nghe lặp đi lặp
lại câu nói này cả trăm lần suốt những năm qua. Tất nhiên đó là phản ứng
mặc cảm tội lỗi. Nhiều người vẫn nói xa nói gần nhưng thế thì đã sao đâu?
Giữa Luke và Ralph cũng có những nét giống nhau kia mà. Tuy nhiên, dù
cố che giấu thế nào đi nữa, Meggie vẫn không giữ được tự nhiên mỗi khi
có ai đó nói về sự giống nhau giữa Dane và cha nó.
Nàng hít một hơi thật sâu rồi tỏ ra tự nhiên:
- Mẹ cũng thấy thế? Nàng hỏi lại, một chân đong đưa có vẻ lơ đễnh. Con
thấy chẳng giống bao nhiêu. Dane không có nét gì của Luke kể cả tính tình
lẫn vóc dáng.
Fiona cười mũi - một phần vì tuổi tác phần khác đôi mắt của Fiona như mờ
đi do ảnh hưởng vởi chứng vẩy cá - nhưng trong cái nhìn hình như có chút
gì trêu cợt khiến cho Meggie lúng túng.
- Con tưởng là mẹ ngu đần lắm sao? Mẹ đâu có bảo Dane giống Luke. Mẹ
thấy Dane giống Ralph.
Cảm giác nặng trĩu. Đôi chân của Meggie đang đong đưa bỗng nhiên như
bị một khối chì kéo xuống và rơi trên nền gạch ô vuông. Người của nàng
cũng như thể bị nén lại thành khối, sức nặng ngàn cân cột chặt. Hãy đập đi
chứ trái tim của ta, Chúa ơi! Hãy tiếp tục đập! Vì con trai ta, mi hãy tiếp
tục đập đi.
- Nhưng, mẹ à! Meggie chỉ mấp máy được một hai tiếng, bằng thứ âm
thanh thật nặng nề. Nhưng, mẹ à, mẹ nói thật là kỳ quặc! Sao mẹ lại nhắc
đến tên Ralph vào đây?- Con quen tất cả mấy người mang cái tên ấy đâu? Luke chưa bao giờ có
con trai với con. Dane là con của Ralph. Mẹ đã biết điều đó ngay giây
phút đầu tiên Dane chào đời.
- Thế thì... tại sao lâu nay mẹ vẫn không nói gì hết? Tại sao mẹ chờ cho
Dane được bảy tuổi mới kết án con một cách vô lý và hoàn toàn thiếu
chứng cớ như vậy?
Fiona duỗi thẳng người, đặt hai bàn chân tréo vào nhau.
- Bây giờ mẹ đã già rồi, Meggie ạ, và những điều mẹ nghĩ nay cũng làm
cho mẹ đau lòng. Tuổi già đúng là một ân huệ! Mẹ sung sướng được thấy
Drogheda hồi sinh. Có lẽ vì thế mà mẹ cảm thấy mạnh khỏe hơn. Lần đầu
tiên trong nhiều năm, mẹ muốn được nói chuyện...
- Đúng là khi mẹ quyết định nói điều gì đó mẹ có cả một nghệ thuật để
chọn lựa đề tài! Meggie nói bằng một giọng run run gần như tuyệt vọng mà
vẫn chưa biết Fiona sẽ đưa câu chuyện đến đâu, tra tấn tinh thần hay sẽ
thương hại mình?
Có vẻ như tình cờ, bàn tay Fiona đưa lên rồi đặt nhẹ xuống đầu gối của
Meggie. Bà mỉm cười - không hề tỏ ra chua cay hay khinh bỉ mà với một
sự cảm thông kỳ lạ.
- Con không nên nói dối với mẹ, Meggie ạ! Con có thể nói dối với bất cứ
ai, nhưng không nên làm như thế với mẹ. Con không có cách nào để thuyết
phục được mẹ tin rằng Luke là cha của Dane. Mẹ không ngu đâu, mẹ có
mắt. Rõ ràng không thể tìm thấy một nét nào của Luke ở thằng bé ấy. Không
có gì cả vì làm sao có được khi Dane chính là hình ảnh của Ralph. Con
nhìn xem, hai bàn tay, mớ tóc với những lọn quăn rơi xuống trán, hình
dáng, gương mặt, chân mày, cái miệng nữa. Ngay cả dáng đi cũng thế.
Ralph chớ còn ai vào đây.
Meggie đành chịu thua nhưng đồng thời nàng cảm giác như vừa trút được
gánh nặng, bây giờ Meggie thấy hết sức nhẹ nhàng và dễ chịu.
- Trong khi ánh mắt của Dane có sự ki t&u kỳ. Theo con, đó là điểm giống
nhất. Phải chăng nó giống Ralph có quá lộ liễu và mọi người đều biết
chuyện này cả rồi phải không mẹ?
- Dĩ nhiên là chưa, Fiona quả quyết. Thiên hạ không tìm hiểu xa hơn màumắt, cái mũi và hình dáng chung chung. Chính tất cả những điều này làm
người ta nhớ đến Luke. Chỉ có mẹ biết rõ vì suốt trong nhiều năm mẹ đã
theo dõi con và Ralph. Mẹ biết cha Ralph chỉ cần đưa một ngón tay lên là
con đã sẵn sàng lao vào vòng tay ông ấy. Thế thì khi mẹ nói với con
chuyện ly dị Luke, đáng lý con không nên trả lời theo cái kiểu trái với luật
lệ của Giáo hội. Chính con khao khát vi phạm điều luật của Giáo hội hơn
gấp bội so với điều luật ly dị kia mà. Chuyện con đã làm không được đàng
hoàng đâu Meggie ạ. Con đã gặp một người đàn ông rất bướng bỉnh. Trước
hết, ông ta muốn trở thành một linh mục hoàn toàn về mọi mặt vì vậy với
ông ấy, con trở nên thứ yếu. Thật là ngu ngốc! Cuối cùng thì điều đó chẳng
giúp ích gì cho Ralph để rồi theo thời gian điều không thể tránh được
chuyện ấy đã xảy ra.
Ngừng một lát, Fiona nói tiếp:
- Con cứ tưởng đánh lừa được mẹ khi từ chối để Ralph làm lễ hôn phối
cho con với Luke? Mẹ không dễ bị lừa đâu. Con muốn Ralph là chồng con
chứ không phải với tư cách người làm lễ trong đám cưới này. Chắc con
vẫn nhớ trước khi lên đường đi Athens, Ralph đã ghé lại Drogheda, lúc ấy
con không còn ở đây nữa, Ralph lang thang khắp trang trại như kẻ mất hồn,
tức khắc mẹ đoán ngay ông ấy sẽ đi tìm con và sẽ gặp con. Con đã tính
toán rất kỹ để rồi quyết định lấy Luke. Khi con nhớ nhung mỏi mòn thì
Ralph không cần đến con nhưng ngay cái giây phút hay tin con thuộc về
người đàn ông khác thì Ralph lại đeo bám con như con chó của người làm
vườn. Tất nhiên, Ralph tự lừa dối với chính mình rằngsự gắn bó của ông ta
với con là trong sáng thật sự, nhưng rõ ràng là ông ta cần con. Con cần cho
cuộc đời của ông ấy hơn bất cứ người phụ nữ nào, trước đây cũng như sau
này. Lạ thật - Fiona lại nói tiếp với vẻ suy nghĩ trang nghiêm - có lúc mẹ
tự hỏi ông ấy có thể tìm thấy gì ở con, rồi mẹ lại cho rằng các bà mẹ đều ít
nhiều bị mù khi xét đoán những gì liên quan đến con gái của mình, ít ra
cũng cho đến khi các bà đã quá già và mang tâm lý ghen tị về nét thanh
xuân của con gái.
Bà ngả người ra phía sau, dựa vào lưng ghế, người lắc lư nhẹ, mắt lim dim
nhưng vẫn không ngừng theo dõi Meggie.- Mẹ không biết ông ấy đã khám phá ở con điều gì nhưng ông ấy đã tìm
thấy điều đó ngay phút đầu tiên gặp con và từ đó con không ngớt làm ông
ấy say mê. Điều khổ tâm nhất đối với ông ấy là nhìn thấy con lớn lên một
cách hồn nhiên và trọn vẹn. Nỗi khổ ấy không thể giấu diếm được ai khi
Ralph đến đây, hay tin con đã có chồng và đã ra đi. Tội nghiệp Ralph! Chỉ
còn có mỗi một sự chọn lựa là đi tìm con và Ralph đã toại nguyện, có
đúng vậy không Meggie? Mẹ biết ngay chuyện gì xảy ra khi con trở về nhà
trước ngày sinh Dane. Ngay lúc chiếm đoạt Ralph con đã cảm thấy không
còn cần thiết tiếp tục ở lại với Luke nữa.
- Dạ đúng thế, Meggie thú nhận bằng một tiếng thở dài - Ralph đã tìm gặp
con nhưng điều đó cũng không giải quyết được gì. Con biết Ralph sẽ không
bao giờ bỏ Chúa. Chính vì lý do đó mà con quyết định chiếm lấy ở Ralph
điều duy nhất mà con có thể hy vọng: một đứa con, một đứa con trai, Dane.
- Mẹ có cảm tưởng như nghe một tiếng vọng nào đó, bà vừa nói vừa cười
chua chát. Hình như mẹ đã từng nói những lời giống hệt như thế.
- Về chuyện của anh Frank?
Chiếc ghế bành nghiến xuống nền gạch; Fiona đứng lên, đi tới đi lui, gót
giày nện mạnh; cuối cùng bà quay trở lại đứng trước con gái và nhìn chăm
chăm:
- Có phải con định trả đũa mẹ, Meggie? Con đã biết chuyện đó từ bao giờ?
- Từ khi... còn nhỏ. Từ ngày Frank bỏ nhà ra đi!
Im lặng một lúc, Fiona lại lên tiếng:
- Con che mắt thế gian rất khéo, Meggie ạ! Xưa kia ông ngoại đã mua cho
mẹ một người chồng để kiếm một cái tên cho Frank rồi ném mẹ ra khỏi
nhà. Số phận của con sẽ không hơn gì mẹ đâu. Con sẽ phải trả giá. Hãy tin
đi, rồi đây con sẽ phải trả giá. Mẹ đã mất Frank một cách hết sức đau đớn,
nỗi đau đớn nhất của một người mẹ mất con. Đến bây giờ mà mẹ vô cùng...
Con sẽ thấy... Rồi con cũng vậy, sẽ mất Dane.
- Con có cách giữ Dane mẹ ạ. Mẹ mất Frank vì không thể đặt Frank vào
ngồi chung một cỗ xe với ba. Phần con, nhất định Dane sẽ không có mộtngười cha nào để kìm kẹp. Con sẽ buộc chặt Dane vào Drogheda này, ở
đây Dane rất an toàn.
Mùa mưa đến rồi lại qua đi, nhưng nhờ ơn Chúa, cả vùng không phải chịu
những trận hạn hán. Thiên hạ nói với nhau sau những năm khó khăn, nay
Drogheda được bù lại. Thu nhập của trang trại vượt qua mọi dựđoán, mỗi
năm hàng triệu bảng. Ngồi trước bàn viết, Fiona vui ra mặt. Bob vừa ghi
thêm vào danh sách nhân công, tên hai thợ chăn nuôi vừa mướn.
Ở tòa nhà lớn, cuộc sống của gia đình Cleary trở nên hết sức dễ chịu.
Sống xa không khí vội vàng của những thị trấn đông dân, hai con của
Meggie ít ốm đau. Năm Dane lên mười và Justine mười một, cả hai được
gởi đi học nội trú ở Sydney. Dane vào trường Riverview còn Justine vào
trường Kincoppal. Lần đầu đưa các con lên máy bay, Meggie ngắm rất lâu
hai gương mặt nhỏ bé áp vào cửa kiếng, tay cầm khăn vẫy về hướng nàng.
Chưa bao giờ hai đứa rời khỏi nhà đi xa. Meggie hết sức mong muốn được
cùng đi với con đến Sydney xem chúng ăn ở ra sao, nhưng tất cả những
người trong gia đình đều phản đối dữ dội. Từ mẹ nàng cho đến Jims và
Patsy đều cho rằng tốt hơn là hãy để cho Dane và Justine được bay bằng
chính đôi cánh của chúng nó.
Ngày tháng qua, Justine nhanh chóng quen thuộc với cuộc sống xa nhà,
thích nghe với thành phố Sydney như đã biết nơi đó từ lâu. Mỗi lần về nhà
nghỉ hè, Dane còn phần nào quyến luyến Drogheda nhưng còn Justine thì
nao nức chờ ngày được sớm quay trở lại thủ đô.
Ngày 4 tháng 8 năm 1952, tờ Diễn đàn buổi sáng Sydney thường khi chỉ
đăng một ảnh trên trang nhất. Trong số báo hôm nay, đặt trang trọng ở giữa
và trên cao là ảnh chân dung rất đẹp của Ralph de Bricassart:
Đức Tổng giám mục Ralph de Bricassart, hiện là phụ tá Quốc vụ khanh
đặc trách ngoại giao Tòa thánh La Mã, vừa mới được Đức Thánh Cha Pie
XII phong Hồng Y De Bricassart.
Hồng Y Ralph đã xuất sắc phục vụ trong một thời gian rất lâu Nhà thờ
công giáo tại Úc. Ngài đến đấy từ tháng bảy năm 1919, lúc đó vừa thụ
phong linh mục cho đến tháng ba năm 1933, ngày lên đường sang Vatican.Sinh ngày 23 tháng 9 năm 1893 tại Cộng hòa Ireland, Hồng Y De
Bricassart là con trai kế của một gia đình có liên quan đến dòng họ Nam
tước Ranulf de Bricassart, dòng họ thân cận của William the Conqueror
đổ bộ lên nước Anh năm 1066. Vào tu viện năm mười bảy tuổi, Ngài được
đưa sang Úc ngay sau khi được thụ phong linh mục và Ngài đã trải qua
những tháng đầu tiên trên đất nước chúng ta dưới quyền của cố giám mục
Michael Clabby, địa phận Winnemurra.
Tháng sáu năm 1920, Ngài được đổi sang giáo khu Gillanbone, Tây Bắc
xứ New South Wales. Ngài tiếp tục phục vụ tại đây cho đến tháng mười
hai 1928. Sau đó Ngài làm bí thư cho Đức Tổng giám mục Cluny Dark và
tiếp tục nhiệm vụ đó cho Đức khâm mạng Tòa thánh bấy giờ là Tổng giám
mục Di Contini Verchese. Chính lúc đó Ngài được phong giám mục, khi
Đức Tổng giám mục Di Contini Verchese nhận nhiệm vụ ở La Mã và bắt
đầu một sự nghiệp thành công nổi bật tại La Mã.
Ngài De Bricassart được phong Tổng giám mục và từ Athens trở về đất
nước chúng ta trong nhiệm vụ đại diện Đức giáo hoàng. Ngài đảm trách sứ
mạng quan trọng này cho đến ngày Ngài nhận nhiệm vụ mới ở La Mã năm
1938; từ đó tại trung tâm quyền lực của Giáo hội giáo, sự nghiệp của Ngài
không ngừng đi lên một cách ngoạn mục. Hiện Ngài 58 tuổi, được coi là
một trong những nhân vật hiếm hoi có ảnh hưởng lớn trong đường lối của
Giáo hội.
Đặc phái viên báo “Diễn đàn buổi sáng Sydney” hôm qua đã có dịp trao
đổi với nhiều giáo dân trước đây dưới quyền cai quản của Hồng Y De
Bricassart tại thị xã Gillanbone. Kỷ niệm về Ngài vẫn còn sinh động và
đượm nhiều tình cảm. Vùng chăn nuôi cừu giàu có này đa số theo đạo
Công giáo. Linh mục De Bricassart là người xây dựng thư viện Thánh giá,
thị trưởng Gillanbone, ông Harry Gough đã nói với chúng tôi. Vào thời đó,
thư viện này đã có nhiều đóng góp đáng quí, ngay lúc đầu đã có sự giúp đỡ
rất lớn của góa phụ Mary Carson, sau này khi bà qua đời, chính Hồng Y
tiếp tục đỡ đần, Ngài luôn luôn nhớ và giúp đỡ chúng tôi.
Hồng Y De Bricassart là một con người tao nhã mà tôi được gặp, bà Fiona
Cleary đã nói với chúng tôi. Bà Cleary là một phụ nữ uy tín ở Drogheda,quản lý một trong những trang trại rộng lớn và phát đạt ở Xứ New South
Wales. Trong thời gian Ngài ở Gilly, Ngài đã mang lại một sự hỗ trợ tinh
thần rất lớn cho giáo dân và đặc biệt cho những người ở trang trại
Drogheda, nay thuộc về tài sản của Giáo hội Công giáo. Trong thời gian lũ
lụt, Ngài đã giúp chúng tôi cứu các đàn gia súc; Ngài cũng tiếp tay chúng
tôi trong những cơn hỏa hoạn, kể cả việc chôn cất những người thân yêu
qua đời. Nói tóm lại, đó là một con người phi thường trên mọi lĩnh vực và
có một sức quyến rũ rất lớn. Chúng tôi vẫn nhớ Ngài rất rõ dù rằng Ngài
đã rời khỏi nơi đây trên hai mươi năm. Vâng, đúng là điều đó đã gây ra
trong lòng của rất nhiều người một sự thiếu vắng không có gì có thể bù đắp
được.
Trong chiến tranh, Tổng giám mục De Bricassart đã phục vụ Đức Thánh
Cha một cách trung thành và kiên trì không gì lay chuyển. Ngài đã vận dụng
mọi cách để thuyết phục Thống chết Albert Kesslring tuyên bố La Mã là
thành phố bỏ ngỏ sau khi nước Ý trở thành thù địch với nước Đức.
Florence cũng từng yêu cầu một đặc ân như thế mà không được, đã phải
chịu mất nhiều kho báu, và chỉ được phục hồi khi nước Đức bại trận.
Những năm sau chiến tranh, Hồng Y De Bricassart đã giúp hàng chục ngàn
người di cư tìm được chỗ nương thân ở những nước mới đến và đóng góp
tích cực vào chương trình nhập cư của Úc. Dù rằng là người gốc Ireland
và trong thực tế, với tư cách Hồng Y, có thể ảnh hưởng của Ngài sẽ không
nhiều trên đất nước chúng ta, nhưng điều đó không ngăn cản chúng ta, trên
phương diện tình cảm, cho rằng nước Úc có quyền nhìn nhận con người tài
ba ấy là một trong những đứa con của mình.
Meggie trả lại tờ báo cho mẹ với một nụ cười buồn bã:
- Chúng ta chúc mừng ông ấy, con đã nói điều này với đặc phái viên Diễn
đàn. Nhưng họ không đăng phải không mẹ? - Meggie bình luận. Ngược lại
họ cho đăng bài tán tụng ngắn của mẹ gần như nguyên văn. Lời lẽ của mẹ
thật là sắc nét! Bây giờ con đã biết Justine giống cách ăn nói đó ở ai! Con
tự hỏi có bao nhiêu người tinh khôn sẽ đọc thấy được ý thật của mẹ giữa
các dòng chữ.- Người đó trước hết là ông ấy... nếu ông ấy đọc bài báo.
- Con tự hỏi ông ấy có còn nhớ chúng ta không, Meggie nói thật nhẹ với
tiếng thở dài.
- Chắc chắn. Dù sao thì ông ấy cũng sắp xếp được thời giờ để trực tiếp
quản lý Drogheda. Dĩ nhiên là ông ấy vẫn còn nhớ chúng ta. Làm sao quên
được?
- Đúng thế. Con quên mất trang trại Drogheda này. Chúng ta đang quản lý
một cơ ngơi làm ăn có nhiều huê lợi nhất. Chắc hẳn ông ấy sẽ rất hài lòng.
Chỉ cần cạo lông cừu đ;n có một món lợi trên bốn triệu bảng!
- Con không nên bạc bẽo, vô ơn như thế Meggie ạ. Giọng của Fiona hạ
thấp xuống, gần đây bà tỏ ra kính trọng và có tình cảm hơn đối với Ralph.
Chúng ta nên mừng cho mình, con biết không? Đừng quên hàng năm tiền
vẫn đến với chúng ta dù được mùa hay không được mùa. Ralph vừa
chuyển ngân hàng một trăm ngàn tiền thưởng Bob, mỗi chúng ta được năm
chục ngàn. Nếu ông ấy buộc chúng ta rời khỏi Drogheda vào ngày mai,
chúng ta cũng có dư tiền để mua trang trại Bugela, dù với giá đất đang lên
vùn vụt như hiện nay. Và ông ấy đã cho hai đứa con của con bao nhiêu
nữa? Hàng chục và hàng chục ngàn bảng. Con nên biết ơn ông ấy.
- Nhưng các con của con đều không hay biết gì về sự ban phát rộng rãi của
ông và con sẽ không để chúng biết điều đó. Dane và Justine lớn lên với ý
nghĩ là trong cuộc đời chúng hoàn toàn không có sự giúp đỡ của con người
thân mến Ralph, Hồng Y De Bricassart.
- Con nghĩ sao nếu ông ấy trở về đây, Meggie?
- Cũng chẳng sao, Meggie đáp lại hơi làm dáng.
- Rất có thể ông ấy trở về đây, Fiona quả quyết với một vẻ bí ẩn.
... Và đúng thế, ông ấy trở về vào tháng mười hai. Một cách kín đáo, không
ai được báo trước, trên một chiếc xe ô tô thể thao hiệu Aston Martin mà
ông tự lái, khởi hành từ Sydney. Báo chí không hề nói đến sự có mặt của
ông tại Úc, và không một ai có thể đoán biết chuyến viến thăm Drogheda
của Hồng Y. Khi chiếc xe nhỏ ông dừng lại ở bãi đậu bên hông nhà, không
ai nghe tiếng xe và cũng chẳng có ai tiếp đón.
Trong từng cây số từ Gilly đến đây, ông cảm nhận trong da thịt mình nỗisung sướng được hít vào buồng phổi mùi vị của rừng, của cừu, của cỏ khô
lấp lánh liên tục dưới ánh nắng.
Mùa thu đã trở lại ở đây, từ hai tuần trước ngày Noel và những hoa hồng
của Drogheda đã đến lúc nở rộ. Ở đâu cũng là hoa hồng, màu hồng, màu
trắng, màu vàng, màu đỏ thẫm như máu đọng trong động mạch và cả màu
đỏ đậm như chiếc áo của Hồng Y. Giữa những dây đậu tía còn xanh có
những cành hồng mềm mại vươn lên, hoa buông xuống mái hiên dọc theo
hàng rào mắt cáo, bám vào một cách tình tứ trên những khung cửa sổ màu
đen ở tầng lầu thứ nhất, nhánh đưa thẳng lên trời. Các bồn chứa nước đều
bị che khuất gần hết. Hình như ông nhận ra một âm sắc bàng bạc khắp các
hoa hồng, một thứ màu hồng xám nhạt. Hồng tro? Đúng rồi, đó là cái tên
của âm sắc đó. Có lẽ Meggie đã trồng các bụi hồng này, không ai khác hơn
là Meggie.
Ông nghe tiếng cười của Meggie và đứng sựng lại, hốt hoảng, nhưng rồi,
lại phải đi tới hướng có tiếng cười ấy. Đúng là cái kiểu cười thường có
hồi Meggie còn là một cô gái bé tí.
Nàng đang đứng đấy? Ở đằng kia sau một bụi hồng tro, gần cây hồ tiêu?
Ralph đưa tay vạch một chùm hoa qua một bên, đầu óc hỗn loạn do mùi
thơm tỏa ngát lẫn cái cười rạng rỡ. Nhưng không có Meggie ở đây, Ralph
chỉ gặp một cậu bé trai ngồi xổm trên cỏ đang học phá một con heo con.
Con heo chạy quanh thằng bé, vụng về trượt ngã. Thằng bé cười hồn nhiên.
Tiếng cười Meggie. Thằng bé khoảng mười một, mười hai tuổi, chỉ mặc
quần cụt bằng cải kaki mình trần, chân không, da sạm nắng, vai rộng, một
thân hình chắc nịch. Tóc nó hơi dài, cuốn thành lọn, màu vàng nhạt như cỏ
của Drogheda. Đôi mắt với hàng mi dày và dài đáng kinh ngạc ánh lên một
màu xanh biếc. Thằng bé như một thiên thần nhỏ lén lút dạo chơi.
- Chào ông, thằng bé vừa nhìn khách vừa cười.
- Chào chú bé, Hồng Y đáp và bị ngay nụ cười hồn nhiên của thằng bé thu
hút.
- Cháu tên gì?
- Dane O'' Neill, thằng bé tự giới thiệu, Còn ông là ai?
- Tôi tên Ralph... Dane O'' Neill.Như thế thằng bé là con của Meggie. Thế là nàng vẫn chưa bỏ Luke; nàng
đã trở lại với anh ta và đã sinh ra thằng bé kháu khỉnh này. Đáng lý nó là
con của ông nếu trước đó ông đã không kết hôn với Chúa? Không lớn hơn
thằng bé này và chắc chắc lúc ấy ông cũng không già dặn hơn thằng bé.
Nếu ông không như thế, thằng bé rất có thể là con của ông. Thật là phi lý,
Hồng Y De Bricassart! Nếu anh không kết hôn với Chúa, thì anh vẫn ở lại
Ireland chăn nuôi ngựa, vĩnh viễn anh không biết Drogheda, kể cả Meggie
Cleary.
- Ba của cháu có nhà không, Dane?
- Ba cháu? Thằng bé lặp lại câu hỏi, chân mày nhíu lại đầy kinh ngạc.
Không, ba cháu không có ở nhà. Ba cháu chưa bao giờ có mặt ở đây.
- À, tôi đã hiểu! Vậy thì mẹ cháu có ở nhà không?
- Mẹ cháu đi Gilly nhưng cũng sắp về rồi. Trong nhà có ngoại. Nếu ông
muốn gặp, cháu đưa ông vào nhà. Ralph De Bricassart. Cháu đã nghe nói
về ông. Nhớ rồi, Hồng Y De Bricassart! Thưa Đức Ngài, xin Ngài tha lỗi.
Cháu không muốn tỏ ra thiếu lễ độ đâu.
Mặc dù không mặc quần áo dòng, chỉ mang giày ủng, quần cỡi ngựa và một
chiếc áo trắng, Ralph vẫn đeo nhẫn có nạm một viên hồng ngọc, nhẫn này
suốt đời ông không thể tuột ra. Dane O'' Neill quỳ gối, nắm lấy bàn tay của
Hồng Y đặt vào hai tay mình và hôn một cách kính cẩn chiếc nhẫn.
- Cháu hãy đứng lên, Dane. Tôi đến đây không phải với tư cách Hồng Y
mà với tư cách là người bạn của mẹ cháu và bà ngoại cháu.
Bỗng có tiếng gọi vang lên.
- Dane, Dane, em ở đâu?
Một cô bé khoảng 15 tuổi, xuất hiện. Ralph biết ngay là ai, chỉ cần nhìn
đôi mắt và tóc cô bé. Đúng là con gái của Meggie.
- Ồ, chào ông. Xin lỗi ông. Cháu không biết có khách. Cháu là Justine O''
Neill.
- Jussy, đây là Hồng Y De Bricassart! Dane nói nhỏ với Justine. Hãy hôn
ngay chiếc nhẫn của Ngài nhanh lên!
- Cứ gặp chuyện gì dính dấp đến tôn giáo là lúc nào em cũng vớ vẩn, - côbé nói không cần hạ thấp giọng - Hôn lên một chiếc nhẫn là ngược lại các
quy tắc vệ sinh. Hơn nữa, cái gì chứng minh rằng đây thật sự là Hồng Y De
Bricassart? Chị thấy ông ấy giống một người chăn nuôi theo lối cũ. Em
biết không, không khác ông Gordon.
- Đúng là Đức Hồng Y, chính ông ấy, Dane cả quyết. Em năn nỉ chị, chị
hãy chìu em đi, ráng tỏ ra dễ thương một chút.
- Chị sẽ tỏ ra dễ thương vì em, và dù có muốn chìu ý em chị cũng không
hôn lên chiếc nhẫn đâu. Gớm lắm. Làm sao chị biết rõ ai là người cuối
cùng hôn lên chiếc nhẫn này. Biết đâu một người nào đó bị bệnh cúm.
- Hôn lên nhẫn tôi là vô ích, Justine. Tôi đến đây để nghỉ hè. Lúc này, tôi
không phải là Hồng Y.
- Ông có cần chúng tôi dẫn đường gặp ngoại? Justine hỏi
- Không, cám ơn cháu. Tôi biết đường.
Muốn gặp Fiona thì có nơi nào khác hơn là trong văn phòng? Ralph đi và
một cửa nhỏ, Fiona nghe tiếng động nhưng vẫn tiếp tục làm việc. Lưng hơi
còng, mái tóc màu vàng rực rỡ trước kia nay đã bạc trắng. Khó khăn lắm,
Ralph mới nhớ lại năm nay bà đã bảy mươi hai tuổi rồi.
- Kính chào bà Fiona.
Khi bà ngước nhìn lên, Ralph nhận ra ngay sự thay đổi ở người phụ nữ
này, tuy thế ông vẫn không hiểu ra thái độ lạnh lùng của Fiona. Vẫn như lâu
nay, trong bà có cả sự mềm mại lẫn cứng rắn, do đó trở thành nhân bản
hơn, nhưng lại nhân bản theo kiểu bà Mary Carson. Chúa ơi, cái chế độ
mẫu quyền ở Drogheda! Rồi nó cũng sẽ xảy ra như thế với Meggie sau này
chăng?
- Chào Ralph - bà đạp lại tưởng như Ralph vẫn bước qua cửa nhỏ này
hàng ngày. Tôi rất vui mừng gặp ông.
- Tôi cũng thế, rất vui mừng gặp lại bà.
- Tôi không biết rằng ông đang có mặt tại Úc.
- Không một ai biết. Tôi đi nghỉ hè vài tuần.
- Tôi hy vọng rằng ông sẽ nghỉ tại đây chứ?
- Làm sao tôi có thể nghỉ ở nơi nào khác? Bà có một khiếu thẩm mỹ đặc
biệt, bà Fiona ạ. Căn phòng này không thua bất cứ căn phòng nào ởVatican. Các cửa sổ hình trái soan màu đen với những hoa hồng nổi bật,
thật là một nét thiên tài.
- Cảm ơn ông. Chúng tôi ráng làm những gì trong khả năng của mình.
Nhưng tôi tự hỏi tại sao mình lại phải khổ cực như thế. Nhà này là của ông,
chớ đâu phải của chúng tôi.
- Phải chờ đến khi nào không còn một người mang dòng họ Cleary thì điều
bà nói mới đúng. Ralph trả lời một cách bình thản.
- Điều ông nói làm cho tôi thật yên tâm làm sao! Cho phép tôi được nói
điều này: ông đã đạt nhiều thành công từ khi làm linh mục ở Gilly. ông có
đọc bài báo trên tờ Diễn đàn?
Ralph không tránh né được:
- Tôi có đọc. Lời lẽ của bà thật là bén, bà Fiona ạ!
- Vâng, hơn thế ấy nữa, tôi cảm thấy thích thú được nói những điều đó, sau
bao nhiêu năm thu mình lại chẳng nói một lời... Meggie đi Gilly nhưng sắp
về.
Dane và Justine đi vào ngã cửa nhỏ.
- Ngoại ơi, tụi con cỡi ngựa đi dạo đến Borehead được không? - Justine
nói với Fiona.
- Con biết luật lệ rồi. Không được dạo bằng ngựa mà không có phép của
mẹ con. Bà ngoại không thể làm khác, đó là lệnh của mẹ con. Ô hô! Các
con quên điều sơ đẳng của sự lễ phép. Hãy đến đây trình diện với khách
quí của gia đình.
- Con đã gặp rồi. - Justine nói ngắn ngủn.
- À...
- Thưa Đức cha, Đức cha có định nghỉ lại lâu không? Dane hỏi với sự
ngưỡng mộ
- Đức cha sẽ ở lại đây với chúng ta cho đến chừng nào Đức cha muốn,
Dane ạ. Fiona nói chen vào. Có điều là ngoại rất mệt tai khi nghe con
không ngớt thưa bẩm Đức cha. Các con nên gọi bằng gì nào? Cậu Ralph?
- Cậu! Justine kêu lên. Không được đâu, ngoại? Các cậu đã có cậu Bob,
cậu Jack, Hughies, Jims, Patsy. Vậy chỉ nên gọi Ralph vắn tắt thôi.
- Không được hỗn, Justine! Fiona cắt ngang.- Không sao đâu, Fiona, Justine nói đúng. Tôi vẫn thích mọi người gọi
giản dị cái tên Ralph, - Hồng Y can thiệp vào dứt khoát, lòng tự hỏi tại sao
con bé lại tỏ ra đố kỵ với mình như thế.
- Con không thể gọi bằng bên Ralph đâu. Dane phản đối, giọng xúc động.
- Được, không sao, Dane. Cũng chẳng tội lỗi gì đâu.
Hồng Y De Bricassart đi thẳng đến chỗ Dane đứng, hai tay siết chặt đôi
vai trần của Dane và mỉm cười. Đôi mắt ông trở nên dịu dàng và long lanh.
Hồng Y và con trai của ông cùng quay lại phía Fiona. Cùng hướng về bà
một cái nhìn giống nhau như cắt.
- Chúa ơi! Fiona kêu khẽ. Thôi được rồi, đi chơi đi Dane. Ra ngoài chơi
(hai tay bà vỗ mạnh vào nhau). Cút đi!
Ralph ở lại nói chuyện rất lâu với bà Smith và những người giúp việc
khác. Tất cả đều già đi rất nhiều so với lần gặp trong chuyến thăm
Drogheda cuối cùng.
Khi Ralph rời khỏi nhà bếp, Meggie vẫn chưa về và để giết thời giờ, ông
đi dạo dọc theo con suối. Cảnh vật ở nghĩa trang yên tĩnh làm sao! Sáu
bảng đồng nổi bật trên hầm mộ, vẫn y nguyên như thế từ khi ông ghé lại đây
lần chót. Phải chuẩn bị để chính mình cũng sẽ được chôn cất tại đây, Ralph
tự nhắc nhở mình để khi về đến La Mã sẽ đưa ra những dặn dò cần thiết.
Không xa hầm mộ, Ralph chú yến đến hai ngôi mộ mới, một của ông già
Tom, người làm vườn và một là vợ của người thợ chăn nuôi làm thuê ở
Drogheda từ năm 1946. ông không muốn được chôn trong hầm mộ ở
Vatican giữa những nhân vật cũng như ông. Ở đây ông yên nghỉ giữa những
con người đã sống thật sự.
Vừa quay nhìn lại, ông gặp cặp mắt màu xanh lục của tượng thánh bằng
cẩm thạch, ông đưa tay lên chào và qua đám cỏ cao, ông hướng mắt đến
tòa nhà lớn. Meggie, nàng đang đi lại. Thon thả, tóc vàng óng ả, quần cỡi
ngựa bó sát và cũng chiếc áo sơ mi trắng giống hệt Ralph. Trên đầu là
chiến nón rộng vành kiểu đàn ông hất ra phía sau gáy, giày ống màu nâu.
Nàng đến gần, bước qua hàng rào sơn trắng đến bên Ralph khiến ông chỉ
còn thấy đôi mắt nàng, đôi mắt màu nâu ngập tràn ánh sáng. Vẻ đẹp Meggiekhông hề giảm chút nào vẫn hoàn toàn có quyền uy đối với trái tim ông.
Hai cánh tay Meggie ôm lấy cổ Ralph, đột nhiên Ralph lại cảm thấy số
mệnh của mình nằm trong vòng tay ấy. Hình như chưa bao giờ ông rời xa
Meggie; đôi môi ấy đặt dưới đôi môi ông, thật sống động không phải là
một giấc mơ. Ông khao khát quá lâu rồi, quá lâu rồi. Một loại thánh lễ
khác, giản dị như đất, không dính dáng gì đến trời.
- Meggie, Meggie, ông thì thầm, mặt ông vùi trong mái tóc màu hung của
Meggie, chiếc nón rơi xuống đất tự bao giờ. Ralph càng siết nàng vào
lòng.
- Những chuyện như thế này cũng chẳng sao, phải không Ralph? Không có
gì thay đổi, nàng nói, mắt nhắm.
- Không, không có gì thay đổi, Ralph quả quyết.
- Chúng ta đang ở Drogheda, Ralph, em đã báo trước với anh. Ở Drogheda
anh thuộc về em chứ không phải thuộc về Chúa.
- Anh biết. Anh chấp nhận và anh đã đến (ông kéo nàng xuống thảm cỏ).
Tại sao thế, Meggie?
- Tại sao là sao?
- Tại sao em lại trở lại với Luke? Tại sao em sinh cho Luke đứa con trai?
Ralph hỏi trong thứ cảm giác bị cơn ghen hành hạ
Xuyên qua những cửa sổ màu nâu, tâm hồn sáng rực Meggie rọi thẳng vào
Ralph, che giấu những ý nghĩ thật của nàng.
- Hắn bắt buộc em, nàng nói dịu dàng. Chỉ một lần thôi. Nhưng nhờ thế mà
em có Dane. Do đó em không ăn năn về chuyện ấy. Dane đã bù đắp trọn
vẹn tất cả những gì em đã phải chịu đựng với hắn.
- Xin lỗi em, anh không có quyền đặt với em câu hỏi đó. Lúc đầu, chính
anh đã xô đẩy em vào tay Luke, phải không?
- Vâng, đúng thế.
- Thằng bé tuyệt đẹp. Nó có giống Luke không?
Meggie cười trong bụng, túm lấy một chùm cỏ, và nhét nó vào ngực của
Ralph qua chỗ hở chiếc áo sơ mi.
- Không giống lắm. Không đứa con nào của em thật giống Luke hoặc em.
- Anh thương hai đứa vì chúng nó là con em.- Anh bao giờ cũng đầy tình cảm. Tuổi tác không ảnh hưởng đến anh,
Ralph ạ. Em tin chắc điều đó và hy vọng sẽ được thấy anh trẻ mãi. Em biết
anh đã ba mươi năm nay rồi, vậy mà cứ tưởng như mới ba ngày vậy.
- Ba mươi năm? Nhiều đến thế sao?
- Anh thương yêu của em, em đến bốn mươi mốt tuổi rồi. Cũng khá lớn
phải không? Trong nhà bảo em ra đây để tìm anh. Bà Smith đã chuẩn bị ấm
trà thật tuyệt để đãi anh, sau đó khi trời mát hơn, chúng ta sẽ ăn giăm-bông
rô ti với thật nhiều tóp mỡ.
Bob, Jack, Hughie, Jims và Patsy tham dự buổi tối như mọi thứ bảy. Sáng
hôm nay, đáng lý cha Watty làm lễ nhưng Bob điện thoại báo cho ông ấy
biết là cả nhà đi vắng. Nói dối để bảo vệ sự bí mật của Hồng Y ở đây.
Sau khi hai đứa nhỏ đi ngủ, Ralph nhìn lần lượt những người chủ nhà: các
anh em trai dòng họ Cleary, Meggie và Fiona.
- Bà Fiona, mời bà tạm rời bàn làm việc trong chốc lát, Ralph nói. Tôi có
chuyện muốn nói với... tất cả.
Fiona đi đứng vẫn vững vàng, người không mập. Bà im lặng ngồi vào một
trong những chiếc ghế bành màu kem đặt trước mặt Hồng Y. Meggie ngồi
bên trái bà, còn mấy đứa con trai ngồi trên những băng đá cẩm thạch gần
đó.
- Về chuyện của Frank, Hồng Y mở đầu.
Tên Frank với những âm vang xa xôi làm nặng lòng tất cả những người có
mặt.
- Ông muốn nói gì về Frank? Bà Fiona bình tĩnh hỏi.
Meggie đặt chiếc áo len xuống, nhìn mẹ và Ralph:
- Ông hãy nói đi, nàng lên tiếng thúc giục vì không đủ sức chịu đựng thêm
một phút giây nào chờ đợi nữa.
- Frank đã thi hành xong án tù ba mươi năm. Gia đình chắc đã biết điều
này khá đầy đủ qua những người thường liên lạc với tôi. Tôi có dặn họ
đừng nói bất cứ gì có thể gây đau xót cho gia đình bởi cũng chẳng có lợi gì
trong khi chúng ta không giúp gì được cho anh ta. Nếu trong những năm
đầu ở tù anh không có những hành vi hung bạo và bất thường để phải mang
tiếng xấu thì Frank đã ra tù sớm hơn. Ngay trong thời gian chiến tranh đãcó nhiều tù nhân được thả để tình nguyện vào quân đội, riêng đơn xin của
Frank đã bị bác.
Fiona ngước nhìn lên lạnh lùng:
- Tính tình của nó vẫn thế, bà nói không để lộ một nét xúc động.
Hồng Y nhìn mấy đưa con trong gia đình Cleary:
- Hãy chuẩn bị đi đón Frank về Drogheda trong không khí đầm ấm của gia
đình.
- Đây là quê hương của Frank. Anh về đây là về nhà của gia đình. Bob trả
lời.
Mọi người đều tán đồng. Riêng Fiona dường như vẫn ngập chìm trong
những suy nghĩ miên man.
- Frank không còn như xưa, Hồng Y chậm rãi nói tiếp. Trước khi về đây,
tôi có đến phòng giam ở Goulburn báo tin cho Frank biết và tôi đã phải
nói thật với anh là mọi người ở Drogheda đều biết tất cả những gì đã xảy
ra cho anh. Frank không hề nổi nóng, điều đó đủ hiểu anh ta đã thay đổi
như thế nào. Anh chỉ nói... rất mang ơn. Và nôn nóng được gặp lại gia
đình. Được gặp lại tất cả và đặc biệt là Fiona.
- Khi nào Frank được thả? Bob tằng hắng rồi hỏi.
- Khoảng một hay hai tuần nữa, Frank sẽ về bằng chuyến tàu đêm. Tôi
muốn Frank đi máy bay nhưng anh ấy lại thích về bằng tàu hỏa.
- Patsy và con sẽ đón anh ấy ở nhà ga, Jims mau mắn đề nghi (Rồi mặt anh
lại sa sầm xuống). Nhưng hai đứa tụi này không hề biết mặt Frank.
- Không ai cả, Fiona cắt ngang. Mẹ sẽ đích thân đón Frank và chỉ một mình
mẹ thôi. Sức khỏe của mẹ không đến nỗi tệ đâu. Mẹ có thể lái xe tới Gilly
kia mà.
- Mẹ nói đúng, Meggie nói dứt khoát trước khi các anh trai phản đối.
Chúng mình nên để mẹ ra nhà ga một mình bởi chính mẹ là người đầu tiên
Frank muốn gặp mặt. Năm anh em trai đứng lên một lượt.
- Đã đến lúc bọn này phải đi ngủ, miệng ngáp dài Bob nhìn Hồng Y cười
rụt rè. Chúng ta sẽ sống lại cảm giác của những ngày xưa vào lúc sáng mai
khi Đức cha làm lễ.Meggie xếp chiếc áo len lại, quấn vào hai que đan, rồi đứng lên.
- Tôi cũng vậy. Xin chúc Ralph ngủ ngon.
- Chúc Meggie ngủ ngon. Chúc bà Fiona ngủ ngon - Ralph tránh không theo
chân Meggie lên lầu. Trước khi ngủ, tôi đi dạo một vòng.
Khi Ralph lên lầu, của phòng ngủ của Meggie mở rộng, để lọt ra ngoài một
vệt sáng. Ralph bước vào, đóng cửa lại rồi vặn khóa một vòng.
Meggie mặc áo ngủ mỏng, ngồi trên một chiếc ghế gần cửa sổ. Quay đầu
lại, nàng thấy Ralph bước tới và ngồi xuống bên mép giường. Chậm rãi
nàng đứng lên và đến với Ralph.
- Anh lại đây, để em cởi đôi giày ống cho anh. Chính vì vậy mà em không
thích mang giày ống cao. Em không thể cởi giày ra nếu không dùng tấm cởi
mà những thứ đó làm giày mau hư.
- Có phải em cố tình chọn màu áo này?
- Hồng tro? Nàng mỉm cười hỏi. Đó là màu mà em thích nhất, nói không
chỏi lại màu tóc của em.
Khi nàng quay lưng lại cởi chiếc giày ống, chân của Ralph đặt lên mông
nàng.
- Tại sao em biết chắc rằng anh sẽ đến phòng này để tìm em, Meggie?
- Em đã nói với anh rồi. Ở Drogheha, anh thuộc em. Nếu anh không đến,
em sẽ lại tìm lại phòng anh.
Nàng cởi chiếc áo sơ mi của Ralph ra và chỉ khoảnh khắc sau, bàn tay rạo
rực của nàng đã đặt lên chiếc lưng trần của ông. Tiếp đó nàng đi thẳng lại
tắt đèn, trong khi Ralph đặt quần áo của mình lên lưng ghế. Ông nghe nàng
đi lại trong bóng tối cởi bỏ chiếc áo ngủ.
Ngày mai, tôi sẽ làm lễ. Nhưng đó là sáng mai, lúc đó ma lực đã dịu xuống
từ lâu. Còn bây giờ là ban đêm và Meggie. Tôi muốn được nàng. Nàng
cũng là một thánh lễ.
Luđie và Mueller đến Drogheda ăn lễ Noel như mọi năm. Dưới mái nhà
lớn nơi trú ẩn của những tâm hồn thanh thản, mọi người chuẩn bị tiếp đón
những ngày lễ Giáng Sinh tuyệt diệu. Minnie và Cat vừa làm việc vừa hát,
gương mặt béo phị của bà Smith tươi rói, Meggie thì giao Dane cho Hồng
Y De Bricassart mà không nói thêm lời nào, còn Fiona vui hẳn lên, bớtdính cứng với chiếc bàn làm việc. Phía đàn ông khi có dịp là trở về nhà
mỗi chiều, vì rằng sau buổi cơm tối rất muộn, phòng khách luôn rộn rã
tiếng nói cười. Ngày thứ tư Ralph ở lại Drogheda, thời tiết rất nóng bức,
Hồng Y cùng với Dane phi ngựa đi tìm một đàn cừu bị lạc, bỏ lại Justine
hờn dỗi đứng một mình dưới gốc cây hồ tiêu; còn Meggie thì nằm lăn một
cách lười biếng giữa những chiếc gối trên ghế dài bằng mây đặt ngoài
hiên. Nàng cảm thấy thư thả, mãn nguyện và rất hạnh phúc. Một người phụ
nữ có thể không cần chuyện đó trong nhiều năm nhưng thật là hạnh phúc
làm sao được sung sướng với anh ấy, người đàn ông duy nhất của nàng.
Khi ở bên cạnh Ralph, Meggie trải lòng đón lấy cuộc sống, ngoại trừ phần
dành riêng cho Dane. Và khi nàng bên cạnh Dane, con người của nàng
giang tay ra trước cuộc sống cũng còn lại một phần khác dành cho Ralph.
Chỉ khi nào cả hai Ralph và Dane cùng một lúc trong cái thế giới riêng của
mình như hiện giờ, thì Meggie mới cảm thấy trọn vẹn hạnh phúc.
Thế nhưng lảng vảng đâu đó, có một bóng đen làm mờ hạnh phúc của nàng.
Ralph không hề biết. Nàng tự hỏi có nên giữ mãi bí mật ấy? Nếu Ralph
không có khả năng tự mình khám phá thì tại sao Meggie lại tiết lộ làm gì?
Ralph đã làm gì xứng đáng để nàng nói về sự thật ấy? Tại sao Ralph có thể
nghĩ rằng nàng đã thuận tình quay trở lại với Luke? Ralph không xứng đáng
để nàng tiết lộ nếu Ralph nghĩ rằng nàng có thể làm chuyện đốn mạt như
thế. Thỉnh thoảng nàng cảm thấy đôi mắt xanh và lạnh lùng của Fiona chăm
chăm nhìn nàng. Mẹ nàng hiểu mọi việc.
Điện thoại reo. Meggie đứng lên uể oải.
- Xin được nói chuyện với bà Fiona Cleary - Một giọng đàn ông bên kia
đầu dây.
Nghe Meggie gọi, Fiona hấp tấp chạy đến cầm lấy ống nghe.
- Fiona Cleary đang nghe đây.
Gương mặt của bà dần dần biến sắc, căng thẳng, đó là sắc diện của những
ngày tiếp theo sau cái chết của Pađy và Stuart.
- Cảm ơn ông, bà nói trước khi đặt ống nghe xuống, người yếu đuối, rã rời.
- Chuyện gì đó, mẹ?
- Frank đã được thả. Anh con đã lên tàu đêm qua và sẽ đến vào chiều nay(bà nhìn đồng hồ). Mẹ phải đi ngay, hơn hai giờ rồi.
- Mẹ cho phép con đi theo, Meggie đề nghị lòng tràn đầy niềm vui.
- Không được Meggie ạ. Con ở nhà thu xếp tất cả và nhớ đừng dọn cơm
chiều trước khi mẹ về.
- Thật tuyệt phải không mẹ, Frank về nhà kịp lễ Noel.
- Thật tuyệt - Fiona đáp lại.
__________________Chương 36
Bây giờ không còn bao nhiêu người đi chuyến tàu đêm từ khi có những
chuyến bay nối liền Gillanbone. Đoàn tàu ì ạch đi qua cả ngàn cây số lần
lượt trút bỏ gần hết hành khách qua các ga tỉnh lẻ; chỉ còn một số rất ít
xuống ga Gillanbone.
Trên sân ga, một mình bà Fiona lặng lẽ đứng chờ. Bà vẫn đẹp người so
với tuổi tác. Nón, áo đều hợp thời trang, giày cao gót. Cuộc đời làm vợ
một người chăn nuôi đã giúp bà giữ được vóc dáng trẻ trung.
Chính vì thế mà Frank đã nhận ra mẹ anh nhanh hơn là bà nhận ra anh.
Frank đã năm mươi hai tuổi, đứng giữa mặt trời chiều Drogheda trông rất
gầy, hốc hác, xanh xao. Đầu đã hói, quần áo không ra hình thù gì, phủ trên
một thân hình tuy nhỏ nhưng vẫn còn gợi nhớ một chút sức lực. Hai bàn tay
rắn rỏi nắm chặt chiếc mũ phớt màu nâu. Anh không còng lưng, không bệnh
hoạn nhưng đứng chôn chân ở sân ga một cách vụng về, không tin rằng có
ai đón mình và cũng không biết phải làm gì.
Rất tự chủ, Fiona nhanh chân bước tới:
- Con mạnh khỏe, Frank? bà nói.
Frank nhìn lên, hai mắt xưa kia rực sáng, lấp lánh giờ đây khuyết sâu trên
gương mặt của một người già nua. Đôi mắt ấy không phải của Frank. Mệt
mỏi, nhẫn nhục và vô cùng chán nản. Nhưng khi đôi mắt ấy nhìn thấy
Fiona, nó lại gây nên một ấn tượng dị thường của một người bị lăng nhục,
hoàn toàn không được che chở, sắp chết và đang kêu gào sự cứu giúp.
- Ôi, Frank! Bà kêu lên và ôm chầm lấy con trai. Mọi việc đều tốt đẹp,
tiếng của bà dịu dàng như tiếng ru. Mọi việc đều tốt, bà tiếp tục nói giọng
càng dịu dàng hơn.
Lúc đầu, Frank vẫn im lặng, ngồi lún xuống trên nệm xe. Nhưng khi chiếc
Rolls tăng tốc độ và ra khỏi thành phố, anh bắt đầu nhìn hai bên đường.
- Cũng không thay đổi bao nhiêu phải không mẹ, anh nói thì thầm.
- Không. Ở đây thời gian trôi qua rất chậm.
Khi xe vượt qua chiếc cổng cuối cùng vào sân trong trước cửa tòa nhà,
Frank kêu lên:- Con không thể tưởng tượng nó đẹp như thế.
- Đây là nhà của chúng ta, Fiona nói. Gia đình mình đã bỏ rất nhiều công
chăm sóc nó con à.
Bà lái xe vào gara, đưa con trai đi lên hướng nhà lớn nhưng lần này chính
Frank xách vali của mình.
- Con chọn một phòng trong nhà này hay chọn một nhà khách nhỏ để ở
riêng?
- Con thích căn nhà nhỏ. Cảm ơn mẹ. Con muốn được ở riêng yên ổn một
thời gian.
Khi Frank gặp lại Meggie, anh không dễ dàng nhận ra đứa em gái nay đã
trở thành một người phụ nữ già dặn. Mẹ tuy già nhưng anh vẫn dễ nhận ra
hơn. Trong khi Meggie ôm anh, Frank rụt rè quay mặt chỗ khác, hai tay vo
ve nếp áo vét nhăn nheo, rồi nhìn về phía mẹ để cầu cứu. Ánh mắt của bà
Fiona như muốn nói: không có gì quan trong; thời gian trôi qua, rồi thì tất
cả sẽ trở nên bình thường.
Nhờ nhiều cố gắng của bà Fiona, Frank thích nghi dần với cuộc sống ở
Drogheda và không chú ý lắm sự đố kỵ ngấm ngầm của mấy đứa em trai.
Fiona xử sự với Frank như đứa con trai lớn vắng nhà một thời gian ngắn,
không hề làm mất danh dự gia đình và cũng không hề gây ra sự đau khổ vô
vàn cho mẹ anh. Bà kín đáo tìm cho Frank một chỗ ẩn náu mà Frank mong
muốn, tách xa những đứa em trai. Bà cũng không khuyến kích Frank phục
hồi lại một phần sức sống trước kia; hơn nữa sức sống ấy cũng không còn
trong con người của Frank hiện nay. Fiona đã hiểu điều đó ngay cái phút
giây con trai bà ngước mắt lên nhìn trên sân ga Gillanbonẹ Không có
chuyện đưa Frank đi làm ngoài các bãi chăn vì các em trai sẽ phản đối,
hơn nữa Frank cũng không thích một công việc mà xưa kia anh vẫn ghét.
Dần dần các em trai của Frank quen với sự trở về của con cừu ghẻ lở trong
lòng gia đình. Không có điều gì có thể làm thay đổi tình cảm của mẹ chúng
đối với Frank, Frank ở tù, hay ở Drogheda cũng chẳng quan hệ gì, bà vẫn
luôn luôn yêu Frank thiết tha. Sự hiện diện của Frank ở Drogheda làm cho
bà hạnh phúc và đó là điều quan trọng nhất. Frank không chen vào cuộc
sống trước đây của các nhân vật khác ở Drogheda và vẫn trung thành vớicon người xưa của mình.
Thế nhưng, sự có mặt của Frank ở Drogheda không mang lại một niềm vui
thật sự cho Fiona. Làm sao khác hơn bây giờ? Khi nhìn thấy Frank mỗi
ngày, lòng bà như bị khơi dậy một nỗi buồn khác hẳn nỗi buồn mà bà đã
chịu đựng trong thời gian vắng Frank. Đó là niềm đau đớn dữ dội phải
chứng kiến cuộc sống của một con người đang bị hủy diệt. Con người đó
lại là đứa con trai thương yêu nhất của bà, nó đã trải qua những nỗi đau
đớn không thể tưởng tượng.
Một hôm, bấy giờ Frank đã trở về được khoảng sáu tháng, Meggie bước
vào phòng khách và gặp mẹ đang ngồi nhìn Frank qua một trong những cửa
sổ lớn. Frank đang xén hàng rào hoa hồng dọc theo con đường nhỏ. Đột
ngột bà quay lại và có điều gì đó hiện ra trên gương mặt lạnh lùng của bà
khiến cho Meggie phải đưa hai tay ôm lấy ngực.
- Ôi, mẹ! Nàng bối rối.
Fiona nhìn con gái, lắc đầu và mỉm cười.
- Không có gì quan trọng, Meggie à.
- Phải, chỉ có con mới giúp ích điều gì cho mẹ.
- Con có thể. Đừng thay đổi thái độ của con. Mẹ rất mang ơn con. Con đã
trở thành đồng minh của mẹ.
__________________
Chương 37
Xong rồi, Justine nói với mẹ, con đã quyết định. Con biết sẽ theo nghề
nào.
- Mẹ tưởng rằng chuyện xong lâu rồi chứ. Con sẽ theo học nghành mỹ thuật
ở trường Đại học Sydney phải không?
- Không đâu mẹ, con nói dối để mẹ yên tâm khi con chuẩn bị kế hoạch.
Bây giờ tất cả đã xong, con có thể tiết lộ hết bí mật với mẹ.
Meggie mệt mỏi nhìn Justine, sốt ruột và bất lực. Trước một đứa con cứng
đầu, bướng bỉnh như Justine, Meggie đành chịu thôi.
- Vậy con nói hết bí mật của con đi, mẹ sốt ruột quá. Meggie vừa nói vừa
tiếp tục chọn từng cái bánh chuẩn bị nướng.- Con sẽ trở thành diễn viên.
- Sao?
- Diễn viên.
- Chúa ơi! (Meggie tạm ngưng công việc của mình.) Justine con nghe đây,
mẹ không thích làm con kỳ đà và cũng không có ý định làm buồn phiền
con. Nhưng bộ con tưởng con có được nhan sắc để theo nghề đó?
- Không phải như vậy đâu mẹ! Justine tỏ vẻ hơi nản. Không phải tài tử màn
ảnh đâu! Mà là diễn viên! Con không chịu làm những cái trò uống éo mông,
phô bày bộ ngực hay nút lưỡi đâu. Con muốn đóng kịch. Con có đủ tiền để
theo học bất cứ ngành nào con thích chứ?
- Phải! Nhờ sự giúp đỡ của Hồng Y De Bricassart.
- Vậy thì con không bàn lui nữa. Con sẽ theo học lớp kịch của Alber Jones
trên sân khấu Culloden và con viết thư cho viện kịch nghệ Hoàng gia ở
Luân Đôn để đăng ký vào danh sách chờ đợi.
- Con đã suy nghĩ kỹ chưa, Justine?
- Vâng, con đã suy nghĩ từ lâu.
- Mẹ vẫn không hiểu, Meggie vừa lắc đầu vừa nói một mình. Diễn viên.
Justine nhún vai.
- Mẹ nghĩ coi, con tìm ra nơi nào cho phép con la hét, gầm lên như trên sân
khấu? Ở đây thì không thể được rồi, ở nhà trường hay ở một nơi nào khác
cũng thế! Con lại thích la hét, chỉ có thế thôi!
- Nhưng con làm thế nào để được chấp nhận học sân khấu Culloden?
- Con đã qua một kỳ trình diễn thử.
- Và con đã trúng tuyển?
- Đúng là mẹ tin cậy ở con gái mình. Đúng thế, con đã trúng tuyển! Con
diễn rất tốt mẹ biết không. Một ngày nào đó con sẽ nổi tiếng.
- Con không định lấy chồng?
- Con chẳng nghĩ đến điều ấy nhưng con không thích cuộc sống lại mất thì
giờ vào việc lau mũi, rửa đít cho trẻ con. Hoặc chiều chuộng vuốt ve một
thằng đàn ông không ra gì mà cứ tưởng mình ngon lắm. Nhất định không.
- Con nói quá đáng Justine ạ. Ma quỷ nào đã dạy con nói cái giọng đó?
Con không khác ba con chút nào!- Cứ mỗi lần con làm sai ý mẹ là mẹ nói giống hệt ba con. Thế thì con phải
đành tin lời mẹ vì rằng con chưa bao giờ được gặp con người hào hoa
phong nhã ấy.
- Khi nào con đi? Meggie nói sang chuyện khác.
Justine cười:
- Mẹ muốn con đi sớm cho khuất mắt mẹ phải không? Con thông cảm mẹ
và không giận mẹ chút nào. Mẹ biết không, con không kìm chế được mình
trêu chọc người khác, nhất là với mẹ. Mẹ nghĩ sao nếu con xin mẹ đưa con
ra sân bay ngày mai?
- Mẹ đề nghị ngày mốt. Ngày mai, mẹ đưa con ra ngân hàng. Con cần biết
con có bao nhiêu tiền. Và, này Justine...
Justine đang phụ mẹ làm bánh. Giọng nói đột ngột thay đổi của Meggie
khiến cho Justine ngừng tay lại ngước mắt lên nhìn mẹ.
- Mẹ nói đi...
- Nếu một mai con gặp những chuyện buồn phiền, con hãy quay trở về nhà,
đừng do dự con nhé. Ở Drogheda luôn có chỗ dành cho con; mẹ muốn con
nhớ điều đó. Dù sau này con có làm chuyện gì tồi tệ mấy đi nữa thì điều đó
cũng không cản ngăn con trở về đây.
Ánh mắt Justine dịu xuống.
- Cảm ơn mẹ.

Chương 38
Trở lên Sydney, Justine lo chăm sóc ngay sắc đẹp của mình, trước hết tìm
cách phá những vết tàn nhang trên mặt, tiếp đó đi mướn một căn hộ riêng
gồm hai phòng ở phố Neutral Bay, trong chung cư Bothwell Gardens, giá
năm bảng mười xu mỗi tuần. Chung cư Bothwell Gardens gầm năm căn tất
cả. Anh chàng thanh niên người Anh Peter Wilkins ở sát vách tìm mọi cách
chinh phục Justine nhưng không thành công. Một hôm anh ta mời Justine
sang phòng anh uống trà, lợi dụng dịp này tấn công Justine. Những năm lao
động ở Drogheda đã cho Justine sức mạnh phi thường, hơn nữa cô cũng
không ngần ngại vi phạm luật lệ của môn quyền Anh dùng những cú đấmdưới thắt lưng để tự bảo vệ mình.
- Chúa ơi! Justine! Peter hét lên, đau điếng đến chảy nước mắt. Giữ gìn để
làm gì cái quái ấy! Trước sau rồi cũng phải mất thôi! Thời đại nữ hoàng
Victoria xưa rồi. Đâu cần gìn giữ cái tiết trinh kín bưng như đóng hộp để
làm gì!
- Tôi không có ý định đóng hộp chờ ngày cưới, Justine vừa trả lời vừa sửa
lại chiếc váy. Nhưng tôi chưa biết phải dành cho ai vinh dự ấy. Chỉ có thế
thôi.
Các bạn trai của Justine tò mò hỏi, khi nào và với ai, Justine sẽ quyết định
trở thành một người đàn bà thật sự. Nhưng Justine vẫn không hấp tấp.
Cho đến một hôm Justine lọt vào cặp mắt của Arthur Lestrange. Arthur
Lestrange, một diễn viên chuyên đóng vai kép mùi của đoàn kịch Alber
Jones, hơn bốn mươi tuổi, gương mặt rất đàn ông, mái tóc dợn sóng, luôn
gặt hái sự tán thưởng của khán giả mỗi khi xuất hiện trên sân khấu. Arthur
Lestrange chú ý Justine khi Justine diễn một đoạn trong vở Lord Jim của
Conrad.
Arthur mời Justine đi uống cà phê. Cuộc nói chuyện giữa hai người dẫn
đến đề tài vốn sống cần thiết đối với một kịch sĩ. Justine tự cho mình hiểu
gần hết các mặt của cuộc sống. Arthur đề cập đến kinh nghiệm sống,
Justine trả lời cho đến nay tôi chỉ cần quan sát.
- À! Nhưng nếu là chuyện tình yêu? Arthur hỏi ngược lại, cố tình chuyển
giọng nặng xuống ở chữ cuối cùng - thì làm sao cô có thể đóng vai Julliette
mà không biết tình yêu là gì?
- Anh đã thắng một điểm. Tôi hoàn toàn đồng ý với anh.
- Cô có yêu bao giờ chưa?
- Chưa?
- Cô có biết điều gì về tình yêu chưa?
Lần này Arthur nhấn mạnh biết điều gì chứ không phải tình yêu.
- Chưa biết điều gì cả.
- Tôi rất muốn giúp cô biết được thế nào là một người đàn bà - Arthur đột
ngột nói.
- Tại sao không? Được rồi, anh đừng dông dài nữa, coi chừng tôi đổi ýbây giờ.
Và chuyện biết được thế nào là một người đàn bà đã xảy ra ngay tối hôm
đó tại khách sạn Metropole. Giữa hai người không có tình yêu. Với Justine
chủ yếu là tò mò và để có vốn sống mà đóng vai Juliette. Trong suốt quá
trình tìm hiểu Justine đòi nhờ Arthur hướng dẫn từng động tác một.
Sáng hôm sau Justine gặp Dane. Trong nhiều mặt, Justine gần gũi với Dane
nhiều hơn là mẹ cô gần gũi với cô hay Dane. Mối liên hệ mật thiết giữa
Justine và Dane hình thành rất sớm và ngày càng được củng cố. Justine
thường kể lể dài dòng với Dane chuyện này chuyện nọ, nên cậu ta hiểu chị
mình nhiều hơn là Justine hiểu được em mình. Trong chừng mực nào đó,
Dane cho rằng Justine hơi bốc đồng về phương diện đạo đức, mình có
nhiệm vụ cảnh giác Justine những điều mà người chị không chú ý đến. Thế
là cậu ta chấp nhận đóng vai người nghe kiên nhẫn với một thái độ dịu
dàng và một tình thương sâu kín dành cho Justine. Nếu Justine khám phá
được những suy nghĩ thầm kín của Dane, cô ta có thể nổi khùng lên.
- Em nói xem tối hôm qua chị làm gì?
- Biểu diễn trong một vai chính? Dane đoán mò.
- Đần! Em tưởng chị cần nói chuyện đó để kéo em éơi nhà vỗ tay khen chị
à? Ráng động não đi.
- Chị nhận lãnh một cú đấm của Bobbie định tặng cho Billie?
- Em thật ngớ ngẩn!
Hai chị em đang ngồi trên thảm cỏ dưới bóng mát của nhà thờ Đức Mẹ
đồng trinh. Dane đã gọi điện thoại yêu cầu gặp Justine để báo cho biết
mình sắp dự một lễ đặc biệt trong thánh đường.
Dane vừa kết thúc năm học cuối cùng ở Riverview tốt nghiệp thủ khoa
toàn trường, là thủ quân của các đội quần vợt, bóng ném, bóng bầu dục và
cricket. Mười bảy tuổi và cao một mét tám mươi lăm.
Hôm nay là một ngày đẹp trời, nắng ấm.
- Thế thì chị đã làm gì đêm qua, Justine?
- Chị đã không còn trinh tiết..., hình như thế.
Dane mở to hai mắt.
- Chị điên rồi!- Hùm! Chị nghĩ cũng đã đến lúc rồi. Làm sao chị có thể trở thành một diễn
viên giỏi nếu chị vẫn mù tịt về những chuyện xảy ra giữa người đàn ông và
người đàn bà?
- Đáng lý chị nên dành cho người đàn ông mà chị sẽ lấy làm chồng.
Justine nhìn Dane nhăn mặt tỏ vẻ bực bội.
- Chị nói thật Dane nhé, em bảo thủ đến mức chị phải khó chịu. Nói như
em, lỡ như chị không gặp người đàn ông ấy trước bốn mươi tuổi thì sao?
Em muốn chị phải làm gì? Chị chỉ được dùng cái mông của chị để ngồi
thôi trong suốt thời gian ấy? Em muốn thế phải không? Hay giữ cái đó cho
đến ngày em lấy vợ?
- Có lẽ em sẽ không bao giờ lấy vợ.
- Vậy thì chị cũng thế. Trong trường hợp này, tại sao lại gói cái đó cẩn
thận, thắt ru-băng màu xanh và cất kỹ trong một cái tủ sắt với những hy
vọng hão huyền? Chị chẳng muốn chết một cách ngu đần như thế.
Nhưng rồi cái vẻ bất cần đời ấy bỗng mất đi trên gương mặt của Justine.
- Nhưng bây giờ chị thấy mình xấu xa. Nếu không hiểu rõ em, chị có thể
nghĩ rằng em coi thường chị... hay ít ra cũng coi thường động cơ thúc đẩy
chị làm chuyện đó.
- Chị rất hiểu em mà. Không khi nào em coi thường chị. Dù cho lý do chị
nêu lên quả thật là kỳ cục và ngu ngốc. Em là tiếng nói của lương tâm chị,
Justine O'' Neill.
- Nhưng em cũng là một thằng ngốc!
- Ồ, Justine...! Dane nói giọng buồn bã.
Nhưng Dane chưa kịp kết thúc câu nói thì Justine lại nói tiếp thật nhanh:
- Mãi mãi, mãi mãi, chị sẽ không yêu bất kỳ ai! Nếu mình yêu người khác,
người khác sẽ hủy diệt mình. Nếu mình cần người khác, người khác sẽ hủy
diệt mình. Đúng thế, chị đoan chắc với em như thế.
- Sao mẹ im lặng thế? Dane hỏi. Mẹ đang nghĩ gì? Nghĩ về Drogheda phải
không?- Không, Meggie trả lời lạc giọng. Mẹ nghĩ là mẹ đã già rồi. Sáng nay khi
chải đầu mẹ vừa phát hiện nhiều sợi tóc bạc. Các khớp xương của mẹ bắt
đầu cứng lại.
- Mẹ sẽ không bao giờ già, Dane khẳng định một cách tự nhiên.
- Mẹ mong con nói đúng, con yêu quí của mẹ. Nhưng tiếc thay sự thật lại
không như thế. Mẹ bắt đầu thấy cần nước nóng ở suối Borehead, đó là một
dấu hiệu của tuổi già.
Hai mẹ con đang phơi nắng trên cỏ gần suối nướng nóng Borehead.
- Con có nghĩ đến chút nào về phụ nữ không Dane? Meggie hỏi giọng băn
khoăn.
Dane mỉm cười.
- Chim và bướm, có phải mẹ muốn nói thế?
- Về chuyện này, con không dốt đâu, nhất là khi có một người chị như
Justine! Mỗi khi cô ta khám phá điều gì đó trong quyển sinh lý học thì cô
ta la ầm lên. Không phải chuyện đó. Mẹ muốn hỏi con đơn giản thôi, con
có từng áp dụng trong thực tế những bài học của Justine?
Dane lắc đầu và trườn lên bãi cỏ đến sát bên mẹ. Cậu ta nhìn thẳng vào
mắt:
- Thật cũng lạ khi mẹ hỏi con chuyện này. Lâu rồi con muốn đề cập vấn đề
này với mẹ nhưng con không biết phải nói thế nào.
- Con chỉ mới mười tám tuổi. Cũng còn hơi sớm để vận dụng những hiểu
biết ấy vào thực tế.
- Đó chính là điều con muốn nói với mẹ. Dứt khoát sẽ không bao giờ con
làm như thế!
Gió lạnh như thổi lại từ giữa hai làn nước! Lạ thật, thế mà trưóc đây không
bao giờ Meggie để ý hiện tượng đó. Chiếc áo choàng đâu rồi?
- Không áp dụng lý thuyết vào thực tế. Dứt khoát không áp dụng, Meggie
lặp lại bằng một giọng đều đều mà không đặt câu hỏi về ý nghĩa của những
lời lẽ ấy.
- Thưa mẹ, đúng như thế. Con không muốn. Không phải vì con không nghĩ
tới, hay vì không muốn có vợ. Cũng có lúc con có nghĩ tới đó chứ, nhưng
con không thể thực hiện được, vì rằng con không còn chỗ để yêu thương vợvà con cùng một lúc với Chúa. Con nhận ra điều này từ lâu. Con nghĩ rằng
con vẫn thấy rõ điều đó và càng đi tới, tình yêu dành cho Chúa càng lớn
hơn. Yêu Chúa, đó là một bí ẩn vĩ đại.
Meggie vẫn nằm dài, nhìn chăm chăm vào đôi mắt xanh ấy, đôi mắt bình
thản và xa vắng. Đúng là đôi mắt của Ralph không khác một chút nào.
Nhưng nó lại ánh lên một thứ lửa hoàn toàn không có ở Ralph. Phải chăng
năm mười tám tuổi, đôi mắt của Ralph cũng đã từng ánh lên một thứ lửa
ấy. Có phải đây là sự hưng phấn chỉ xuất hiện ở tuổi mười tám? Ngày
Meggie bước vào cuộc đời của Ralph thì tuổi mười tám của Ralph đã trôi
qua đến mười năm rồi. Nhưng con trai của Meggie là một người sùng tín,
Meggie biết rõ điều đó từ lâu.
... Meggie thấy nghẹn ở cổ. Nàng kéo chiếc áo choàng sát vào người.
- Thế là, con đã tự hỏi con có thể làm gì để chứng minh với Chúa rằng con
yêu thương Người đến mức nào, Dane nói tiếp. Trước đây con muốn có
một cuộc sống của một người đàn ông bình thường. Con rất muốn giữ cuộc
sống đó. Nhưng con lại hiểu Chúa chờ đợi gì ở con. Con đã biết... Chỉ có
một điều duy nhất mà con có thể hiến dâng cho Người để chứng minh với
Người rằng trong trái tim con chỉ có Người mà thôi, ngoài ra không thể có
ai khác. Con phải hiến dâng cho Người sự hy sinh mà Người đòi hỏi ở
con. Con phải chọn lựa. Người vẫn để cho con hưởng mọi lạc thú, ngoại
trừ chuyện ấy. Con cần chứng tỏ với Người rằng con hiểu tại sao Người ưu
đãi sự ra đời của con. Con cần chứng tỏ với Người rằng con ý thức về sự
vô nghĩa của cuộc sống đàn ông nơi con.
- Không! Con không thể làm thế! Mẹ không bao giờ để cho con làm điều
như thế! Meggie kêu lên, bàn tay bấu vào cánh tay con trai.
Làn da của Dane mịn làm sao! Dấu hiệu của một sức lực căng tràn giống
như Ralph, hoàn toàn như Ralph! Thế mà từ nay sẽ không có một thiếu nữ
nào có thể đặt bàn tay lên làn da ấy.

- Con muốn trở thành linh mục, Dane lại nói tiếp. Con biết không dễ dàng
nhưng con đã nhất quyết như vậy.Đôi mắt Meggie biến sắc! Nàng có cảm giác như Dane đã giết chết mình,
đã nghiến nát mình dưới gót giày. Dane không ngờ rằng cậu ta phải hy sinh
cả mẹ. Trước đó cậu ta tưởng rằng mẹ mình sẽ vô cùng hãnh diện về con
trai, về hạnh phúc được hiến dâng đứa con trai cho Chúa. Thực tế trái lại,
Meggie coi cái viễn ảnh Dane trở thành linh mục như một bản án tử hình
đối với mình.
- Con không ước muốn điều gì khác mẹ ạ. Dane nói trong thất vọng khi
nhìn thấy ánh mắt tắt lịm của mẹ. Mẹ ơi, chẳng lẽ mẹ không hiểu? Con đã
không muốn gì và chẳng muốn gì hơn là trở thành linh mục! Con không thể
khác hơn là linh mục!
Meggie để bàn tay mình buông thả, không đủ sức nắm cánh tay của con
nữa; Dane nhìn xuống và thấy những vết tái hình cung nhỏ do móng tay để
lại sâu trên dạ
Meggie ngước đầu lên và cười điên dại, những tràng cười cuồng loạn,
chua chát, mỉa mai.
- Trời ơi, Có lẽ nào đó là sự thật! Một lúc khá lâu Meggie mới nói được
trong hơi thở dồn dập, một tay run rẩy lau những giọt nước mắt đọng lại
trên má. Thật là trơ trẽn không thể tưởng tượng được! Hồng tro! Anh ấy đã
gọi như thế chiều tối hôm phi ngựa đến vũng Borehead. Quả thật lúc đó
mình không hiểu anh ấy muốn nói gì khi đề cặp hai tiếng ấy. Con chỉ là tro
bụi và con hãy trở về tro bụi. Con thuộc vê Giáo hội, phải trả con về với
Giáo hội. ôi! Chúa đáng nguyền rủa! Chúa xấu xa! Kẻ thù tệ hại nhất của
những người phụ nữ. Chúa là thế đó! Tất cả những gì mình nỗ lực xây
dựng, Người làm mọi cách để phá đổ!
- ôi, không phải thế đâu, không phải thế đâu mẹ ạ. Con van lạy mẹ!
Dane ôm mẹ khóc. Trong sự đau khổ của Meggie cậu ta không hiểu được
lý do, cũng như không hiểu được ý nghĩa những gì mà Meggie đã nói.
Nước mắt chảy dài xuống, trái tim thắt lại; thế là sự hy sinh đã xảy ra rồi
mà cậu ta không hề nghĩ đến. Nhưng, dù khó vì nỗi đau mẹ, cậu ta vẫn
không từ bỏ ý nghĩ hiến mình cho Chúa, không thể vì mẹ mà từ bỏ sự chọn
lựa của mình. Sự hiến dâng cho Chúa phải được thực hiện, thực hiện càng
khó khăn thì nó càng có giá trị trước Người.Meggie đã làm cho con trai khóc; cho tới nay Dane chưa từng khóc do lỗi
lầm của chính cậu ta gây ra. Thật là bất công nếu đổ trút lên con hình phạt
mà mình phải gánh chịu. Dane không thể nào khác hơn con người mà những
gien của nó đã hình thành hoặc Chúa đã hình thành. Chúa của Ralph. Đứa
con trai yêu dấu ấy là ánh sáng của đời nàng. Không thể để nó đau khổ vì
nàng, không thể được.
- Dane, con đừng khóc, Meggie thì thầm vừa vuốt ve những vết bầm hằn
sâu trên cánh tay đầy lông tơ của Dane, hậu quả của một lúc giận dữ. Mẹ
rất ân hận. Mẹ ăn nói lung tung. Mẹ bị bất ngờ quá có thế thôi. Tất nhiên là
mẹ vui sướng vì con, vui sướng thật sự. Tại sao mẹ lại không vui nhỉ? Con
dội cho mẹ cái tin ấy mà không chuẩn bị trước gì cả, con biết không?
ánh mắt của Dane sáng lên, nhìn mẹ không chút nghi ngờ. Tại sao Dane lại
tưởng tượng một cách vô lý rằng mình đã giết chết mẹ? Bây giờ thì đúng là
đôi mắt của mẹ, đôi mắt Dane quen thuộc và tràn đầy yêu thương, đôi mắt
thật sinh động. Dane ôm mẹ trong vòng tay khỏe mạnh của cậu, siết mạnh
mẹ vào lòng ngực.
- Mẹ nói thật là việc này không làm mẹ ưu phiền chứ?
- Sao lại ưu phiền? Một người mẹ công giáo tốt lại ưu phiền khi hay con
mình muốn trở thành linh mục sao? Hoàn toàn không thể có chuyện đó
(Meggie đứng phắt lên). Trời lạnh rồi đó! Mẹ con mình về đi.
Hai mẹ con đã đến đây trên chiếc Land Rover; Dane ngồi vào tay lái,
Meggie kế bên.
- Con tính sẽ đi học ở đâu? Nuốt nước mắt, Meggie hỏi.
- Có thể ở tu viện Thánh Patrick. Dù sao cũng còn phải chờ lúc con có
quyết định dứt khoát. Con cũng thích trở thành tu sĩ dòng Tên, nhưng bây
giờ con vẫn chưa thấy thật chắc chắn.
Meggie nhìn đăm đăm những lớp cỏ ngà màu nâu lần lượt rạp xuống trước
đầu xe, kính chắn gió trước mặt lấm tấm đầy xác côn trùng.
- Mẹ có một ý kiến rất hay, Dane ạ.
- ý kiến gìthưa mẹ?
- Mẹ sẽ gởi con đến La Mã, đến Hồng Y De Bricassart. Con nhớ Ngài
chứ?- Con nhớ Ngài không ạ - Sao mẹ lại hỏi lạ lùng vậy? Không thể nào con
quên được Ngài. Với con, Ngài là hiện thân của một con người hoàn thiện
Nếu con phấn đâu được theo gương của Ngài thì con mãn nguyện vô cùng.
- Sự hoàn thiện cũng chỉ là tương đối con ạ, Meggie nhận xét không giấu
được chút cay đắng. Nhưng mẹ giao con cho Ngài vì mẹ biết rằng Ngài sẽ
chăm sóc con chu đáo, như thế đủ cho mẹ vui lòng. Con có thể vào một tu
viện ở La Mã.
- Có thật không mẹ? Thật chứ? ánh mắt Dane rực sáng niềm vui mờ nhạt tất
cả nỗi âu lọ Nhưng mà nhà mình có đủ tiền cho con vào tu viện ở La Mã
không? Sẽ tốn kém hơn nhiều so với việc hoc. tại úc.
- Tiền bạc cũng lại nhờ vào chính Đức Hồng Y De Bricassart. Con yêu
thương của mẹ, con không bao giờ thiếu tiền đâu.
Về đến nhà, người đầu tiên Meggie gặp là bà Annẹ
Từ mười tám năm nay, vợ chồng Luđie hàng năm đều đến nghỉ hè ở
Drogheda và họ nghĩ rằng sẽ còn rất lâu như thế. Nhưng vào mùa thu năm
trước Luđie Mueller đột ngột qua đời. Meggie đã viết thư đề nghị. Anne
đến sống hẳn ở Drogheda; ở đây thật sự có thể đùm bọc cùng một lúc cả
ngàn người khách. Nhưng để tránh cho Anne tự ái, Meggie gợi ý nếu bà
muốn có thể góp một số tiền nào đó. Thật tâm, Meggie muốn trả ơn gia
đình Mueller về những năm nàng sống cô độc ở miền Bắc Queensland.

- Có chuyện gì đó Meggie, Anne hỏi.
Meggie ngồi phịch xuống ghế.
- Em có cảm tưởng như vừa bị quật ngã bởi một tia chớp xử tội em.
- Sao?
- Chị và mẹ em, hai người đều có lý. Hai người đã tiên toán rằng mình sẽ
mất nó. Em đã không tin. Em thật sự tưởng rằng em mạnh hơn Chúa, nhưng
không bao giờ một người phụ nữ lại có thể đối đầu với Chúa được. Chúa
là một người đàn ông.
Fiona rót một tách trà cho con gái.- Con uống đi, bà nói như ra lệnh. Con đã mất nó như thế nào?
- Dane muốn trở thành linh mục.
Một tiếng cười gằn chen lẫn trong những tiếng khóc. Anne với lấy hai cây
gậy, đi khập khiễng đến chiếc ghế bành của Meggie, vụng về ngồi lên trên
tay ghế và vuốt mái tóc vàng hung óng ả của nàng.
- Ồ, Em của chị! Như thế có gì là ghê gớm đâu!
- Cô có biết chuyện của Dane không? Fiona quay qua Anne hỏi.
- Cháu biết từ lâu, Anne đáp.
Meggie dịu xuống:
- Không có gì ghê gớm lắm phải không mẹ? Đây là điểm khởi đầu của một
sự kết thúc. Con đã cướp Ralph của Chúa và bây giờ con phải trả lại cho
Chúa chính đứa con trai của con. Mẹ đã nói với con rằng đó là sự cướp
đoạt, mẹ có nhớ không? Lúc đó con không chịu tin mẹ nhưng bây giờ mẹ
có lý như đã từng có lý trước bao nhiêu điều khác.
- Nó sẽ vào tu viện Thánh Patrick? Fiona hỏi, bà luôn luôn thực tế.
Meggie cười vang, mẹ ạ. Không, con sẽ gởi Dane cho Ralph. Phân nửa
con người Dane là của Ralph. Nó có thể dựa vào Ralph. Đối với con,
Dane quan trọng hơn Ralph. Con biết Dane muốn đến La Mã.
- Em có thú nhận cho Ralph biết ông ấy là cha của Dane không? Lần đầu
Anne đề cập đến vấn đề này.
- Không, không bao giờ em nói cho Ralph biết điều đó. Không bao giờ chị
ạ.
- Hai người rất giống nhau đến mức không thể không nhận ra.
- Ai? Ralph à? ông ấy chẳng hề hay biết gì cả! Em sẽ giữ bí mật của em.
Em gởi đến cho ông ấy đứa con của em. Chứ không phải đứa con của ông
ấy.
- Coi chừng, đó lại là sự ghen tuông với thánh thần, Meggie - Anne nói thật
nhỏ. Thánh thần chưa để em yên đâu.
- Em còn phải chịu hành phạt nào khác nữa? Meggie hỏi lại trong tiếng thở
dài.
Chiếc xe hơi của Vatican đến rước Dane tại sân bay và đưa Dane đi qua
các con đường ngập nắng đông đúc những người đi dạo.Vừa ăn kem Dane vừa thích thú tò mò khám phá những bức tượng mà trước
đây cậu ta chỉ nhìn thấy trong ảnh, những cột thời La Mã, những lâu đài
xưa, Thánh đường Saint Peter, niềm tự hào của phục hưng.
Và tại đây, Ralph đón Dane, lần này từ đầu đến chân ông mặc toàn màu đỏ
thắm. Ralph chìa bàn tay ra, chiếc nhẫn lấp lánh. Dane sụp quỳ xuống, hôn
viên hồng ngọc.
- Con hãy đứng lên, để cha ngắm nhìn con một chút nào?
Dane đứng dậy, nụ cười trên môi, nhìn con người to lớn, có chiều cao như
mình. Cả hai có thể nhìn nhau trong mắt. Với Dane, ở Hồng Y De
Bricassart tỏa ra vầng hào quang chứa đựng một quyền lực tinh thần đặt
ông vào tư thế một giáo chủ hơn là một vị thánh. Thế nhưng, đôi mắt ấy lại
ngập tràn một nỗi buồn u uẩn, lại càng không phải là đôi mắt của một
người giáo chủ. Ôi, ông đã trải qua biết bao đau khổ khiến cho đôi mắt còn
đọng lại nỗi buồn ấy, nhưng ông đã vượt lên sự đau khổ một cách cao
thượng để trở thành vị linh mục hoàn toàn giữa chúng ta.
Trong khi đó Hồng Y De Bricassart nhìn đứa con trai mà ông không biết
đó là con mình. Ông yêu thương Dane vì ông nghĩ rằng đó là con của
Meggie yêu dấu. Nếu ông có một đứa con trai, ông rất muốn nó giống như
chàng trai đứng trước mặt ông, cũng cao lớn, có một nét đẹp thu hút và có
duyên.
Nhưng ông bằng lòng hơn tất cả là những nét hấp dẫn về thể hình, ở Dane
hiện rõ cái đẹp từ sự giản dị của tâm hồn. Dane có sức mạnh của những
thiên thần và phần nào đó là sự cao cả của họ. Bản thân ông có được như
thế ở tuổi mười tám không? Ralph cố nhớ lại và khơi dậy trong trí nhớ biết
bao sự kiện của mọt cuộc đời đã về chiều... Không. Ông không hề có
những gì như Dane hôm nay. Phải chăng vì con người này đã thật sự đến
với Chúa do sự chọn lựa của chính mình? Còn với ông, thì không phải như
thế, dù cho ông có thiên hướng. Về điều này ông nhớ rất kỹ.
- Con hãy ngồi xuống, Dane. Con có làm theo lời cha căn dặn, đã bắt đầu
học tiếng Ý chưa?
- Con đã đạt trình độ có thể nói trôi chảy nhưng chưa sử dụng thành thạo
các thành ngữ. Con đọc rất dễ dàng, vì đây là sinh ngữ thứ tư của con nênviệc học cũng thuận lợi. Vài tuần lễ ở Ý sẽ giúp con làm quen với ngôn
ngữ bình dân.
Em giao cho anh trách nhiệm chăm sóc Dane - thư của Meggie viết. - Cuộc
sống yên vui và hạnh phúc của nó tùy thuộc vào anh. Em đã lấy cắp cái gì,
em xin trả lại cái đó. Người ta buộc em như thế. Chỉ xin anh hứa với em
hai điều để em yên tâm là anh hết lòng lo cho Dane. Thứ nhất, anh hứa với
em trước khi Dane có một sự chọn lựa dứt khoát, chính anh phải hiểu rõ
một cách chắn chắn thiên hướng thật sự của Dane. Thứ hai, nếu thiên
hướng của Dane là đúng như vậy, anh hãy trông nom làm sao cho sự lựa
chọn ấy không bị chao đảo. Còn ngược lại, em muốn Dane trở về với em.
Vì trước hết, nó thuộc về em. Chính em đã trao nó vào tay anh.
- Dane, con có tin chắc vào thiên hướng của con?
- Chắc chắn thưa Đức cha.
- Tại sao?
- Vì tình yêu mà con dành cho Chúa; con muốn được phục vụ Chúa, suốt
đời là người chăn dắt con chiên cho Chúa.
- Con có hiểu điều gì đòi hỏi ở người làm tôi tớ của Chúa?
- Con hiểu.
- Rằng không có một tình yêu nào khác được chen vào giữa Chúa và con?
Con hoàn toàn thuộc về Chúa và từ bỏ tất cả
- Thưa vâng.
- Rằng mọi việc đều hành xử theo ý muốn của Người; khi trở thành tôi tớ
của Người, con phải từ bỏ nhân cách, cái nhân của con, từ bỏ ý nghĩ cho
rằng bản thân con là quan trọng?
- Thưa vâng.
- Rằng con sẵn sàng đối đầu với cái chết, tù tội, cái đói nhân danh Người?
Rằng con sẽ không sở hữu bất cứ cái gì, không để cho bất cứ cái gì ảnh
hưởng xấu đến tình yêu của con hiến dâng cho Người?
- Thưa vâng.
- Con có nghị lực không Dane?- Con là một người đàn ông. Con biết rằng sẽ rất khó khăn nhưng con cầu
nguyện Người giúp con.
- Con có thật sự tin ở con không Dane? Không có điều gì khác có thể làm
con sa ngã?
- Thưa vâng.
- Và nếu sau này, con thấy cần thay đổi ý kiến con sẽ làm thế nào?
- Con sẽ xin rời khỏi nơi đây, Dane trả lời, vẻ ngạc nhiên. Nếu con thay
đổi ý kiến, duy nhất chỉ vì con sai lầm khi định ra thiên hướng của mình,
chứ không do một nguyên nhân nào khác. Trong trường hợp này, con sẽ xin
rời khỏi nơi đây. Con sẽ tiếp tục yêu Người nhưng con hiểu ra rằng không
phải bằng cách này Người muốn con phục vụ cho Giáo hội.
- Nhưng khi con đã phát nguyện và đã được thụ phong, con phải biết rằng
con không trở lui lại được nữa, con sẽ không có cách nào để giành lại sự
tự do của con.
- Thưa Đức cha con hiểu, Dane kiên trì khẳng định. Nhưng nếu phải lấy
một quyết định thì con sẽ làm việc đó trước khi con phát nguyện.
Hồng Y De Bricassart ngả lưng vào ghế bành, thở ra. Xưa kia ông đã từng
có một quyết tâm như thế. Có bao giờ ông đã chứng tỏ một nghị lực như
thế?
- Tại sao con tìm đến ta hở Dane? Tại sao con lại mong muốn đến La Mã?
Tại sao không ở Úc?
- Mẹ con đã có ý nghĩ đưa con đến La Mã nơi mà chính con cũng mơ ước
từ lâu. Nhưng trước kia con không tin rằng gia đình có đủ tiền gửi con đến
đây.
- Mẹ con rất sáng suốt. Và mẹ con đã nói cho con biết rõ chứ?
- Biết chuyện gì thưa Đức cha?
- Biết rằng hằng năm con có một khoản tiền năm ngàn bảng và hiện trong
ngân hàng con có một số tiền dành dụm lên đến vài chục ngàn.
Dane giật mình.
- Không, mẹ con chưa bao giờ nói với con điều đó.
- Đúng là mẹ con rất thận trọng. Nhưng bây giờ con đã biết con có sẵn một
số tiền như thế, vậy con có muốn ở lại La Mã không?- Thưa vâng.
Điện thoại reo, Hồng y thản nhiên nhấc ống và trả lời bằng tiếng Ý.
- Vâng cảm ơn. Chúng tôi sẽ đến ngay (Hồng Y đứng lên). Đã đến giờ
uống trà, chúng ta sẽ uống trà với một trong những người bạn già thân nhất
của cha. Sau Đức Thánh cha, ông ấy là người quan trọng nhất trong Giáo
hội. Cha đã báo cáo với Đức ngài về sự có mặt của con và Ngài có ý
muốn gặp con.
Vittorio Scarbanza tức Hồng Y Di Contini Verchese đã sáu mươi sáu tuổi,
bị phong thấp nặng nhưng đầu óc vẫn bén nhạy như ngày nào. Con mèo cái
của ông - Natasha - đang nằm ngủ trên đùi. Ông không thể đứng lên chào
khách nhưng tươi cười và dùng đầu ra dấu mời khách đến gần. Đôi mắt
ông nhìn bắt gặp vẻ gì đó rất quen thuộc. Đôi mắt ông mở to rồi nhíu lại.
Ông cảm thấy tim ông như ngừng lại và đưa tay lên ngực với một cử chỉ có
vẻ tự trấn an. Một lúc sau miệng há hốc và ánh mắt vẫn nhìn thẳng anh
thanh niên có gương mặt giống hệt De Bricassart như một bản sao.
- Vittorio, có sao không? Hồng Y De Bricassart vừa âu lo vừa cầm lấy tay
của Di Contini Verchese để xem mạch.
- Không sao. Một cơn đau nhẹ thoáng qua, thế thôi. Hai người ngồi xuống
đi, xin mời.
Dane quỳ xuống, áp mạnh môi lên chiếc nhẫn.
- Con hãy ngồi. Một lát nữa hãy pha trà. À, ông bạn thanh niên, con muốn
trở thành linh mục phải không và con tự đặt mình dưới sự che chở của
Hồng Y De Bricassart?
- Thưa Đức cha, vâng.
- Sự chọn lựa của con thật đúng. Được Hồng Y De Bricassart bảo trợ con
khỏi phải e ngại điều gì không hay xảy ra. Nhưng sao cha thấy con có vẻ âu
lo, phải chăng vì con chưa quen nơi này.
Dane mỉm cười, cũng lại nụ cười duyên dáng của Ralph mà chính anh
không hề biết. Nụ cười ấy giống Ralph đến đỗi khiến cho trái tim già nua
và mệt mỏi nhói lên như vừa bị một mũi nhọn kẽm gai đâm vào.
- Con bối rối, thưa Đức cha. Con hoàn toàn bất ngờ và xúc động vì đứng
trước các Hồng Y. Con không bao giờ dám mơ ước được có người đón ởphi trường và càng không dám nghĩ được uống trà với Đức cha.
- Đúng thế, đây là chuyện bất thường. À, đã có trà... Ông theo dõi vị nữ tu
đang đặt tách đĩa bằng ánh mắt vui vẻ, rồi đưa ngón tay lên để ngăn Ralph
lại. À, không! Hãy để cho tôi đóng vai chủ nhà. Dane, con thích uống trà
thế nào?
- Thưa cũng như Ralph, trả lời xong cậu đỏ mặt. Xin lỗi Đức cha, con
không có ý định gọi như thế...
- Không sao Dane à, Ralph cắt ngang. Hồng Y Di Contini Verchese không
bắt lỗi con đâu. Chúng ta đã gặp và quen nhau bằng cách gọi nhau Dane và
Ralph. Và như thế chúng ta sẽ thân thiết nhau hơn nhiều, phải không? Nghi
thức chỉ tạo sự xa lạ hoàn toàn trong các quan hệ giữa chúng ta. Tôi muốn
chúng ta vẫn là Dane và Ralph trong thân tình; Đức cha không thấy gì bất
tiện chứ?
- Không. Ralph là người ủng hộ việc gọi nhau bằng tên. Nhưng, trở lại
chuyện đang nói dở dang lúc nãy cha nghĩ đến việc con có những người
bạn có chức vị cao - chẳng hạn như mối quan hệ tình bạn lâu ngày với
Ralph - sẽ gây phiền phức cho con khi con đặt chân vào tu viện nào đó mà
Ralph sẽ chọn lựa cho con. Thật là bực bội nếu phải luôn luôn giải thích
dài dòng mỗi khi mối quan hệ giữa hai người gây nên sự chú ý. Đôi khi,
Chúa của chúng ta cho phép nói láo một cách thành khẩn. Vì lợi ích chung,
ta thấy tốt hơn nên bẻ cong một chút sự thật. Do rất khó giải thích cho
suông sẻ các mối quan hệ tình cảm riêng tư, tốt hơn là nên nêu ra mối liên
hệ dòng họ. Như thế chúng ta có thể nói với mọi người rằng Hồng y De
Bricassart là cậu của con, Dane và chúng ta dừng lại ở mối quan hệ đó.
Hồng Y Di Contini Verchese kết thúc bằng một giọng ngọt ngào.
Dane hơi bị khó chịu về những điều vị Hồng Y nói, còn Ralph thì cúi đầu
im lặng.
Hồng Y Di Contini Verchese dịu dàng nói tiếp:
- Con đừng thất vọng vì các tên tuổi nổi tiếng cũng có những đôi chân bằng
đất sét và có khi họ cũng cần nói láo để giữ được một sự yên ổn nào đó.Con vừa học được một bài học rất bổ ích. Tuy nhiên con phải hiểu, các
Hồng Y là những nhà ngoại giao rất sâu sắc. Thật ra, ta chỉ nghĩ đến con,
chỉ vì con thôi, Dane ạ. Lòng ghen tị và sự thù ghét cũng phổ biến trong
các tu viện chẳng khác nào các trường học ngoài đời. Con sẽ phải chịu
đựng một chút vì người ta cho rằng Ralph là cậu của con, anh của mẹ con,
nhưng con sẽ phải chịu đựng nhiều hơn nếu người ta nghĩ rằng giữa hai
người không có một mối liên hệ bà con nào cả. Chúng ta trước hết là
những con người, vì thế mà phải đối đầu với con người trong môi trường
này hoặc môi trường khác.
Dane cúi đầu, rồi chồm ra phía trước định đưa tay vuốt ve con mèo cái
nhưng anh kịp dừng lại.
- Con xin phép... Con rất yêu mèo, thưa Đức cha.
Thái độ của Dane khiến tấm lòng trung thực của Hồng Y Di Contini rộng
mở:
- Vâng. Ta phải thú nhận rằng bây giờ nó hơi nặng ký vì ăn hơi nhiều...
Phải không Natasha? Con qua Dane đi, hãy đến với thế hệ mới.
Hai tháng sau khi Dane đi La Mã, Justine cũng đi Anh. Mùa kịch ở
Culloden kết thúc, Justine rời chung cư Bothwell Gardens không luyến
tiếc. Meggie chỉ đến Sydney hai lần. Lần đầu để đưa Dane và lần nãy tiễn
Justine. Đến giây phút cuối cùng chia tay, Meggie vẫn nhìn thấy có quá
nhiều khác biệt giữa bản thân mình với con gái. Tính tình Justine ngổ ngáo.
Nếu bị trách phiền, Justine trêu chọc mẹ: “ Như mẹ vẫn nói, con giống ba
chớ đâu giống mẹ”. Trên boong tàu nhìn xuống, Justine không nghĩ rằng mẹ
mình đã năm mươi tuổi.
Do có tiền bạc dư dả, Justine cảm thấy Luân Đôn trở thành một nơi đặc
biệt hấp dẫn. Nhất định cô không chọn một cuộc sống nghèo nàn ở khu
Earl'' s Court - mệnh danh “Kangaroo Valley” - nơi có rất nhiều người Úc.
Justine mướn một căn hộ tiện nghi ở Kensington, gần Knightsbridge và ký
hợp đồng với đoàn kịch Clyde Daltinham - Roberts.
Mùa hè đến, Justine đi tàu hỏa sang La Mã. Con tàu đi xuyên qua Pháp và
Ý nhưng Justine không nhớ mình đã nhìn thấy những gì vì đầu óc của côchủ yếu tập trung ôn lại những chuyện sẽ kể cho Dane nghe. Và đúng là có
quá nhiều điều để nói.
Có phải Dane đó không? Chàng thanh niên cao lớn, tóc vàng đứng ở sân ga
chính là Dane? Dane không khác xưa bao nhiêu, nhưng cũng không còn là
đứa em trai bé nhỏ. Cuộc sống của Dane tạo ra một khoảng cách với
Justine, xa lạ cứ như là hiện giờ Justine đang ở Drogheda.
Khi về đến khách sạn, cậu em trai nói với chị:
- Chị có cảm thấy phiền hà không nếu em mời chị chiều nay uống trà với
vài người bạn của em? Em hơi vội vàng lỡ nhận lời trước rồi. Họ rất muốn
được biết mặt chị...
- Đồ ngu! Tại sao lại phiền hà? Nếu hai đứa mình ở Luân Đôn, chị cũng sẽ
nhận chìm em qua giữa bạn bè của chị thôi. Chị rất vui được biết bạn bè
của em ở tu viện ra sao, dù có thể sẽ chẳng có thú vị lắm. Chắc chắn là
không mê được một chàng trai nào đâu.
Trong phòng ngủ khách sạn, đứng gần cửa sổ, nhìn qua bên ia trong cảnh
lặng im và buồn, xa xa là bức tường bao quanh một nhà thờ, Justine gọi
khẽ.
- Dane!
- Chuyện gì?
- Chị thông cảm em. Chị thông cảm em thật sự.
- Vâng, em biết. Em rất mong mẹ cũng hiểu em, Justine ạ.
- Với mẹ thì khác. Mẹ có cảm tưởng là chúng ta đã bỏ rơi mẹ, nhưng em
đừng âu lo vì mẹ, trước sau gì mẹ cũng chấp nhận thôi.
- Em hy vọng như thế - cậu ta cười - Thật ra chiều này những người chị
gặp không phải là bạn em ở tu viện. Không bao giờ em đẩy chị và các bạn
em vào một thứ bẫy cám dỗ như thế. Chị sẽ gặp Hồng Y De Bricassart. Em
biết chị không có cảm tình với ông ấy nhưng chị hãy hứa với em là chị sẽ
tỏ ra dễ thương.
Trong mắt của Justine thoáng một ánh tinh nghịch.
- Chị hứa với em. Chị sẽ hôn lên tất cả những chiếc nhẫn mà ông ấy chìa
ra.
- Cả Hồng Y Di Contini Verchese cũng có mặt.

Chương 39
Trong phòng, những người đàn ông mặc toàn áo đỏ! Chưa bao giờ trong
cuộc đời của Justine, cô ta lại ý thức rõ ràng sự thừa thãi của những người
phụ nữ trong cuộc sống của một số đàn ông khi bước vào thế giới này.
Justine vẫn mặc bộ đồ màu ôliu khi vừa đến La Mã. Dane thúc hối khiến
Justine không kịp thay quần áo.
Trong cuộc gặp gỡ, Justine có dịp biết mặt Hồng Y Di Contini Verchese
mà trước đây cô chỉ nghe nhắc đến tên. Khi cô quỳ gối xuống hôn chiếc
nhẫn trên bàn tay nhăn nheo, ánh mắt Justine bất chợp gặp đôi mắt u buồn
của Hồng Y và lạ lùng thay cô đọc thấy trong đó một thứ tình thương ở một
người mà Justine chưa từng gặp. Từ năm mười lăm tuổi đến nay, Justine
không có cảm tình với các Hồng Y qua hình ảnh một De Bricassart, vậy
mà mới nhìn ông già này lần đầu, lòng cô đã cảm thấy được sưởi ấm.
Cũng trong buổi uống trà, Justine quen một nhân vật ngoài Giáo hội do
Hồng Y Di Contini Verchese giới thiệu là người bạn rất tốt của ông, Herr
Rainer Moerling Hartheim. Khi buổi uống trà tan, chính Rainer đề nghị
đưa Justine về khách sạn sau khi xin phép Dane. Sau đó, anh ta lại tự
nguyện làm người hộ tống cho Justine trong buổi tối đầu tiên Justine ở La
Mã với lý do Dane bận không đưa chị đi chơi.
Rainer dáng người vạm vỡ, vai rộng và to, hai cánh tay dài như tay của thợ
cắt lông cừu, trông anh ta hơi giống con vượn nhưng thông minh và nhanh
nhẹn. Nước da Rainer sậm, tóc dày và dợn sóng.
Biết bao biến cố đã xảy ra trong cuộc đời của Rainer Moerling Hartheim
từ sau lần gặp Ralph tháng bảy năm bốn mươi ba. Một tuần sau, đơn vị của
anh bị đưa ra mặt trận phía Đông, nơi mà anh trải qua suốt thời gian còn
lại trong chiến tranh. Đau khổ, lạc lõng, chân đứng trong tuyết, không còn
đạn ở một chiến tuyến tan tác đến đỗi cách nhau cả trăm mét mới có một
người lính, anh có đủ thời giờ để nghiền ngẫm các hậu quả của chế độ
Hitler. Trước chiến tranh bùng nổ, anh còn quá trẻ để bị tuyển vào tổ chức
thanh niên của Quốc xã.Chiến tranh chỉ để lại cho anh hai kỷ niệm: một cuộc hành quân khốc liệt
trong giá lạnh cũng khốc liệt không kém và gương mặt của Ralph. Sự ghê
tởm và cái đẹp; ác quỷ và Chúa.
Nửa điên nửa khùng, nửa bị cóng rét, hoàn toàn không còn khả năng tự vệ,
anh run sợ chờ đợi các du kích Nga xuất hiện. Anh đấm tay vào ngực,
miệng lâm râm đọc kinh, nhưng anh không biết anh cầu nguyện gì.
Mùa xuân năm 1945, anh tháo chạy xuyên qua Ba Lan, với mục đích duy
nhất đến được vùng lính Anh và lính Pháp chiếm đóng. Anh xé và đốt giấy
tờ tùy thân, chôn hai huy chương chữ thập sắt, đánh cắp vài bộ quần áo và
ra trình diện với giới chức trách Anh tại biên giới Đan Mạch. Người ta
đẩy anh và một trại di dân ở Bỉ. Tại đó, suốt một năm, anh sống bằng bánh
mì với cháo bột, đó là tất cả những gì mà nước Anh kiệt quệ có thể cung
cấp nuôi hàng chục ngàn con người họ có trách nhiệm gánh vác.
Rainer căm thù Hitler nhưng không căm thù nước Đức và anh không hề
thấy nhục vì mình là người Đức. Dưới mắt anh, nước Đức vẫn là quê
hương. Đầu năm 1947, anh rảo bước trên các con đường ở Aachen không
một xu dính túi. Thân xác và cả tâm hồn anh đều sống sót nhưng nhất định
không phải để trở lại sự nghèo đói và tối tăm. Vì rằng Rainer không chỉ là
một con người đầy tham vọng mà còn là một loại thiên tài. Anh làm việc
cho Grundig và nghiên cứu một thứ đã làm anh say mê từ những ngày đầu
tiếp xúc với rada, đó là điện tử. Đầu của anh ngùn ngụt sáng kiến, nhưng
anh từ chối bán những sang kiến đó cho Grundig. Thay vào đó, anh đánh
giá kỹ thị trường, rồi cưới một góa phụ trước đây có chồng làm chủ hai
xưởng nhỏ về radio, từ đó anh lao vào làm ăn cho riêng mình. Nước Đức
sau chiến tranh dành vô số cơ hội cho những người trẻ dám nghĩ dám làm.
Năm năm mươi mốt, anh ly dị vợ, bồi thường cho bà Annelise Hartheim số
tiền gấp đôi trị giá các xưởng của ông chồng thứ nhất để lại.
Bốn năm sau anh trở thành một trong những người giàu và có thế lực nhất ở
Tây Đức. Vừa được bầu vào Quốc hội Bonn, anh trở lại La Mã, tìm gặp
lại Hồng Y Bricassart và cho ông biết kết quả cuối cùng của những lời cầu
nguyện năm xưa.
Nhưng sau cuộc gặp gỡ, anh chỉ nhớ lại một điều duy nhất là anh đã làmRalph thất vọng. Câu nói của Ralph với Rainer khi chia tay:
- Cha đã cầu nguyện để con trở thành người tốt hơn cha, vì lúc đó con còn
trẻ. Không có một cứu cách nào có thể biện minh cho phương tiện. Nhưng
cha cho rằng tất cả những nguyên nhân đưa đến sự sụp đổ của chúng ta đều
được nén xuống trước khi chúng ta chào đời.
Về đến phòng khách sạn, anh đã khóc nhưng rồi dịu xuống với suy nghĩ:
quá khứ coi như đã đi qua, từ nay về sau mình sẽ trở thành con người mà
ông ấy muốn. Và có khi anh làm được, có khi không thành, nhưng anh luôn
nỗ lực. Tình cảm của anh với các vị chức sắc ở Vatican trở thành một
trong những điều quí giá nhất trên đời và mỗi khi cần chống chỏi lại sự
chán nản là anh bay sang La Mã.
Trong buổi tối nóng nực của La Mã, đi bộ một mình sau khi đã đưa Justine
về khách sạn, đầu óc Rainer lảng vảng ý nghĩ biết ơn người thiếu nữ. Vì
rằng, trong lúc quan sát thái độ chịu đựng của Justine trong cuộc gặp gỡ
các chức sắc cao nhất trong giáo hội, anh đã nghe trong lòng dân lên một
tình cảm hướng về cô gái này.
Con quái vật nhỏ bé đáng yêu ấy, dù bị thương, đầu vẫn giữ bình tĩnh.
Người con gái ấy đủ sức đối đầu với các vị chức sắc mà không hề nhường
bước.
Trong một lần đi dạo ở La Mã, đứng trước đài nước Trevi, Justine hỏi
Rainer:
- Rain, anh có đến Úc lần nào chưa?
Một cảm giác lạnh chạy dài xuống xương sống của Rainer:
- Sau chiến tranh, ở trong trại người Anh quản lý có hai lần tôi suýt bị đưa
đi Úc, nhưng cả hai lần tôi đều tránh được. Nhưng tại sao Justine lại gọi
tôi là Rain?
- Nếu anh đã đến Úc, anh sẽ hiểu rằng anh có một cái tên kỳ diệu và người
ta sẽ gọi anh theo cách của tôi. Rain chứ không phải Rainer. Anh biết rõ
tiếng Anh Rain có nghĩa là mưa. Đó là sự sống giữa sa mạc.
Sững sờ, anh buông rơi điếu thuốc.
- Justine, có phải cô yêu tôi?- Đàn ông bọn anh thật là kiêu ngạo. Rất tiếc phải làm anh thất vọng, nhưng
chuyện ấy không có.
Như để làm dịu lại những điều đã lỡ nói ra, nàng nắm tay Rainer siết mạnh
và nói:
- Dường như giữa chúng ta có điều gì đó hay hơn.
- Điều gì lại hay hơn là yêu?
- Theo tôi, có nhiều thứ. Tôi cần một người như thế và không bao giờ yêu.
- Rất có thể cô có lý. Rõ ràng đó là thứ xiềng xích nếu nó đến quá sớm.
Vậy thì cái gì hay hơn?
- Tìm một người bạn (nàng vuốt nhẹ tay Rainer). Anh là một người bạn của
tôi phải không?
Lần này, không phải Dane chờ Justine ở nhà ga như những lần trước. Anh
rút lại, để cho Rainer thay mình. Rainer không đón mừng Justine bằng một
cái hôn - Anh không thích cái trò biểu diễn kiểu ấy - mà vòng tay qua vai
Justine và siết mạnh.
- Anh giống hệt con gấu, Justine nhận xét.
- Con gấu?
- Lúc đầu khi mới biết anh, em thấy anh giống con khỉ Gorilla hơn là con
gấu. So sánh con khỉ Gorilla xem ra không được dễ thương phải không
anh?
- Vậy là con gấu dễ thương hơn?
- Thật ra loài gấu cũng kết liễu cuộc đời nạn nhân của nó rất mạnh, nhưng
chúng siết... dịu dàng hơn (Justine nắm tay Rainer). Dane thế nào?
- Dane vẫn thế.
- Em ăn mặc theo thời trang kiểu ba mươi mốt của em. Em đã phải lùng
sục tất cả các hiệu may ở Luân Đôn mới có được cái vỏ thế này. Anh có
thích chiếc váy này không? Người ta gọi nó là mini.
- Em đi nhanh tới trước rồi anh sẽ trả lời.
Chiếc váy dài không quá nửa đùi. Đi trở ngược lại về phía Rainer, nàng
hỏi.
- Anh thấy thế nào? Có quá đáng không? Em nhận thấy ở Paris các cô
không mặc ngắn như thế này.- Với đôi chân đẹp như chân em, mặc một chiếc váy dài hơn một li nữa là
gây ra xì-căng- đan ngay. Anh tin chắc rằng thanh niên ở đây đều đồng ý
với anh.
- Anh chọc ghẹo em phải không? - nàng vứa nói lí nhí, chân bước lên chiếc
Mercedes có cắm lá cờ ở phía trước đầu xe. Cờ gì thế?
- Anh vừa được bổ nhiệm vào thành phần chính phủ mới.
- Do đó không còn đáng ngạc nhiên về việc tên em được nhắc đến trong
một bài báo trên tờ News of the World. Anh có đọc bài báo đó chứ?
- Em dư biết anh không bao giờ đọc loại báo lá cải.
- Em cũng vậy. Nhưng một người nào đó đã đưa cho em xem. Tờ báo đặt
câu hỏi: “Cô đào nước Úc ăn khách tóc màu carot có những quan hệ mật
thiết với một thành viên của chính phủ Tây Đức là ai?”
Rainer không trả lời chỉ mỉm cười. Đi chơi bằng xe hơi với Rainer là một
trong những phút êm đềm đối với Justine ở La Mã. Sau đó họ đi thăm
Hồng Y De Bricassart và Hồng Y Di Contini Verchese. Vài ngày sau đến
phiên đoàn người từ Drogheda đến. Rainer mướn một xe nhỏ sang trọng
đón họ về khách sạn. Justine kín đáo theo dõi phản ứng của Rainer khi đối
diện với gia đình nàng gồm chủ yếu các người cậu. Cho đến phút cuối cùng
Justine vẫn còn hy vọng mẹ nàng sẽ thay đổi ý kiến đến La Mã. Meggie
vắng mặt gây cho Justine sự khó chịu. Tuy không phân tích được chính xác
tâm trạng của mình: đau buồn cho Dane hay sự vắng mặt của mẹ gây buồn
khổ cho chính nàng. Nhưng dù thế nào, những người cậu đã đến và nàng có
trách nhiệm tiếp họ.
Ồ! Họ rụt rè làm sao! Khó mà phân biệt bởi càng già họ lại càng giống
nhau. Tại La Mã, họ hoàn toàn khác với xung quanh, đúng là những nhà
chăn nuôi Úc đi nghỉ hè ở La Mã. Cuối cùng Rainer đã có mặt. Anh ấy tỏ
ra rất tốt đối với họ. Mình chưa từng thấy ai có thể gợi chuyện được với
Patsy, thế mà anh ấy làm được. Anh quả là một ẩn số đối với em, Rainer,
bạn của Hồng Y và cũng là bạn của Justine O'' Neill. Phải chi anh ấy bớt
xấu trai một tí, mình sẽ hôn anh ấy cho đúng với lòng biết ơn của mình.
Chúa ơi, bây giờ mới thấy nếu ở La Mã một mình với các ông cậu mà
không có Rain thì sẽ vơ vơ biết chừng nào. Rainer ơi... đúng là anh mangđến sự tốt lành như cơn mưa.
Nhà thờ có thể chứa đến hai ngàn con chiên, do đó vẫn còn chỗ trống.
Không một nơi nào trên thế giới người ta lại dành nhiều thì giờ, suy nghĩ
và sáng tạo như thế cho việc xây dựng một thánh đường. Các công trình
ngoài tôn giáo thời thượng cổ đều trở thành vô nghĩa. Đại giáo đường của
Bramante, nóc tròn của Michelangelo, hàng cột của Bernini. Đó không chỉ
là công trình cung hiến cho Chúa mà còn để ngợi ca con người.
Trong lễ thụ phong linh mục, Dane nằm dài trên các bậc, mặt úp xuống,
như người chết. Anh đang nghĩ gì? Ẩn giấu trong một niềm đau sâu kín vì
mẹ anh đã không đến? Hồng Y De Bricassart nhìn anh qua hàng nước mắt
và hiểu rằng không có nỗi đau nào giày xéo anh hơn. Thân xác anh lúc này
như hòa nhập trong phép lạ. Không còn một chỗ nào dành cho bất cứ điều
gì và ai khác hơn là Chúa. Một ngày như mọi ngày, không có gì quan trọng
hơn là nhiệm vụ phải hoàn thành, đó là hiến dâng cuộc sống và linh hồn
cho Chúa. Rất có thể anh sẽ đạt mục đích nhưng liệu rằng mấy người thật
sự đạt mục đích này? Hồng Y De Bricassart thì không rồi, dù ông nhớ rất
rõ ngày thụ phong ông như ngập tràn trong một sự lo nghĩ thần thánh. ông
đã thử vận dụng tất cả những gì có thể rung động ở trong ông lúc ấy, những
ông vẫn không thể hóa thân một cách trọn vẹn.
Lễ tấn chức linh mục của mình không long trọng bằng hôm nay nhưng qua
người bạn trẻ này mình thấy lại cái ngày đó. Mình phải tự hỏi đích thật anh
ta là ai, bất kể những lo âu của mình, anh ta đã trải qua bao nhiêu năm dài
ở đây mà không gây ra một mối ác cảm nào, đừng nói chi là một kẻ thù thật
sự. Anh được mọi người thương và anh thương mọi người. Vậy mà không
bao giờ anh ta nghĩ đó là một điều phi thường.
Khi anh mới đến đây, Dane thiếu tự tin; chính chúng mình đã mang đến cho
anh cái ân sủng ấy, rất có thể điều đó chứng minh sự hiện hữu cần thiết của
chúng mình. Có rất nhiều linh mục được phong chức ở đây, có hàng ngàn,
hàng ngàn. Tuy nhiên với Ralph, buổi lễ này thật đặc biệt. Meggie ơi! Tại
sao em không đến đây để ngắm nhìn tặng vật em đã hiến dâng cho Chúa?
Tặng vật mà anh không thể hiến dâng cho Người khi bản thân anh đã hiến
dâng.Một lúc sau, ông quay đầu lại, nhìn thấy hàng ghế dành cho những người ở
Drogheda đến trong những bộ quần áo khác thường: Bob, Jack, Hughie,
Jims, Patsỵ Một ghế trống của Meggie, rồi đến Frank. Justine với mái tóc
rực rỡ che khuất dưới cái khăn vuông đăng ten đen là người phụ nữ duy
nhất trong dòng họ Cleary đến đây. Rainer ngồi kế bên nàng.
Ngày hôm nay, hoàn toàn khác; ngày hôm nay, một ngày đặc biệt đối với
ông. Hôm nay, gần như ông có cảm giác là chính ông đã cho ra đời một
đứa con trai. ông mỉm cười và thở dài. Hồng Y Di Contini Verchese đã
cảm nhận gì khi phong chức linh mục cho Danẻ Dane rất đau khổ vì mẹ anh
khống đến La Mã nhưng anh không buồn giận mẹ vì anh tin rằng có một
nguyên nhân nào đó mà anh chưa rõ, anh sẽ về Drogheda hỏi cho biết.
Dane có đúng thai tháng để tự do suy nghĩ sẽ làm gì. Anh có ý định về
Drogheda, trong những lúc phi ngựa qua các bãi chăn cừu, anh sẽ suy nghĩ
thật chín chắn vấn đề ấy. Anh cảm thấy rằng không thể lấy quyết định trước
khi trao đổi với mẹ. Nhưng trước đó, khi gặp mẹ anh sẽ nói thế nào? Anh
cần tập trung can đảm trước khi trở về. Dane rủ Justine cùng đi Hy Lạp
nghỉ ngơi trong mười lăm ngày, hy vọng Justine sẽ có cách làm cho Dane
thêm can đảm để lên máy bay về Drogheda gặp mẹ.
Lúc đầu Justine đồng ý với Dane và thỏa thuận với Rainer là trong khi
nàng đi Hy Lạp thì Rainer trở về với công việc của anh ta ở Bonn. Nhưng
cuộc chia tay giữa Rainer và Justine không suôn sẻ. Rainer chờ đến bảy
năm quen nhau để tỏ tình với Justine nhưng vẫn bị Justine từ chối. Rainer
chờ lâu đến như thế vì anh không tự tin, biết mình xấu trai và dư biết người
mình yêu bất cần tiền bạc lẫn địa vị. Justine từ chối vì trước hết đối với
nàng, tình yêu là sự tước đoạt, gia đình là sự chấm dứt tự do. Vả lại nàng
chưa tin chắc là nàng yêu Rainer.
Nhưng khi Rainer đi rồi, còn lại một mình trong phòng khách sạn, nàng
mới nhận ra sự trống vắng khủng khiếp trong lòng.
Quái quỷ nữa là chạm mặt ông cậu nào họ cũng hỏi Rainer đâu.
- Rainer là một tay tuyệt lắm, Hughie nói, đôi mắt sáng lên.Kinh ngạc, bỗng chốc Justine hiểu rằng tại sao trong những ngày qua nàng
được các ông cậu quan tâm đến thế. Trước kia giữa các ông cậu và nàng
gần như không có một dính dấp nào. Dưới mắt các ông, nàng trở nên quan
trọng chỉ vì nàng đã gắn với một người đàn ông mà các ông đón nhận làm
thành viên của gia đình.
Trở lên phòng, đầu óc nàng quay cuồng. Đúng là Rainer yêu mình.
Nhưng khi nàng muốn gặp Rainer qua điện thoại thì cô phụ trách tổng đài
cho biết Rainer đã rời khách sạn đi Bonn. Justine quyết định không đi Hy
Lạp với Dane và tin rằng Dane sẽ hiểu nàng. Dane vẫn muốn nàng lấy
Rainer làm chồng.
Rainer thân mến của em (bức thư ngắn bắt đầu như thế), em rất ân hận tối
hôm đó đã trốn chạy anh như một con dê cái hốt hoảng; em không hiểu em
đã mắc chứng gì. Có lẽ do một ngày mệt mỏi và bao nhiêu chuyện tiếp đó.
Em mong anh tha lỗi cho cách xử sự rất thiếu tế nhị của em. Em thấy mắc
cỡ vì một chuyện không đáng gì. Vì em nghĩ rằng buổi lễ và những việc
tiếp đó cũng làm cho chính anh mỏi mệt, từ đó mà có lời tỏ tình của anh.
Cho nên, em đề nghị: xin lỗi anh và về phía em, em cũng tha thứ cho anh.
Chúng ta vẫn là bạn với nhau, em mong như thế. Em không thể nào chịu
đựng sự lạnh nhạt với anh. Lần sau anh đến Luân Đôn, em chờ anh cùng ăn
tối tại nhà em và chúng ta sẽ lập lại hiệp ước hòa bình theo nghi thức hẳn
hoi.

Như mọi khi, dưới bức thư ký Justine. Nhận được thư, Rainer nhíu mày
suy nghĩ, cố tìm hiểu ý nghĩa thật của những dòng chữ tầm thường được
viết vội vàng. Không thể chối cãi, đó là lời kêu gọi thân thiện, nhưng ngoài
ra còn gì nữa? Tại sao Justine không đi Hy Lạp với Dane mà lại quay trở
về Luân Đôn? Rainer không dám tin rằng Justine thay đổi quyết định vì
anh, nhưng anh vẫn để hy vọng len vào trong tâm tư.
Chiều thứ bảy, Rainer từ Bonn đến La Mã và trình diện với Justine tại nhà
nàng. Cuộc gặp gỡ lần này kết thúc trên giường.
Sáng hôm sau, Justine thú nhận:- Em trở về Luân Đôn để nhận vai Desdemona nhưng mặt khác cũng vì
anh. Em không thể nào sống bình thường được từ khi anh hôn em ở La Mã,
anh dư biết điều ấy. Anh là một con người rất thông minh, Rainer Moerling
Hertheim.
- Vừa đủ thông minh để rằng anh muốn em làm vợ ngay từ khi anh mới gặp
em.
- Làm vợ? Nàng bật dậy hỏi.
- Vâng, làm vợ. Nếu anh có ý định lấy em làm tình nhân thì anh đã chiếm
đoạt em từ nhiều năm. Anh hoàn toàn có khả năng làm việc đó. Anh biết bộ
óc của em vận hành như thế nào; cũng tương đối dễ thôi. Chỉ có một lý do
duy nhất ngăn chặn anh, đó là vì anh muốn lấy em làm vợ, mặc dù lúc đó
anh vẫn biết em chưa có ý định lấy chồng.
- Bây giờ em vẫn không chắc có ý định ấy.
- Justine, không phải một trò đùa đâu và anh không phải là một người đàn
ông để người khác đùa giỡn. Chúng ta có thời giờ để suy nghĩ. Hơn ai hết
em biết anh kiên nhẫn như thế nào. Riêng về phía em, phải thấy rằng đám
cưới là giải pháp duy nhất mà em có thể chọn lựa. Hãy loại ra khỏi đầu em
bất cứ ý tưởng nào khác. Anh không chấp nhận giữ vai trò nào khác bên
cạnh em ngoài vai trò làm chồng.
- Em sẽ không bao giờ chịu rời bỏ sân khấu! Justine hét to lên, như sẵn
sàng gây chuyện.
- Anh đòi hỏi chuyện đó bao giờ? Đã đến lúc em phải khôn lớn lên chớ
Justine. Mới thoạt nghe em, người ta tưởng anh định kết án chung thân em
trong vai nội trợ và bếp núc. Chúng ta không nghèo khó đến thế đâu. Em có
thể sử dụng bao nhiều người phục vụ tùy ý em, những vú em cho các con
và tất cả những gì em muốn.
- Không đâu! Justine kêu lên. Nàng chưa nghĩ đến chuyện con cái.
Rainer cười ngất.
- Ồ! Đây đúng là cái mà người ta gọi là sự phục thù của sáng ngày hôm
sau! Anh lại hành động như một thằng ngốc đặt em quá đột ngột trước
những thực tế. Nhưng lúc này đây anh chỉ yêu cầu em hãy nghĩ đến chuyện
đó. Tuy nhiên, anh báo trước với em... Khi quyết định, em đừng quên rằng
nếu anh không làm chồng em, thì anh cũng không là gì hết.
Nàng choàng hai tay lên cổ Rainer, bám chặt người anh như khống muốn
buông ra.
- Ồ! Rainer! Anh đừng gây cho em nhiều khó khăn như thế!

Một mình lái chiếc xe đua Lagonda, Dane đi qua vùng Đông Bắc nước Ý,
ghé lại Trieste - thành phố mà anh rất thích - hai ngày, nghỉ ngơi bên bờ
biển Adriatic rồi tiếp tục cuộc hành trình vào lãnh thổ Nam Tư. Từ đây
anh đến biên giới Hy Lạp, đi vào thị trấn Evzone giữa lúc đất nước này
đang sôi sục không khí cách mạng. Tại thị trấn Evzone ban đêm hàng ngàn 
ngọn đuốc cháy đỏ rực, đám đông hô to từng lúc “Pap-andre-ou! Pap andre-ou!

Nóng lòng đến Athenes sớm, anh không dừng trạm nào lâu. Tại thủ đô Hy
Lạp, không khí còn sôi sục hơn, dân chúng quyết tâm ủng hộ Papandreou
lên nắm quyền. Dane không thích sự ồn ào, anh gởi chiếc Lagonda vào một
gara và lên tàu đi ra đảo Crete. Nơi đây, giữa những cây ôliu, cây bách lý
hương hoang dại và giữa núi non, Dane tìm được sự yên tĩnh. Anh mướn
một phòng nhỏ ở một quán trọ quét vôi màu trắng. Buổi trưa chỉ có tiếng
ve kêu.

Trong sự im vắng của sáng hừng đông, Dane làm lễ một mình, sau đó đi
dạo cả ngày. Không ai quấy rầy anh và anh không quấy rầy ai. Nhưng trên
đường đi qua, những cặp mắt u buồn của người dân quê ở đảo tò mò nhìn
theo anh và trên mặt nhăn nheo của họ cũng có những nụ cười. Trời nóng,
tất cả nghe yên tĩnh và uể oải.
Âm thầm, Dane cầu nguyện trong trạng thái xúc động. Lạy Chúa! Người đã
ban phúc cho con hơn những gì con xứng đáng. Con phải làm gì cho Người
để bày tỏ với Người sự biết ơn của con? Con chưa trải qua nhiều đau khổ,
cuộc đời con chỉ là một niềm vui dài, vô tận, từ khi con bắt đầu phụng sự.
Vì Người, con phải khổ đau. Người biết điều ấy vì người đã khổ đau. Chỉ
qua sự đau khổ con mới có thể vượt lên trên chính bản thân mình và hiểu
được Người hơn. Thế mới là ý nghĩa của cuộc đời này: một giai đoạn
chuyển tiếp đưa đến sự cảm thông huyền bí của Người. Hãy cắm ngọn giáovào lòng ngực con, đâm sâu đến mức con không thể rút ra. Hãy làm cho
con đau khổ... Vì Người, con từ bỏ mọi kẻ khác, kể cả mẹ con, chị con và đức Hồng Y. Duy nhất Người là niềm đau và cũng là niêm vui của con.
Hãy lăng nhục con và con sẽ hát lên những lời tán tụng Người. Hãy tiêu
diệt con và con sẽ mãn nguyện. Con yêu Người, một mình Người mà thôi.
Dane xuống một bãi nhỏ mà mấy ngày qua anh vẫn thường tắm. Có hai
thanh niên người Anh nằm phơi nắng, người đỏ như tôm luộc, họ nói
chuyện với nhau giọng Oxford; cách xa một chút, hai cô gái đang trao đổi
với nhau một cách lười biếng bằng tiếng Đức.
Dane nhìn về phía hai cô gái, hơi rụt rè, sửa lại cái quần tắm ngay ngắn.
Hai cô gái ngưng không nói chuyện với nhau, ngồi bật dậy chỉnh lại mái
tóc rồi mỉm cười với Danẹ
- Chào các anh. Hôm nay thế nào? Dane quen mặt hai anh chàng thanh niên
này, không ngày nào thiếu mặt họ ở bãi.
- Tuyệt vời, ông bạn! Nhưng hãy coi chừng nước xoáy... Tụi này không
dám tắm. Chắc là có bão đâu đó ở ngoài khơi.
- Cảm ơn bạn, Dane cười đáp lại.
Anh chạy ra hướng những đợt sóng nhỏ đang vỗ nhẹ vào bờ hiền hòa, rồi
với sự tự tin của một tay bơi giỏi anh phóng người xuống nước.
Kinh ngạc! Mặt nước phẳng lặng đến mức Dane không nghĩ rằng phải tìm
cách chống chỏi lại với dòng nước mạnh kéo rút hai chân anh ở phía dưới.
Tuy nhiên chẳng có gì đáng lo ngại, Dane là một tay bơi cừ. Đầu nghiêng
phân nửa dưới nước, anh rẽ sóng một cách thong thả, tận hưởng cái mát
rượi thấm vào da thịt và cảm giác thoải mái hoàn toàn. Khi anh ngừng bơi,
nhìn lên bờ, thì hai cô gái Đức vừa cột chặt xong mũ giữ cho tóc không
ướt, đang cười giỡn chạy xuống nước.
Dane dùng hai bàn tay làm loa hét to bằng tiếng Đức báo cho hai người
không nên ra xa, coi chừng nước rút. Hai cô gái cười vang ra hiệu với
Dane là đã hiểu. Ngả đầu phân nửa dưới nước, anh lại tiếp tục bơi và hình
như bên tai nghe một tiếng kêu cứu. Anh tiếp tục bơi một đoạn rồi dừng
lại, dùng hai chân đạp nước đứng tại chỗ. Đúng là có tiếng ai kêu cứu.
Quay đầu lại, anh thấy hai cô gái đang chới với, hoảng hốt, miệng hét liên tục. Tay đưa cao lên, một trong hai người đang chìm xuống.
Anh bơi nhanh đến. Những cánh tay cuống cuồng chụp lấy anh, kéo anh và
nhận chìm xuống; anh tìm được cách kèm chặt một người và đánh một cú
đấm vào cằm; tiếp đó anh dùng đâu gối thúc mạnh vào xương sống người
kia khiến cô này cũng choáng váng. Anh bơi ngửa kéo cùng lúc hai người -
giờ đây không vùng vẫy nữa, lần vào trong cạn. Lúc đó mới thấy hai thanh
niên người Anh xuất hiện, tiếp tay đưa hai cô gái Đức lên bãi cát. Dù mệt
nhừ người, Dane vẫn mỉm cười. Phần của anh đã xong, bây giờ đến phần
của hai anh chàng người Anh. Trong khi anh thả người trên mặt nước để
nghỉ mệt, dòng nước lại cuốn rút anh một lần nữa. Hai châm anh không
chạm được đất, suýt nữa anh gặp nạn. Nếu không có anh, hai cô gái Đức
chắc chắn đã bị chết đuối; mấy thanh niên Anh không đủ sức và cũng không
được tập dợt đầy đủ để cứu hai người.
Giữa lúc Dane thả nổi trên mặt nước, đột ngột một cơn đau nhói như có gì
nổ tung lồng ngực, cảm giác đau nhức khủng khiếp như có một ngọn giáo,
một cây lao nướng đỏ cắm thẳng vào tim. Đau đớn không thể chịu nổi, xé
cả ruột gan. Anh thét lên, đưa hai tay cao khỏi đầu, toàn thân cứng lại, bắp
thịt co giật; cơn đau càng dữ dội buộc anh hạ hai tay xuống, đan chéo nhau
ôm lấy ngực, hai đầu gối rút lên bụng. Ôi, tim tôi! Tôi bị một cơn đau tim.
Tôi sắp chết! Tôi không muốn chết đâu! Chưa muốn chết trước khi tôi bắt
đầu nhiệm vụ, khi mà tôi chưa kịp có những thử thách. Chúa nhân từ hãy
cứu con! Con không muốn chết, con không muốn chết. Những cơn co giật thưa dần, người mềm ra, Dane nằm ngửa, hai cánh tay
giang rộng phập phồng trên mặt nước. Xuyên qua hai hàng lông mi ướt
đẫm, anh nhìn vòm trời ở xa, thật xa trên cao, thật cao. Thế là đã kết thúc;
đúng là ngọn lao của Người, ngọn lao mà lòng kiêu hãnh của con đã van
xin Người ban cho cách đây không đầy một tiếng đồng hồ. Hãy cho con
một đặc ân được đau đớn. Người hãy làm cho con đau đớn. Bây giờ khi sự
đau đớn xuất hiện, con lại cưỡng lại, không tận hưởng được tình yêu trọn
vẹn. Chúa nhân từ, nỗi đau của Người! Con phải đón lấy, con không được
chống lại, con không được chống lại ý muốn của Người! Nếu đó là ý muốn
của Chúa thì ý muốn của Người đã được thực hiện. Như một đứa trẻ, conxin trao thân này trong vòng tay hộ mệnh của Người. Người vô cùng nhân
đức đối với con. Tại sao Người ban cho con nhiều thế trong khi con không
xứng đáng nhận những ân sủng của Người? Sự đau đớn, sự đau đớn! Người
vô cùng nhân từ đối với con. Người đừng để kéo dài, con van xin Người.
Sự đau khổ của con sẽ ngắn và nhanh chóng kết thúc. Chẳng bao lâu con sẽ
nhìn được mặt Người, nhưng bây giờ, trong khi con còn ở cõi đời này, con
cảm ơn Người. Sự đau khổ! Đức Chúa Trời hiền lành của con. Người quá
nhân từ đối với con. Con yêu Người!
... Hai thanh niên người Anh báo với một căn cứ không quân Mỹ đóng gần
đó tìm kiếm Dane. Xác của Dane được mang vào bờ lúc năm giờ chiều,
phân nửa mặt trời khuất sau vách đá.
Qua sổ thông hành của Dane, người ta đọc thấy nơi ghi “thân nhân gần
nhất” địa chỉ của Justine tại Anh.
__________________
Chương 40
Điện thoại reo. Lúc đó chín giờ sáng, Justine còn đang ngủ. Nàng thầm rủa
phương tiện văn minh quỷ quái này, thề rằng sẽ cắt dây điện thoại không
thèm sử dụng nó nữa.
Nhưng điện thoại vẫn reo liên tục Biết đâu người gọi đó là Rainer. Ý nghĩ
đó kéo Justine trở về với cuộc sống.
- A lô, Justine O'' Neill?
- Phải rồi, Justine đây.
- Chúng tôi là Hội người Úc ở Aldwych.
Justine thất vọng vì không phải Rainer.
- Vâng, tôi nghe rõ.
Nàng chưa tỉnh ngủ, tiếp tục ngáp, mắt vẫn nhắm.
- Em trai cô có phải là ông Dane O'' Neill?
Mắt Justine mở ra.
- Đúng thế.
- Người đó đang ở Hy Lạp phải không cô O'' Neill?
Hai chân của Justine đang đứng trên thảm như lún xuống.- Vâng, đúng thế.
Justine không muốn nghĩ đến việc giải thích với người đang liên lạc rằng
đó là linh mục O'' Neill chứ không phải là ông O'' Neill.
- Cô O'' Neill, tôi rất tiếc phải báo với cô một tin không haỵ
- Một tin không hay? Một tin không hay à? Tin gì vậy? Có chuyện gì xảy
ra? Dane đã bị gì?
- Tôi lấy làm tiếc mà tin cho cô hay rằng em trai của cô, ông Dane O''
Neill đã chết đuối ở Crete, trong một tình huống rất dũng cảm. Theo những
tin tức tôi nhận được, ông ấy chết trong khi cứu một người đang lâm nguy ở
bờ biển. Tuy nhiên, như cô đã biết, Hy Lạp dang có biến động cách mạng
và các tin tức mà chúng tôi nhận được không đầy đủ, rất có thể không chính
xác.
Máy điện thoại đặt trên chiếc bàn, sát vách tường mà Justine đang dựa
vào, hai đầu gối của nàng cứ mềm ra. Justine tụt dần xuống đất, ngồi thu
mình trên sàn nhà nấc lên những tiến đứt quãng nghe như vừa là tiếng cười
vừa là tiếng khóc hòa lẫn tiếng thở hổn hển mệt nhọc. Dane chết đuối...
Dane chết... Crete , Dane, chết đuối... Chết... chết.
- Cô O'' Neill? Cô còn đó không, cô O'' Neill? Bên kia đầu dây hỏi dồn
dập.
- Chết. Chết đuối... Em trai tôi!
- Cô O'' Neill, hãy trả lời!
- Vâng, vâng, vâng! Trời ơi tôi vẫn ở đây.
- Theo chúng tôi biết, cô là thân nhân gần nhất của ông Dane O'' Neill.
Chúng tôi phải xin ý kiến của cô về việc giải quyết như thế nào. Cô O''
Neill, cô vẫn chưa nghe chứ?
- Vâng, vâng...
- Cô muốn người ta giải quyết thế nào về xác ông ấy?
Xác! Em tôi là một cái xác! Và người ta cũng không cần phải nói rõ xác
của em tôi mà chỉ là cái xác thôi. Dane, Dane của chị. Em là một cái xác.
- Thân nhân gần nhất của Dane? Tôi không phải là thân nhân gần nhất của
Dane; tôi nghĩ đúng nhất là mẹ tôi.
Ngừng một lúc.- Thế thì rất phiền phức, cô O'' Neill. Nêu cô không phải là thân nhân gần
nhất của ông ấy, chúng tôi lại mất thêm một thời gian quí báu. Hình như cô
không hiểu hiện nay cuộc cách mạng đang bùng nổ ở Hy Lạp và tai nạn lại
xảy ra ở đây. Mọi liên lạc giữa đảo này với Athens hoàn toàn bị cắt và
chúng tôi nhận được lệnh phải báo cho biết quyết định của thân nhân gần
nhất liên quan đến thi thể nạn nhân. Mẹ cô có ở đấy không? Tôi có thể nói
chuyện với bà không, rất cảm ơn.
- Nhưng mẹ tôi không có ở đây; bà hiện ở Úc.
- Ở Úc? Trời ơi, càng lúc càng rắc rối! Chúng tôi lại phải gởi một bức
điện sang Úc, lại trễ nữa. Nếu cô không phải là thân nhân gần nhất, cô O''
Neill, thì tại sao em trai cô lại ghi tên cô nơi dành để ghi chú chi tiết này
trên sổ thông hành?
- Tôi không biết - nàng nói, bất chợt nàng nhận ra mình đang cười.
- Cô cho tôi địa chỉ của mẹ cô ở Úc, chúng tôi sẽ đánh điện tín cho bà hay.
Chúng tôi phải biết được một cách dứt khoát cách giải quyết thi thể của
ông Dane như thế nào. Việc trao đổi điện tín trễ mất ít nhất cũng mười hai
tiếng đồng hồ. Tôi rất mong cô hiểu cho. Mọi chuyện đã khó khăn rồi
không kể việc bất trắc này nữa.
- Vậy ông nên gọi điện thoại cho mẹ tôi. Đừng mất thì giờ với những bức
điện tín.
- Quỹ của chúng tôi không cho phép sử dụng các cuộc điện đàm quốc tế,
cô O'' Neill ạ. Người liên hệ ở đầu dây nói bằng một giọng gay gắt. Xin cô
vui lòng cho tôi địa chỉ của mẹ cô.
- Bà Meggie O'' Neill, Drogheda, Gillanbone, New South Wales, Úc.
Nàng nói một hơi như đọc kinh.
- Một lần nữa, tôi xin thành thật chia buồn cùng cô O'' Neill.
Justine buông điện thoại, ngồi phệt xuống đất. Chắc có một sự lầm lẫn nào
đó, rồi tả cả chuyện này sẽ sáng tỏ. Dane bị chết đuối trong khi Dane lại
lội giỏi như cá? Không, không thể được.
Nhưng đó là sự thật, Justine ơi, mày biết rõ như thế; mày từ chối không đi
với Dane để bảo vệ Dane và Dane đã chết đuối. Mày là người che chở của
Dane từ khi Dane còn bé và đáng lý mày phải có mặt ở đó. Nếu mày khôngthể cứu Dane thì mày cũng nên có đó để chết cùng Dane. Thế mà mày đã
không đi cùng với Dane, chẳng qua chỉ vì mày muốn về Luân Đôn để ngủ
với Rainer.
Thật khó tưởng tượng. Tất cả đều rất khó. Không có bộ phận nào trong
người nàng chịu hoạt động, kể cả đôi chân. Justine ngồi dưới đất. Nàng
không thể ngồi dậy. Nàng sẽ không bao giờ ngồi dậy được nữa. Trong tâm
tưởng của nàng không có chỗ dành cho ai khác ngoài Dane, đâu óc nàng
quay tròn càng lúc càng hẹp lại chung quanh Dane. Ôi, lạy Chúa! Tin tức
sẽ về đến đó, sẽ gây đau thương cho mẹ và cho tất cả những người khác.
Mẹ không có được niềm hạnh phúc ngắm nhìn lần cuối cùng gương mặt
ngây ngất, nhập thần của Dane tại La Mã. Bức điện tín có thể đến đồn cảnh
sát ở Gilly, nàng nghĩ bụng. Và ông trung sĩ già Ern sẽ lên xe hơi đi suốt
đoạn đường dài đến Drogheda để báo với mẹ rằng con trai của bà đã chết.
Ông ấy không phải là người thích hợp với nhiệm vụ này, ông là người xa
lạ. Thưa bà O'' Neill, tôi xin phép được bày tỏ những lời chia buồn xúc
động nhất, con trai bà đã chết. Những lời lẽ lễ phép, khuôn sáo, rỗng
tuếch... Không! Tôi không thể để xảy ra như thế, bà cũng là mẹ của tôi!
Không thể theo cái cách mà tôi đã nhận hung tin, không thể theo cách đó.
Nàng đặt máy điện thoại lên đầu gối, cầm ống nghe và quay số điện đàm
quốc tế.
Chính Meggie nghe điện thoại, lúc ấy đã khuya. Fiona đã đi ngủ. Thời gian
gần đây bà thường về phòng sớm, thích ngồi trên giường nghe tiếng dế và
ếch kêu rồi ngủ gà ngủ gật trên cuốn sách và nhớ lại chuyện xưa.
- A lô?
- Thưa bà O'' Neill, có điện thoại từ Luân Đôn. Tiếng nói của Hazel từ
tổng đài ở Gilly.
- A lô, có phải Justine không? Meggie hỏi một cách bình thản vì thỉnh
thoảng Justine vẫn điện thoại hỏi thăm bà.
- A lô, thưa mẹ. Có phải mẹ không?
- Mẹ đây, Meggie trả lời dịu dàng, bà nhận ra lời nói hoảng hốt của con
gái.- Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ ơi, Dane chết rồi, Dane chết rồi mẹ ơi!
Vực thẳm lộ ra dưới chân Meggie, và bà rơi xuống đó, tiếp tục rơi mãi,
bởi vực thẳm không có đáy. Bà có cảm giác như mặt đất đã khép kín lại
trên đầu và bà nhận ra rằng bà sẽ không bao giờ trồi lên được cho đến
ngày nào bà vẫn còn sống. Các thánh thần còn có thể làm gì hơn nữa? Bà
không biết được điều đó khi đặt ra câu hỏi. Nhưng tại sao bà lại đặt ra một
câu hỏi như thế; tại sao bà lại không thể biết trước điều đó? Đừng thách
thức các thánh thần, các vị chỉ chờ có thế. Chối từ đi La Mã để chia sẻ
giây phút hạnh phúc nhất của đời con mình. Bà tưởng rằng như thế là đã
nộp xong cống vật.
- Justine, con thương yêu, con hãy bình tĩnh. Meggie khuyên con giọng đều
đều không thay đổi. Con bình tĩnh lại và nói rõ cho mẹ biết chuyện gì đã
xảy ra. Con có biết chắc như thế không?
- Hội người Úc gọi điện thoại cho con... Họ tưởng rằng con là người thân
nhất của Dane. Một thằng cha tàn nhẫn cứ hỏi luôn miệng con muốn giải
quyết ra sao thi thể của Dane.
- Chuyện xảy ra như thế nào Justine? Ở đâu? ở La Mã à? Tại sao Ralph
không gọi cho mẹ?
- Thưa mẹ không phải ở La Mã. Rất có thể Đức Hồng Y không hay biết. Ở
Crete. Người đàn ông gọi điện thoại cho con bảo rằng Dane chết đuối
trong lúc cứu một người khác. Con muốn ở lại Luân Đôn đóng vai
Desdemona. Con muốn ở lại với Rainer. Phải chi con cùng đi với Dane!
Phải chi con ở bên cạnh em con, biết đâu sẽ không có chuyện gì xảy ra. Ôi
Chúa, bây giờ phải làm gì đây thưa mẹ?
- Dừng lại Justine! Meggie cản ngăn con một cách trìu mến. Đừng lẩn quẩn
với ý nghĩ không hay nghe không? Dane rất ghét như thế, con biết rõ mà.
Tai họa giáng xuống và chúng ta cũng không biết tại sao nhưng bây giờ con
phải bình tĩnh lại, mẹ có mất cả hai con đâu. Con là tất cả những gì còn lại
của mẹ. Justine con của mẹ. Justine! Sao con ở xa mẹ thế. Thế giới quá
rộng lớn, quá rộng lớn. Con hãy trở về Drogheda, mẹ không muốn con cô
độc một mình.
- Không thể được, mẹ. Con phải làm việc. Công việc là chiếc phao duynhất hiện nay của con. Nếu không làm việc, con sẽ điên mất. Con không
muốn gặp ai hết, con không cần sự an ủi, mẹ ạ! Làm sao chúng ta có thể
sống được khi thiếu Dane?
- Justine thương yêu của mẹ, đừng khóc nữa. Con ráng dằn nỗi đau xuống.
Dane không muốn con khóc như thế đâu, con dư biết điều đó mà. Con hãy
trở về nhà và quên đi. Chúng ta sẽ đưa Dane về Drogheda, thế là tự nhiên
Dane lại thuộc về mẹ. Giáo hội không có quyền ngăn trở mẹ, họ không có
quyền. Mẹ sẽ gọi điện thoại cho hội người Úc ngay tức khắc và tòa đại sứ
của ta tại Athenes nếu vẫn có thể liên lạc. Dane phải trở về nhà! Mẹ không
muốn em con nằm xuống ở một nơi nào khác hơn là Drogheda. Chỉ có ở
đây mà thôi và Dane phải về đây. Con cũng về ngay với em con chứ,
Justine?
Ngồi dưới đất, Justine lắc đầu như thể mẹ nàng có thể nhìn thấy. Trở về
nhà ư? Nàng sẽ không bao giờ về nhà. Nếu có Justine đi theo thì Dane đã
không chết. Về nhà và phải nhìn nét mặt của mẹ suốt cuộc đời còn lại sao?
Không, ngay trong ý nghĩ nàng đã không thể chịu đựng nổi điều đó.
- Không đâu, mẹ - Justine nói, gương mặt đầy nước mắt - Con sẽ ở lại đây
và làm việc. Con sẽ trở về nhà với Dane nhưng sau đó con lại qua Luân
Đôn, con không muốn sống ở Drogheda.
Ba ngày liên tiếp, mọi người chìm trong thứ không khí hoang mang và
trống rỗng. Justine ở Luân Đôn, Meggie và gia đình ở Drogheda; tin tức về
cái chết của Dane bị gián đoạn đã kéo dài hy vọng về một điều không thể
xảy ra. Justine tưởng tượng Dane sẽ đập của phòng của nàng bước vào
mỉm cười, giải thích chẳng qua là một sự lầm lẫn nào đấy. Tình hình Hy
Lạp đang sôi sục, có biết bao nhiêu tin tức không chính xác kia mà.
Bốn ngày sau khi Justine nhận được tin tức về Dane, Justine như một cô
gái già. Một buổi sáng nàng mệt mỏi nhắc điện thoại lên và xin liên lạc với
Úc.
- Có phải mẹ không?
- Justine đó hả?
- Con đây, thưa mẹ. Dane đã được an táng, thế là chúng ta không thể đưa
Dane về Drogheda. Bây giờ mình phải làm gì hả mẹ? Nhà chức tráchkhông cho biết gì thêm mà cứ lặp lại là đảo Crete rất rộng và không biết
được vùng đất Dane nằm là gì. Khi con nhận được điện tín, thì Dane đã
đem đi chôn cất. Ngôi mộ của Dane ở một nơi nào đó người ta không nói
rõ và trên bia không ghi một chữ nào. Con không xin được hộ chiếu đi Hy
Lạp, không ai giúp con, đúng là hỗn loạn. Mình làm gì bây giờ hở mẹ?
- Con đến La Mã gặp mẹ, Justine, - Meggie nói với con gái.
Mọi người - ngoại trừ Anne Mueller - đều vây quanh điện thoại, trên mặt
lộ rõ đau thương. Chỉ mới ba ngày mà thấy mấy người đàn ông trong nhà
như già thêm hai mươi tuổi. Fiona thì co quắp lại như một con chim bị
bệnh, xanh xao. Ba cau có, đi tới đi lui trong nhà, miệng lẩm bẩm:
- Tại sao tôi không chết thay cho nó? Tại sao nó phải chết? Tôi già rồi, già
quá rồi! Để cho tôi ra đi có phải là đơn giản hơn không. Tại sao lại là nó
mà không phải tôi?
Meggie lặng nhìn mọi người và đặt điện thoại xuống. Drogheda còn lại bấy
nhiêu người và chỉ có bấy nhiêu, một nhóm nhỏ đàn ông lẫn đàn bà lớn tuổi
mệt mỏi và không còn có thể sinh nở gì được.
- Dane đã mất rồi. Meggie nói. Không ai có thể tìm ra thi thể Dane được.
Nó được chôn cất ở một nơi nào đó trên đảo Crete xa xôi! Không thể để
Dane nằm xuống ở một nơi xa Drogheda đến thế? Tôi sẽ đi La Mã ngay
gặp Ralph. Ông ấy là người duy nhất có thể giúp chúng tạ
Linh mục bí thư của Hồng Y De Bricassart bước vào phòng.
- Thưa Đức cha, con xin lỗi làm bận rộn Đức cha, nhưng có một bà nhất
định muốn gặp cho được Đức cha. Con có giải thích với bà ấy rằng Đức
cha đang chủ trì hội nghị giám mục, rằng Đức cha đang rất bận và không
thể tiếp bất cứ ai lúc này. Nhưng bà ấy khăng khăng rằng bà sẽ ngồi mãi
trước cửa phòng của Đức cha cho đến khi nào Đức cha có thể tiếp.
- Theo cha thì bà ấy có gặp chuyện phiền phức không?
- Chắc là bà gặp chuyện phiền phức lớn thưa Đức cha. Bà yêu cầu con nói
với Đức cha tên bà là Meggie O'' Neill.
Hồng Y De Bricassart đứng phắt dậy; mặt ông biến sắc, trắng bệch như
mái tóc đã ngả màu. Còn vị linh mục bí thư thì hốt hoảng:- Thưa Đức cha, Đức cha có sao không?
- Không có gì đâu cha. Tôi vẫn bình thường xin cảm ơn. Cha hãy hủy bỏ
các cuộc hẹn cho đến khi có lệnh mới và cha mời bà O'' Neill vào đây
ngay. Đừng để cho ai quấy rầy, ngoại trừ Đức Thánh cha có chuyện gì cần
đến.
Linh mục nghiêng người chào cha Ralph và bước ra.
Meggie bước vào, suýt chút nữa Ralph nhìn không ra. Mười ba năm rồi,
ông không gặp lại Meggie. Bã đã năm mươi ba tuổi, còn ông bảy mươi
mốt, không phải chỉ riêng mình Ralph mà cả Meggie cũng đã già. Trên
gương mặt của Meggie ít có nét thay đổi nhưng sự nghiêm khắc đã thay thế
cho sự dịu dàng; sự cứng rắn thay thế cho tâm lý âu yếm. Bà là hình ảnh
của một người tử vì đạo rắn rỏi, có tuổi và cương quyết hơn là một nữ
thánh vốn nhẫn nhục và trầm tư trong những giấc mơ của mình. Meggie vẫn
đẹp lạ lùng hơn bao giờ hết, đôi mắt lanh lẹ vẫn màu nâu và mái tóc rực rỡ
ngả sang màu xám nâu nhạt, hơi giống màu tóc của Dane. Và càng ngạc
nhiên hơn, Meggie lại từ chối nhìn Ralph đủ lâu để ông có thể thỏa mãn sự
khao khát sau bao nhiêu năm không gặp.
Trước một Meggie như xa lạ ấy, Ralph không thể nào đón tiếp tự nhiên
được, ông chỉ cho bà ghế ngồi và không trở lại được cách xưng hô thân
mật xưa kia.
- Mời bà ngồi.
- Cảm ơn, - bà nói cũng cầu kỳ không kém.
Khi Meggie ngồi xuống, ông có thể nhìn rõ bà và nhận ra bàn chân và cổ
chân của Meggie sưng lên rất dữ.
- Meggie! ông kêu lên. Em đã đến thẳng... Không dừng lại nơi nào hết à?
Có chuyện gì thế?
- Vâng, tôi đến thẳng đây. Suốt hai mươi chín giờ đồng hồ ngồi trên các
máy bay từ Gilly đến La Mã tôi không biết làm gì khác hơn là nhìn mây
qua cửa kiếng và suy nghĩ.
- Có chuyện gì? Ông lặp lại, sốt ruột, lo âu, sợ hãi.
Bà ngước nhìn lên, nhìn thẳng Ralph.
Trong đôi mắt lạnh lùng của Meggie, có cái gì đó thê thảm tận cùng khiếncho Ralph phải ớn lạnh. Ông đưa bàn tay đặt lên sau cổ.
- Dane đã chết. - Meggie n3;&i.
Bàn tay đeo chiếc nhẫn Hồng Y tụt xuống, rơi thẳng trên đầu gối như bàn
tay một con búp bê nhồi trấu, toàn thân ông mềm nhũn trên chiếc ghế bành.
- Chết à? Ông hỏi chậm rãi. Dane chết?
- Vâng. Nó chết đuối cách đây sáu ngày ở đảo Crete trong khi bơi ra cứu
hai cô gái bị nước cuốn.
Ông nghiêng người ra phía trước, hai bàn tay đưa lên, chạm mặt.
- Chết? Miệng ông ấp úng. Dane! Dane chết? Thằng bé tuyệt vời ấy... Nó
không thể chết được! Dane... linh mục hoàn toàn... tất cả những gì tôi không
thể có được... Nó có tất cả những gì tôi không có... Nó luôn luôn có được
điều đó... Chúng tôi đều biết như thế... Tất cả chúng tôi đều không phải là
những linh mục thật hoàn chỉnh. Chết rồi ư? Ôi, Đức Chúa Trời nhân ái!
- Ông không có gì phải lo lắng về Đức Chúa Trời nhân ái của ông, Ralph
ạ! Người phụ nữ có vẻ xa lạ ngồi trước mặt ông lên tiếng - Ông có chuyện
khác cần làm hơn. Tôi đến đây để yêu cầu sự giúp đỡ của ông... chứ không
phải làm chứng cho sự đau xót. Trong suốt những giờ ngồi trên máy bay,
tôi không ngừng lặp đi lặp lại những lời lẽ mà tôi sẽ phải nói để báo tin
này cho ông... Tất cả những giờ phút ấy tôi không thể làm gì khác hơn là
nhìn mây qua cửa kiếng. Dane đã chết rồi. Sau một thử thách ghê gớm như
thế, tôi chẳng cần gì đến nỗi đau xót của ông.
Khi Ralph ngước đầu lên thì trái tim tưởng chừng như chết lịm và băng giá
của Meggie giật nẩy lên, se thắt lại. Đúng là gương mặt của Dane rồi
nhưng sao lại hằn lên nét đau khổ.
- Anh có thể giúp được gì cho em, Meggie? ông hỏi giọng đều đều, kìm
chết xúc động để có thể trở lại với vai trò người chăm lo về mặt tinh thần.
- Hy Lạp đang sôi sục cách mạng. Người ta chôn Dane một nơi nào đó ở
Crete mà tôi không biết, chôn lúc nào tôi cũng chẳng hay. Vì không thể liên
lạc, nên người ta tưởng nó đơn độc trên cõi đời này. Tôi muốn người ta trả
lại con cho tôi, Ralph. Tôi muốn người ta tìm Dane và đưa trở về nhà để
nó được yên nghỉ trên mảnh đất Drogheda thân yêu. Tôi đã hứa với Justine
rằng em của nó sẽ được chôn ở Drogheda và chắc chắn phải như thế, chodù tôi buộc phải đi bằng đầu gối tìm kiếm Dane khắp các nghĩa trang ở
Crete. Không bao giờ tôi để cho nó nằm trong một ngôi mN97; của người
tu hành ở La Mã này. Không thể có chuyện đó ngày nào tôi còn thở để đòi
lấy sự hợp lý này. Nó phải về nhà thôi, Ralph ạ.
- Không ai tước đi quyền ấy của em, Meggie - ông nói dịu dàng - Giáo hội
chỉ buộc Dane được yên nghỉ trên đất thánh. Anh cũng thế, anh muốn được
nằm xuống ở Drogheda.
- Tôi không mất thời gì vì những chuyện thủ tục hợp pháp - Bà nói tiếp
không thèm để ý đến câu trả lời của Ralph - Tôi không biết nói tiếng Hy
Lạp và cũng chẳng có quyền hành hay ảnh hưởng gì tại đây. Do đó, tôi phải
nhờ vào quyền hành và ảnh hưởng của ông. Hãy mang trả lại con trai cho
tôi, Ralph.
- Em đừng quá lo lắng, Meggie, Dane sẽ được trả lại cho em, nhưng có lẽ
phải mất một ít thời gian. Cánh tả đang cầm quyền ở Hy Lạp và hiện nay họ
chống giáo hội gay gắt. Tuy nhiên anh không thiếu bạn bè ở đấy và có thể
giúp được. Em cứ để cho anh tiến hành ngay và đừng lo lắng nữa. Đây là
chuyện liên quan đến Nhà thờ công giáo và người ta sẽ giao trả Dane cho
chúng ta.
Đưa tay định nắm dây kéo chuông để gọi linh mục bí thư, nhưng trước cái
nhìn lạnh lùng của Meggie, ông ngừng tay lại.
- Ông không hiểu gì hết, Ralph. Tôi không yêu cầu ông cho tiến hành. Tôi
muốn lấy lại con tôi... Không phải trong tuần lễ tới hay tháng tới, mà ngay
tức khắc. Ông biết nói tiếng Hy Lạp cũng như có thể xin các giấy nhập
cảnh cho ông và cho tôi một cách dễ dàng. Tôi muốn ông cùng đi với tôi
sang Hy Lạp ngay và ông giúp tôi tìm lại con tôi.
Ánh mắt của Ralph chứa đựng nhiều tình cảm lẫn lộn: âu yếm, trắc ẩn, xúc
động, xót xa. Trong ánh mắt ấy còn có cả sự tỉnh táo.
- Meggie, anh thương con em như con của anh, nhưng anh không thể rời La
Mã lúc này. Anh không được tự do hành động theo ý muốn của anh... Đáng
lý em biết rõ điều đó hơn ai hết. Tình cảm của anh đối với em thế nào em
đã rõ và dù nỗi đau khổ của anh có nặng trĩu đến đâu, anh vẫn không thểrời La Mã ngay giữa thời kỳ hội nghị! Hội đồng giám mục. Anh đang làm
phụ tá cho Đức Thánh Cha.
Ngồi bật ra phía sau, bàng hoàng như bị xúc phạm, Meggie lắc đầu, nhếch
miệng cười mỉm cay đắng như đang chứng kiến một trò hề. Nàng bắt đầu
run lên, liếm môi như sắp lấy một quyết định rồi ngồi thẳng, ngay ngắn,
cứng nhắc.
- Có thật ông thương con của tôi như nó là con của ông không, Ralph? ông
sẽ hành động ra sao nếu đó là con của chính ông? Có thể nào ông lại tiếp
tục ngồi đây và nói với mẹ của nó rằng “Không, tôi lấy làm tiếc; tôi không
thể nào bỏ công việc được”. Ông có thể nói như thế với mẹ của con ông
chứ?
Đôi mắt của Dane - nhưng thật thật ra không phải của Dane - nhìn bà, hốt
hoảng, tràn đầy đau khổ, bất lực.
- Anh không có con, ông nói. Nhưng anh đã học ở con em rất nhiều điều
như phải biết vượt qua những khó khăn tệ hại nhất và luôn hướng về Chúa
bằng tấm lòng chân thật.
- Dane chính là con của ông, - Meggie đột ngột nói.
Ralph nhìn bà bằng cái nhìn trống rỗng, nói hoảng hốt:
- Cái gì?
- Tôi muốn nói rằng Dane chính là con của anh. Khi em rời khỏi Matlock,
em đã có thai, Dane là con của anh chứ không phải của Luke O'' Neill.
- Không thể... như thế được!
- Em không có ý định nói cho anh biết điều đó, ngay cả bây giờ em cũng
chẳng muốn nói như thế đâu. Anh nghĩ em nói láo với anh chăng? Để làm
gì?
-... Để tìm cách lấy lại Dane? Đúng thế. ông nói bằng một giọng rất thấp.
Meggie bước tới, đứng trước Ralph. Giờ đây ông ta chỉ còn là một khối
bất động trong chiếc ghế bành bọc gấm màu vàng rực. Meggie cầm đôi bàn
tay gầy, nhăn nheo đặt vào tay mình, nghiêng mình xuống và hôn chiếc
nhẫn, hơi thở làm mờ viên hồng ngọc.
- Ralph à! Trên tất cả những điều thiêng liêng nhất, em xin thề rằng Dane là
con của anh. Nó không phải và không thể nào là con của Luke được. Emxin thề với anh điều đó. Em xin thề trên vong hồn của con chúng ta như thế.
Tếng kêu rên siết của Ralph chẳng khác gì lời than vãn của một linh hồn
vừa bước qua các cửa địa ngục. Ralph tuột khỏi chiếc ghế, buông người
sụp xuống tấm thảm đỏ thắm, ông khóc, gương mặt giấu trong hai cánh tay
khoanh lại, những ngón tay bấu chặt vào tóc.
- Phải, anh cứ khóc đi! Meggie nói. Bây giờ anh đã biết rồi thì anh cứ
khóc! Cũng đúng thôi, một trong những người thân nhất của Dane được nhỏ
những giọt nước mắt cho con. Khóc đi, Ralph. Trong suốt hai mươi sáu
năm, em đã có đứa con, con của anh; nhưng còn anh thì không hề hay biết
nó là con của anh. Anh không nhìn ra, anh không nhận ra nó là anh, là một
nửa con người của anh! Khi mẹ em kéo Dane ra khỏi bụng em, mẹ đã biết
ngay nó là con của anh, nhưng anh thì không hề biết. Bàn tay của anh, bàn
chân của anh, gương mặt của anh, thân hình của anh. Chỉ có màu tóc là của
em. Bây giờ thì anh đã hiểu rồi chứ? Khi em gởi Dane đến đây, em đã nói
trong bức thư gởi anh: “Cái gì em đã đánh cắp của anh, em xin trả lại cho
anh”. Anh còn nhớ chứ? Cả hai chúng ta đã ăn cắp Dane, anh ạ. Chúng ta
đã ăn cắp cái mà anh đã hiến cho Chúa, do đó cả hai chúng ta phải trả giá
mà thôi.
Meggie quay trở lại ngồi vào chiếc ghế của mình, khắc khổ, tàn nhẫn, nhìn
khối đỏ chói nằm rên rỉ dưới đất.
- Em đã yêu anh, Ralph, nhưng anh chưa bao giờ thuộc về em cả, Dane là
tất cả những gì mà em có thể giành được ở anh. Em đã thề rằng anh sẽ
không bao giờ biết được điều đó, rằng anh không bao giờ có khả năng lấy
lại. Thế nhưng, nó đã tự nguyện về với anh, do chính ý muốn của nó. Nó
coi anh như là hình ảnh của một linh mục lý tưởng. Em suýt nữa cười phì!
Nhưng không đời nào em lại trao cho anh một thứ vũ khí bằng cách thú
nhận với anh nó là con của anh, trừ khi sự việc đã xảy ra như thế này thì
em mới thấy cần phải nói với anh điều đó, mặc dù bây giờ cũng chẳng còn
gì là quan trọng nữa. Dane không thuộc về ai trong hai chúng ta mà thuộc
về Chúa.
Chương 41Hồng Y De Bricassart thuê một chiếc máy bay riêng ở Athens; ông,
Meggie và Justine đưa Dane về quê nhà, ở Drogheda. Những người sống
ngồi im lặng, người chết lặng im nằm trong quan tài, không còn biết đòi hỏi
gì ở cõi đời này nữa.
Trong căn phòng ảm đạm, Ralph trầm ngâm: “Ta có bổn phận làm lễ và
đọc kinh cầu hồn cho Dane, con của ta. Con ơi con là máu thịt của ba.
Đúng thế, Meggie anh tin em; ngay khi anh vừa lấy lại hơi thở sau cơn xúc
động, anh đã tin em; và anh sẽ tin mãi mãi dù em không nói lên lời thề dữ
dội. Vittorio đã biết ngay lần đầu tiên ông gặp Dane. Fiona cũng thế, Anne
Mueller cũng thế... Chỉ có anh... Dane ơi, ba nhớ lại tiếng cười của con
sau bụi hồng khi ba gặp con lần đầu hồi con còn bé... Và đôi mắt ngước
nhìn của con không hề khác đôi mắt của ba thời thơ ấu chút nào “.
Ralph de Bricassart! Tại sao ông đứng yên, hãy mở miệng đi và nói thành
lời, hãy ra lệnh cho đôi tay làm phép lành, hãy bắt giọng cho bài thánh ca
dành cho người đã chết. Đó là con của ông, ông yêu nó hơn cả mẹ nó kia
mà. Vâng, hơn cả mẹ nó nữa! Vì rằng nó chính là ông, là hiện thân của ông
được đúc lại trong một khuôn hoàn hảo.
In Nomine Patris, et Fillii, et Spiritus Sancti...
Nhà thờ riêng của gia đình Cleary đầy người. Tất cả những ai cần có mặt.
Gia đình King, O'' Rourke, Havies, Pugh, Mac Queen, cùng những người
sống chết với Drogheda.
Hy vọng đã tàn, ánh sáng đã tắt. Linh mục Dane O'' Neill nằm đó trước bàn
thờ, trong một quan tài hàn chì phủ hoa hồng.
Tại sao hoa hồng luôn nở rộ vào mỗi dịp Ralph trở về Drogheda? Bây giờ
là tháng mười, ngay giữa mùa thu. Hoa hồng sặc sỡ thật đúng lúc.
Sanctus... Sanctus... Sanctus...
Con phải nhớ Thánh của các vị Thánh đang ngự trị trong con. Dane của ba,
con trai tuyệt vời của ba. Như thế này mà tốt hơn đấy. Ba không muốn con
đi theo con đường của ba chút nào, cũng chẳng muốn con đến nơi mà ba đã
đến. Ba không biết điều gì đã khiến ba nói với con những lời lẽ này. Con
không còn đi theo con đường mà ba đã đi, con chẳng bao giờ cần như thế
cả Dane ạ. Cái mà ba phải mò mẫm kiếm tìm, con đã tìm thấy bằng bảnnăng. Người đau khổ không phải là con mà chính là ba và tất cả những
người còn sống. Hãy thương xót họ và khi đến lượt họ, con hãy cứu giúp
tất cả.
Ite, Missa est... Requiescat in peace...
Đoàn người ra khỏi nhà thờ, đi qua một bãi cỏ và những hàng cây bạch
đàn, hồ tiêu thẳng tới nghĩa trang. Dane, con hãy yên giấc, chỉ có những
người được Chúa chọn mới chết trẻ như con. Tại sao chúng ta lại đau xót?
Con may mắn được sớm thoát khỏi cuộc sống mỏi mệt này Chính cuộc
sống này mới là địa ngục; một bản án nô lệ suốt đời ở trần thế. Chúng ta
phải chịu đựng sự đau khổ trong địa ngục này khi chúng ta còn sống là như
thế.
Ngày qua ngày, những người đến dự tang lễ lặng lẽ trở về nhà, họ tránh
chạm mặt nhau. Ánh mắt của Hồng Y De Bricassart có một lúc hướng về
phía Meggie nhưng ông không đủ can đảm nhìn vào mặt nàng thêm lần nữa.
Justine thì đã vội vàng rời Drogheda để kịp lên máy bay đi Sydney và từ
đó về Luân Đôn trong chuyến bay đêm. Tại sao Justine không bảo Rainer
cùng đi theo mình? Nàng dư biết Rainer yêu nàng đến mức nào và anh thiết
tha được ở bên nàng giữa những giây phút này như thế nào. Chính Hồng Y
cũng quên mời Rainer cùng đi dù trước đó nhiều lần ông có dự tính. Đúng
là đầu óc ông lúc ấy đã quá mỏi mệt. Những con người ở Drogheda thật lạ
lùng, họ không muốn có nhiều người vây quanh giữa lúc buồn khổ, họ thích
đối diện một mình với nỗi thương đau.
Sau buổi ăn chiều mà ai cũng tỏ ra lạnh nhạt, chỉ còn Fiona và Meggie
ngồi với Hồng Y trong phòng khách. Không ai nói một lời. Chiếc đồng hồ
mạ vàng nằm trên lò sưởi cẩm thạch buông từng tiếng tích tắc nghe vang to
khủng khiếp. Và ở phòng kế bên, từ bức họa chân dung treo trên cao, Mary
Carson nhìn trừng mắt như thách thức bà ngoại Fiona. Fiona và Meggie
ngồi cùng một tư thế trên ghế sofa hai mẹ con dựa vai vào nhau. Hồng Y
đọc lại trong trí nhớ của mình hình như chưa lần nào thấy hai người gần gũi
với nhau như thế. Nhưng cả hai người không ai nói với ai một lời nào và
cũng không nhìn nhau. Mắt của họ cũng không hướng về ông.
Ông đã hiểu mình đã phạm tội gì: Kiêu ngạo, tham vọng, phần nào đó thiếusự thận trong. Và tình yêu của ông dành cho Meggie đã sinh sôi nẩy nở trên
đống bầy nhầy ấy! Vả lại ông chưa bao giờ biết đến sự đăng quang của mối
tình đó. Sự việc đã khác hơn biết mấy nếu ông biết ông biết được Dane là
con của ông? Có thể ông sẽ yêu con người đặc biết ấy nhiều hơn. Biết đâu
ông sẽ đi theo một con đường khác nếu ông hiểu rõ chuyện con trai của
ông? Đúng thế! Con tim của ông đã hét lên. Không! Nhưng ngay khi đó thì
lý trí lại chế giễu ông.
Ông tự trách mình ngu ngốc! Ralph ạ. Đáng lý mày phải biết Meggie không
đời nào trở lại với Luke. Mày phải biết ngay Dane là con của ai. Nàng tự
hào về nó vô cùng! Đó là tất cả những gì mà nàng đã giành được ở mày, đó
là điều mà nàng đã nói với mày ở La Mã.
Hay lắm, Meggie à, với Dane em đã đạt được đều tốt đẹp nhất. Ralph, tại
sao mày đui mù đến đỗi không nhận ra ngay vào lúc Dane gặp mày, khi
Dane thành người lớn, nếu trước đó mày chưa nhận ra. Nàng đã chờ đợi
mày gặp mặt con; nàng nóng lòng chờ đợi. Phải chi mày hiểu được đều đó
thì Meggie đã quì dưới chân mày. Nhưng mày có mắt mà như mù. Mày
không chịu nhìn.
Trong căn phòng đầy ắp những tiếng nói the thé, rù rì đồng hồ quả lắc vang
lên từng tiếng theo nhịp đập của tim ông. Rồi tiếng tim đập tách ra. Meggie
và Fiona đứng dậy mà như bơi trong không khí, gương mặt hốt hoảng, chìm
đắm trong một thứ sương mù bồng bềnh. Cổ họng phát ra những lời mà ông
không nghe được.
- Aaaaaaa! ông kêu lên một tiếng.
Và ông đã hiểu.
Ông chỉ thoáng nghe đau, vì rằng tất cả sự chú ý của ông đều tập trung vào
hai cánh tay của Meggie đang ôm lấy ông, đến cách ông ngả đầu vào nàng
như thế nào. Tuy nhiên, cuối cùng ông đã cố quay đầu lại cho đến khi gặp
đôi mắt nâu của Meggie; rồi ông nhìn nàng. Ông định nói với nàng hãy tha
thứ cho anh thì nhận ra nàng đã tha thứ cho ông từ lâu rồi. Nàng biết rằng
nàng đã chiếm đoạt được ở ông phần tốt đẹp nhất. Ông mong được nói lênnhững câu thật hoàn chỉnh để nàng vĩnh viễn được an ủi. Nhưng đồng thời
ông cũng không nhận ra rằng ngay chuyện này với nàng cũng không cần
thiết. Dù cho gánh nặng có thế nào đi nữa, nàng cũng chịu đựng được.
Nàng có thể chịu đựng bất cứ cái gì. Bất cứ cái gì! Và như thế ông nhắm
mắt lại, lịm dần và buông xuôi, tìm kiếm một lần cuối cùng sự quên lãng ở
Meggie.
Ngồi trong phòng làm việc ở Bonn, trước tách cà phê buổi sáng, Rainer
đọc thấy tin Hồng Y De Bricassart mất trên một tờ báo. Cuộc khủng hoảng
chính trị mấy tuần qua đã bớt gay gắt, cho nên Rainer tự cho phép mình
được hưởng vài giây phút thoải mái, lòng hân hoan với ý nghĩ sắp sửa gặp
lại Justine, hoàn toàn không có chút lo ngại gì về sự im lặng của nàng.
Nhưng khi anh hay tin Hồng Y chết, đầu óc của Rainer không còn nghĩ đến
Justine chút nào nữa. Rainer cấp tốc bay đến La Mã.
Qua Hồng Y Di Contini Verchese, Rainer biết mọi chuyện. Ông bàng
hoàng đến đỗi phải tự hỏi tại sao Justine không báo tin cho ông haỵ
- Ralph đã tìm tôi và hỏi tôi có biết Dane là con của ông ta hay không. -
Hồng Y thuật lại bằng một giọng dịu dàng, tay vuốt ve con mèo cái
Natasha.
- Và Đức Cha đã trả lời như thế nào?
- Tôi nói với ông ấy là tôi linh cảm điều đó. Tôi không thể nói gì thêm.
Thật là kinh hãi đối với ông ấy. Tôi đã khóc khi nhìn thấy nét mặt rã rời
của ông. Ý của Chúa đã được thực hiện. Tôi nghĩ rằng Ralph là một trong
những con người ray rứt nhất mà tôi được biết. Trong cái chết, ông ấy sẽ
tìm thấy sự bình an mà khi sống ông đã kiếm tìm vô cùng.
Khi trở về Bonn, Rainer thấy sẵn trên bàn làm việc của mình một thư khẩn
của Justine và một bưu kiện bảo đảm do thừa phát lại của Ralph gửi đến.
Ông mở bưu kiện trước và được biết qua nội dung di chúc của Ralph, từ
nay ông phải đảm trách thêm việc điều hành hãng Michar Limited và
Drogheda. Ralph đã trao vào tay Rainer trách nhiệm bảo đảm tương lai vật
chất của Meggie O'' Neill và dòng họ Cleary của bà. Đặt bưu kiện qua một
bên, ông bắt đầu mở thư của Justin. Thư khô khan, không có một dòng tình
cảm xã giao.... Anh không thể tưởng tượng được tôi vui sướng như thế nào về việc
chúng ta không liên lạc với nhau hai tuần qua, vì rằng có anh bên cạnh là
tôi không thể chịu được. Trong lúc này, mỗi khi tôi nghĩ về anh, tôi cảm ơn
Trời rằng anh đã không hay biết chuyện gì đã xảy ra. Điều này có vẻ khó
hiểu với anh, sự thật là tôi không muốn có anh bên cạnh tôi. Sự đau khổ
không có gì đẹp đẽ để nhìn ngắm, Rain ạ, và nếu anh chứng kiến sự đau
khổ của tôi, anh cũng không thể an ủi được điều gì đâu. Người ta có thể
cho rằng nỗi bất hạnh này đã chứng tỏ tôi thương anh rất ít. Nếu tôi yêu anh
thật sự, tự nhiên tôi đã quay về phía anh. Thế nhưng tôi nhận ra rằng tôi đã
quay đi chỗ khác.
Cho nên tôi thấy hay hơn cả là chúng ta hãy dừng lại ở đây một cách vĩnh
viễn, Rain ạ. Tôi không có gì để cho anh và tôi cũng không muốn gì ở anh.
Chuyện xảy ra đã cho tôi bài học về sự hiện diện của một người quý giá là
như thế nào khi nó kéo dài suốt hai mươi sáu năm. Tôi không thể chịu đựng
thêm lần nữa một sự thử thách như thế; và chính anh đã nói điều này, anh
có nhớ không? Hôn nhân hoặc là không gì cả. Thì đấy, tôi chọn không gì
cả.
Mẹ tôi có cho biết ông Hồng Y già đã chết vài tiếng đồng hồ sau khi tôi đi
khỏi Drogheda. Thật lạ lùng, mẹ tôi rất đau xót về cái chết của ông ta.
Không, mẹ tôi chẳng nói gì với tôi hết, nhưng tôi đoán điều ấy. Tôi không
thể nào hiểu được tại sao mẹ tôi, Dane và anh lại thương ông ta đến thế.
Phần tôi, tôi chẳng có chút cảm tình nào đối với ông ấy. Theo tôi, ông ta là
một kẻ giả dối. Đến bây giờ tôi vẫn nói thế cho dù ông ấy đã chết.
Thế đấy. Tất cả đã được nói ra. Tôi rất thành thật Rain ạ. Tôi đã quyết
định, tôi không cần gì ở anh cả. Anh hãy giữ gìn sức khỏe.
__________________
Chương 42
Tên Justine được ký với nét chữ rất sắc, bằng cây bút mới mực đen, ngòi
mềm. Khi Rainer tặng nàng cây bút này, Justine đã rất vui.
Rainer nghĩ rằng cái chết của Dane đã cắt ngang tình cảm vừa khơi dậy ởJustine, ông cảm thấy hết sức buồn khổ.
Dầu vậy, trong tuần ông vẫn lên máy bay đi Luân Đôn, không phải để gặp
Justine mặc dù ông vẫn nhìn thấy nàng. Trên sân khấu, Justine đóng vai
người vợ yêu dấu của Morr, nàng Desdemona. Thật tuyệt vời. ông không
thể làm gì hơn, nghệ thuật đã mang đến cho Justine tất cả. Như thế cũng
hay. Justine, em là một cô bé tốt bụng. Em hãy dành cho sân khấu tất cả
những gì đang có trong em.
Phần Justine vẫn nghĩ do những ham muốn riêng, nàng đã để Dane đi Hy
Lạp một mình, trong khi đó nếu nàng cùng đi thì có thể Dane đã không chết.
Không thể nào nhìn các sự việc dưới một góc cạnh khác. Dane đã chết vì
sự đam mê ích kỷ của nàng dành cho Rainer.
Thế rồi ngày tháng trôi qua. Một năm, hai năm. Desdemona, Ophelia,
Portia, Cleopatra.
Có hai lần, Justine định đi Drogheda trong đó lần thứ nhì, nàng đã lấy vé
máy bay. Mỗi lần như thế, giờ chót đều có một lý do cực kỳ quan trọng
ngăn trở nàng lên đường, nhưng trong tận đáy lòng, Justine dư biết nguyên
nhân chính lại khác, một sự pha trộn giữa mặc cảm tội lỗi và sự hèn nhát.
Rất đơn giản, Justine không có can đảm nhìn mặt mẹ. Nếu bà gặp lại nàng,
tất cả cái chuyện đau thương ấy lại sẽ hiện ra với bao nhiêu buồn thảm và
lại sẽ nổ bùng. Những người ở Drogheda, nhất là mẹ nàng, cần biết rõ rằng
ít nhất Justine vẫn mạnh khỏe, rằng Justine đã vượt qua thử thách mà không
gặp nhiều khó khăn. Như thế, ở xa Drogheda vẫn tốt hơn. Tốt hơn rất
nhiều.
Chương 43
Meggie giật mình nhận ra mình vừa buông tiếng thở dài, bà liền nén lại.
Nếu không bị đau nhức các khớp xương bà đã thắng yên ngựa và cưỡi một
vòng qua các bãi chăn. Hôm nay, chỉ mới nghĩ đến chuyện ấy thôi bà đã
cảm thấy mỏi mệt.
Bà nghe tiếng ô tô dừng lại, tiếp đó là những tiếng thì thầm, giọng nói cao
vút của mẹ và tiếng bước chân. Không phải Justine, vậy có ích gì?- Meggie - Fiona xuất hiện ở hiên nhà, lên tiếng - Chúng ta có khách. Con
vào nhà chứ?
Khách là một người đàn ông sang trọng, tuổi tráng niên, trông trẻ hơn so
với cái vẻ bên ngoài. Ông ta cũng là loại người nghị lực và tự tin giống
như Ralph.
- Meggie, mẹ giới thiệu với con đây là ông Rainer Hartheim. Fiona nói và
đứng bên cạnh chiếc ghế của Meggie.
- À! Meggie vô tình kêu lên vì bất ngờ trước dáng dấp của Rainer mà
trước đây Justine thường nhắc tới trong thư. Xin mời ông Hartheim ngồi,
Meggie kịp quay về với bản tính hiếu khách vốn có.
Còn Rainer thì nhìn bà với vẻ ngạc nhiên.
- Thưa bà, tôi nhận ra một điều là Justine không giống bà chút nào cả.
- Đúng thế.
Fiona đứng lên nói:
- Meggie, con hãy tiếp chuyện với ông Hartheim. Ông ấy có nói với mẹ là
muốn gặp riêng con, muốn dùng trà con cứ gọi mẹ.
Nói xong bà ra khỏi phòng.
Meggie không nhìn thẳng vào Rainer, nói hơi lơ đễnh:
- Ông là người bạn Đức của Justine chứ gì?
- Thưa bà O'' Neill, bà cứ gọi tôi Rainer - ông đề nghị - Tôi không có việc
gì phải giải quyết ở Úc cả, nhưng không vì thế mà tôi không có lý do chính
đáng để ghé thăm nơi này. Tôi mong muốn được gặp bà.
- Gặp tôi? Gặp tôi à? Bà ngạc nhiên hỏi. Các anh tôi nhắc đến ông, các anh
ấy bảo rằng ông đã đối xử rất tốt khi họ đến La Mã để dự lễ thụ phong linh
mục của Dane. Tôi mong ông ở lại đây chơi vài ngày, như thế các anh tôi
có dịp gặp được ông.
- Tôi rất sẵn sàng, thưa bà O'' Neill - ông trả lời bình thản.
Mặc dù lớn tuổi, tóc đã bạc một phần nhưng Meggie vẫn còn rất đẹp,
Rainer thầm nghĩ khi bà quay về hướng anh ta với cái nhìn lễ độ
- Justine thế nào? Bà hỏi.
- Rất tiếc là tôi không được biết thưa bà. Lần sau cùng tôi gặp Justine lúc
Dane mất.Bà không tỏ vẻ ngạc nhiên chút nào.
- Tôi cũng thế, tôi không gặp lại Justine từ sau ngày chôn cất Dane - bà thở
dài. Nhiều lúc tôi hy vọng nó sẽ trở về nhà nhưng rôi tôi lại nghĩ phải
chăng đó chỉ là ảo tưởng. Drogheda bây giờ giống như một viện dưỡng lão
nên chúng tôi cần dòng máu trẻ. Justine là dòng máu trẻ duy nhất còn lại
của chúng tôi.
Sự thương hại không còn thấy trên gương mặt của Rainer, ông ta ngồi chồm
ra phía trước, mắt sáng lên.
- Bà nói về Justine làm tôi có cảm tưởng như Justine thuộc về Drogheda cả
thể xác lẫn tâm hồn - Giọng Rainer nghiêm lại - Tôi nghĩ rằng điều đó
hoàn toàn không đúng.
- Tôi cho rằng ông không có quyền đánh giá Justine thế này, thế kia. Bà
giận dữ. Ông cũng vừa nói với tôi rằng từ khi Dane mất, ông đã không gặp
lại Justine và như thế đã hai năm kia mà.
- Tôi đến gặp bà vì Justine cần sự giúp đỡ của bà mặc dù cô ấy không hề
thẳng thắn nói với bà như thế - ông giải thích - Nhưng theo tôi bà nên
thuyết phục cô ấy tập trung nghị lực để có thể tiếp tục sống... không phải ở
nơi này, mà sống một cuộc đời riêng không dính dấp gì đến Drogheda.
Rainer ngả người vào lưng ghế, chân gác tréo, đốt một điếu thuốc khác rồi
nói tiếp:
- Justine đã tự hành hạ mình với những lý do không đúng. Nếu có ai đó làm
cho cô ấy hiểu ra vấn đề thì người đó là bà. Nhưng tôi cũng xin phép nói
với bà rằng nếu bà giải tỏa được nỗi ám ảnh ở Justine thì cô ấy sẽ không
bao giờ trở về sống ở Drogheda cả, còn nếu ngược lại cứ để Justine như
thế này thì rất có thể cuối cùng nàng sẽ trở về và vĩnh viễn ở lại đây.
Một giây im lặng, Rainer nói:
- Đời sống sân khấu không đủ cho một phụ nữ như Justine. Đến một ngày
rất gần cô ấy sẽ nhận ra điều đó, lúc bấy giờ Justine sẽ chọn lựa... hoặc là
gia đình và Drogheda, hoặc là tôi. Nhưng tôi dám đoan chắc những người
chung quanh vẫn không mang lại được cho Justine một cuộc sống có ý
nghĩa, thưa bà O'' Neill. Nếu cô ấy chọn tôi, cô ấy có thể theo đuổi sự
nghiệp sân khấu, đó là điều quí nhất mà Drogheda không thể mang lại choJustine. Tôi đến đây để yêu cầu bà bảo đảm dùm một chuyện là Justine sẽ
chọn tôi. Lời lẽ của tôi nghe có vẻ tàn nhẫn, chẳng qua vì tôi cần cô ấy hơn
bà cần cô ấy rất nhiều.
Meggie đứng lên kéo dây chuông gọi mang trà ra mời khách.
- Ông Hartheim, ông đánh giá quá cao ảnh hưởng của tôi đối với con gái
tôi. Justine không bao giờ chú ý tới những lời căn dặn cũng như chẳng bao
giờ chìu theo ý muốn của tôi.
- Tôi biết rõ bà có khả năng làm cô ấy xiêu lòng nếu bà muốn. Tôi chỉ yêu
cầu bà suy nghĩ về những điều tôi vừa trình bày. Xin bà chớ vội, cũng
không có gì gấp, tôi kiên trì chờ đợi được.
Trong một tuần ở Drogheda, Rainer không bao giờ gợi lại vấn đề này nữa,
Meggie cũng thế. Khi hay tin Rainer đến đây, các anh của Meggie đều vội
vàng rời bãi chăn vê nhà. Ngay cả Fiona cũng có cảm tình với Rainer.
Bề ngoài cư xử rất lễ độ, thế nhưng trong lòng Meggie không thể không
nghĩ đến những gì mà Rainer đã nói, nhiều lần bà đắn đo về sự chọn lựa
mà Rainer đã đề nghị. Từ lâu nay bà đã bỏ ý định nuôi hy vọng một ngày
nào đó Justine trở về, thế mà bây giờ người đàn ông này lại cam đoan dứt
khoát với bà rằng Drogheda có thể chứng kiến sự trở về của Justine. Điều
băn khoăn nhất của Meggie là không biết hạnh phúc của Justine sau này tùy
thuộc vào người đàn ông này đến mức nào.
Khi Meggie lái xe đưa Raine ra sân bay, bà nói:
- Tôi nghĩ rằng trước sau gì ông cũng gặp Justine. Lúc ấy, tôi mong rằng
ông sẽ không nói với con gái tôi về chuyến ghé thăm Drogheda của ông.
- Tôi sẽ làm theo ý bà, ông đáp. Tôi chỉ yêu cầu bà suy nghĩ cho về những
điều tôi đã nói, nhưng không cần vội vã gì.
Giữa tháng tư, hai năm rưỡi sau cái chết của Dane, Justine cảm thấy ray
rứt bởi một sự thèm khát không thể cưởng lại là được thấy cái gì đó khác
hơn là những dãy nhà và một dòng người buồn tẻ. Vào một ngày nắng đẹp,
đột nhiên thành phố trở nên hết sức ngột ngạt. Justine liền lên tàu hỏa để
đến công viên Kew. Hôm nay là ngày thứ ba, nàng mặc tình hưởng cái đẹp
trong sự yên tĩnh. Tất nhiên Justine rất quen thuộc công viên này. Bất cứngười nào đến đây đều tràn đầy những niềm vui thích với vô số những
vườn hoa. Kew tỏa ra một sức quyến rũ riêng.
Giữa cái khung cảnh ấy, Rainer xuất hiện với chiếc áo khoác bằng da, tóc
lóng lánh như sắc bạc dưới ánh nắng.
- Coi chừng em bị đau lưng, Rainer vừa nói vừa cởi chiếc áo khoác trải
xuống cỏ để hai người có thể ngồi.
- Làm sao anh tìm được em ở đây? Justine hỏi.
- Bà Kelly cho anh biết em đã đi Kew. Anh chỉ cần đến đây và lang thang
khi nào gặp em thì thôi.
- Và có lẽ anh chờ đợi em sẽ nhảy tới ôm cổ anh phải không?
- Em có ý định ấy à?
- Anh vẫn thế, không thay đổi phải không Rain? Anh luôn trả lời câu hỏi
của em bằng một câu hỏi khác. Không, em chẳng hề cảm nhận nỗi vui
sướng đặc biệt nào khi gặp anh. Em tưởng rằng anh đã vĩnh viễn rút vào
ngôi nhà lầu của anh rồi.
- Một anh chàng lì lợm như anh đâu có thể rút lui dễ dàng như thế. Em thế
nào?
- Mạnh khỏe.
Rainer nằm dài trên chiếc áo khoác, hai tay kéo lên đặt dưới đầu, mỉm
cười một cách lười biếng.
- Em bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? Ba mươi? Trong bộ quần áo ghê khiếp này
trông em giống như một cô học trò ăn mặc lôi thôi. Nếu vì lý do nào đó em
không cần anh trong cuộc đời thì ít ra anh cũng còn là người cần thiết, có
thể góp ý cho em ăn mặc đẹp hơn.
Nàng cười.
- Em nhìn nhận vào thời kỳ mà bất cứ lúc nào anh cũng có thể xuất hiện,
em rất chăm sóc bề ngoài.
Justine ngồi tụt xuống thấp, nghiêng người qua một bên, mặt nàng sát vào
mặt Rainer, mỉm cười:
- Ôi! Thật là sung sướng được gặp lại anh.
Từ ngày Hồng Y Di Contini Verchese qua đời, Rainer gần như không đến
La Mã nữa. Anh thích đi Luân Đôn hơn mỗi khi có dịp. Lúc đầu, Justine tỏra hân hoan và bằng lòng với tình bạn mà Rainer mang lại, nhưng ngày
tháng trôi qua, khi Rainer vẫn không biểu lộ chút tình cảm yêu thương thì
sự phẫn nộ của Justine ngày càng trở nên nặng nề như một thứ ám ảnh. Mấy
tháng sau khi Dane chết, Justine phải cưỡng lại sự thèm muốn đến với
Rainer. Nàng không thể làm việc đó khi hình ảnh em trai của mình làm mờ
nhạt gương mặt của Rainer. Nhưng bây giờ Rainer đã trở lại, mọi chuyện
đều khác. Nàng nóng lòng muốn hỏi Rainer còn nhớ gì không những giây
phút âu yếm giữa hai người - làm sao Rainer có thể quên được?
Ảo tưởng. Rõ ràng Rainer không muốn quay trở lại quãng thời gian êm đẹp
của hai người. Ông chỉ muốn xem Justine như một người bạn gái thân thiết
mà thôi. Cũng được. Đó là điều Justine mong muốn, nhưng... liệu anh ta có
quên được mình không? Không thể quên được đâu. Mà thôi cũng mặc, nếu
anh ta đã quên!
Mẹ nàng rất ít viết thư cho nàng. Có chuyện gì xảy ra ở Drogheda không
nhỉ? Mẹ đang giấu những nỗi buồn phiền cay đắng? Bà ngoại đau nặng?
Hay là một trong những người cậu đã không còn, hoặc chính mẹ? Lạy
Chúa, xin đừng để xảy ra chuyện gì không hay cho mẹ! Đã ba năm rồi nàng
chưa gặp một ai từ Drogheda đến và biết bao nhiêu biến cố có thể xảy ra
trong ba năm, dù riêng Justine thì chẳng có gì mới mẻ cả. Cuộc sống của
nàng như bị ngưng trệ, buồn tẻ, nhưng nàng không nghĩ rằng nó cũng như
thế với những người khác.
Thời gian sau này, Rainer đi lại dễ dàng giữa Bonn và nước Anh. Không
thể chối cãi, dù Rainer có máy bay riêng nhưng đi đứng như thế cũng mệt
nhọc lắm chứ.
- Tối nay trông em trầm lặng quá, có gì buồn phiền phải không? Trong buổi
ăn tối tại một khách sạn, Rainer đã hỏi Justine như thế.
- Không, em chẳng có gì phải buồn phiền. Nói cho đúng chỉ là một chuyện
vớ vẩn. Mẹ và em hàng tuần không viết thư cho nhau nữa... Hai mẹ con rất
lâu không gặp nhau và bây giờ không có chuyện gì để nói với nhau... Vậy
mà hôm nay, em vừa nhận một lá thư lạ lùng của mẹ gửi, mẹ hoàn toàn
khác xưa.
Rainer cảm thấy tim mình thắt lại. Đúng là Meggie đã kéo dài thời gian đểsuy nghĩ, ông linh cảm Meggie đã quyết định ra tay, nhưng không phải để
ủng hộ ông. Bà bắt đầu cô lập Justnine để rồi đưa nàng trở về Drogheda,
bảo đảm cho dòng họ O'' Neill tồn tại mãi mãi.
Rainer kín đáo đưa tay xuống dưới bàn để nắm bàn tay Justine. Cử chỉ già
dặn ấy rất hợp với nàng, ông nghĩ thầm. Nàng đẹp hơn bao giờ hết dù chiếc
áo dài xấu không thể tưởng tượng được. Những lằn nhăn li ti mang lại nét
nghiêm trang rất cần cho gương mặt trẻ con ấy và cho cả tính tình luôn thái
quá của Justine. Nhưng có điều gì khác nhau giữa sự già giặn bề ngoài và
những thay đổi bên trong? Khó mà biết được và chính nàng cũng không tự
trả lời được điều đó.
- Justine, mẹ của em cảm thấy đơn độc, ông nói và tự ngăn chặn đường
tháo lui cho mình.
- Vâng, có thể như thế - Justine nhíu mày nói thì thầm - Nhưng em không
thể không nghĩ rằng có điều gì khác ở mẹ. Vì dù sao, mẹ đã cô đơn trong
nhiều năm qua. Thế thì tại sao bỗng nhiên mẹ thay đổi? Em không thể nào
giải thích được điều này Rainer ạ, vì thế mà em rất lo.
- Mẹ đã lớn tuổi rồi, hình như em quên điều đó. Bây giờ mẹ em không thể
chịu đựng được nhiều điều mà trước đây mẹ đã từng chịu đựng. Justine,
cách đây ba năm, bà mất đứa con trai duy nhất. Phải chăng em cho rằng
khoảng thời gian ấy sẽ làm vơi đi nỗi đau xót? Anh lại nghĩ ngược lại.
Dane đã nằm xuống và bây giờ buộc bà phải nghĩ rằng em sẽ không ra đi.
Thật ra thì em chẳng hề thăm viếng bà.
Justine nhắm mắt lại.
- Em sẽ đi thăm mẹ. Rainer ạ, em sẽ đi! Em hứa với anh em sẽ đi thăm mẹ
và chắc là gần đây thôi! Anh có lý, tất nhiên. Anh luôn có lý. Lâu nay em
không nghĩ Drogheda có thể làm cho em thiếu vắng nhung nhớ, nhưng gần
đây em có cảm giác nó trở thành thân yêu hơn với em chẳng khác gì em là
một phần của nó, dù sao đi nữa...
Đột ngột, Rainer nhìn đồng hồ, nhếch miệng cười như hối tiếc điều gì đó.
- Anh rất tiếc phải để em về một mình tối nay vì trong một tiếng đồng hồnữa, anh có hẹn với một con người hào hoa phong nhã rất quan trọng ở một
nơi bí mật. Fritz, tài xế của anh sẽ lái xe cho anh đi. Fritz đã ba lần được
các cơ quan an ninh sát hạch.
- Anh đừng nói nữa và đưa ngay chiếc áo khoác cho em! Nàng nói lớn vui
vẻ cố che giấu nỗi đau trong lòng. Bây giờ em hiểu rồi! Em thì có thể vứt
cho bất cứ tài xế tắc xi nào cũng được, còn anh thì không thể làm như thế
vói tương lai của thị trường chung, phải không? Thế thì em sẽ cho anh thấy
em không cần xe tắc xi mà cũng cóc cần anh chàng Fritz được chứng nhận
bởi các cơ quan an ninh tình báo, em sẽ tự đi xe điện ngầm về nhà. Còn
sớm chán.
Rainer vẫn còn nắm mấy ngón tay nhỏ bé của Justine. Đột nhiên nàng kéo
tay Rainer áp lên môi rồi hôn thật nhẹ.
- Ôi! Rainer, em không biết sẽ làm gì khi thiếu vắng anh!
Ông đứng lên đút tay vào túi quần rồi đi vòng qua bàn ăn và vịn lưng ghế
của Justine.
- Anh là người bạn thân thiết của em, Rainer nói. Bạn bè là như thế, chúng
ta không thể thiếu nhau được.
Chia tay Rainer, Justine trở về phòng trọ của mình với tâm trạng trầm lặng
sau đó tỏ ra chán nản, xuống tinh thần. Tối nay, gặp Rainer, cả hai đi sâu
vào chuyện riêng tư nhiều hơn mọi khi dù không có chuyện gì ra chuyện gì,
ngoại trừ việc Rainer nghĩ rằng mẹ nàng già rồi đang rất cô độc và theo
ông, nàng nên về Drogheda. Anh ấy đề cập đến một cuộc thăm viếng,
nhưng phải chăng như thế là anh ấy muốn nói đến một sự trở về vĩnh viễn.
Thái độ của anh ấy cho thấy xưa kia tình cảm của Rainer đối với nàng như
thế nào, thì đó cũng chỉ là những gì thuộc về quá khứ. Rõ ràng, anh ấy
không muốn làm sống lại những tình cảm đó. Nhưng, thế thì tại sao chín
tháng trước đây anh ấy xuất hiện lại trong cuộc đời nàng làm gì? Có phải
vì thương hại? Vì cảm thấy phải lay động nàng để nàng chịu trở về với mẹ
hay là anh ấy đã hứa điều dó với Dane? Rainer rất thương Dane, làm sao
biết được họ đã nói gì với nhau lúc vắng nàng. Biết đâu Dane đã nhờ
Rainer trông chừng nàng và nay anh thấy thực hiện lời hứa? Đúng, có thể
đó là câu trả lời. Tất cả những ý tưởng lẫn lộn làm Justine rơi nước mắt;nàng khóc một cách đau xót, sau đó nén xuống được và tự trách móc sự
ngu ngốc của mình. Nằm lăn qua lăn lại vẫn không ngủ được, lấy sách ra
đọc vẫn thế. Khi ánh sáng yếu ớt và buồn tẻ của bình minh xuyên qua rèm
cửa sổ, Justine ngồi vào bàn viết, lòng tê tái, nghe xa xa tiếng động cơ qua
lại, cảm nhận với đủ tất cả giác quan sự ẩm ướt, vắng lạnh của buổi sáng
sớm như thế. Đột nhiên, ý nghĩ trở về Drogheda nghe như tuyệt vời, trong
lành và dịu dàng.
Justine cầm lấy một trong những cây viết màu đen và bắt đầu những dòng
thư cho mẹ, nước mắt khô dần.
Con rất mong mẹ hiểu tại sao con không trở về nhà từ khi Dane mất, nhưng
dù cho mẹ có suy nghĩ gì đi nữa, con biết mẹ sẽ rất vui lòng khi hay tin con
có ý định chuộc lại sự vắng mặt ấy bằng cách trở về nhà vĩnh viễn.
Vâng, mẹ đọc đúng đấy. Con sẽ trở về nhà thật sự. Mẹ ơi, mẹ có lý - đã
đến lúc con cảm thấy thiếu Drogheda. Lâu nay con muốn bay bằng chính
đôi cánh của con và con đã nhận ra rằng cũng chẳng đi đến đâu. Lê gót từ
sân khấu này sang sân khấu khác trong suốt tháng năm còn lại của cuộc đời
để làm gì? Ở đây có gì cho con người sân khấu? Con cần một cái gì chắc
chắn, thường xuyên, lâu dài hơn, cho nên con sẽ trở về Drogheda, nơi đây
sẽ cho con tất cả những thứ đó. Không còn những giấc mơ mây khói nữa.
Biết đâu? Có thể con sẽ chọn Boy King nếu anh chàng đó còn muốn cưới
con. Cuối cùng cuộc đời con sẽ có một ý nghĩa, thí dụ cho ra đời cả một
bộ lạc nhóc con rừng rú của miền Tây Bắc. Con mỏi mệt rồi, thưa mẹ, mỏi
mệt đến mức con không biết nói gì và còn có thể tâm tình với mẹ những gì
con cảm nhận được hay không.
Tóm lại, con sẽ đề cập vấn đề này một kịp khác. Những buổi trình diễn
Lady Macbeth đã kết thúc và con chưa ký lại hợp đồng nào cho mùa tới.
Như vậy nếu con chào từ biệt sân khấu sẽ không ai buồn phiền. Luân Đôn
đầy rẫy những diễn viên như con. Ông bầu Clyde có thể tìm người thay con
trong vài phút, còn mẹ thì không thể thay con được. Con rất ân hận là phải
chờ đến tuổi ba mươi mốt mới hiểu điều đó.
Nếu Rain không giúp cho con thấy rõ con hơn thì chắc con phải chờ mộtthời gian khá lâu nữa; nhưng anh ấy là người có trực giác mạnh dù chưa
biết mẹ nhưng hình như anh ấy hiểu mẹ hơn cả con. Tất nhiên, người ta cho
rằng khán giả vẫn thấy rõ toàn cảnh của một vở diễn hơn là diễn viên. Điều
này đúng với anh ấy, nhưng con phát chán thấy anh ấy đứng từ trên cao để
giám sát cuộc đời con. Hầu như anh ta tự cho rằng mình mắc nợ đối với
Dane hoặc muốn giữ lời hứa vì Dane. Thế là anh ấy làm cho con bực mình
vì luôn xuất hiện trong cuộc sống của con. Thế nhưng cuối cùng cũng lạ,
con hiểu ngược lại rằng chính con mới là người quấy rầy anh ấy. Nếu con
trở về Drogheda thì món nợ và lời hứa của anh ấy coi như được xóa đi,
phải không mẹ? Dù sao anh ấy cũng sẽ vui vì con đã tránh cho anh ấy phải
đi lại bằng máy bay liên tục.
Ngay khi chuẩn bị xong xuôi, con sẽ viết thư cho mẹ lần nữa để báo cho
mẹ biết ngày con về. Trong khi chờ đợi, mẹ hãy nhớ đến cách yêu thương
quái đản của con đối với mẹ.
__________________
Chương 44
Từ biệt Rainer bằng một lá thư giữa lúc lòng tan nát vì đau buồn và xúc
động là việc quá dễ. Hơn nữa Justine cũng đã điên tiết lên và thích thú với
ý nghĩ phải hành hạ cả hai - tôi đau khổ, thì anh cũng phải đau khổ, đó là lẽ
công bằng. Nhưng lần nay, một lá thư từ biệt bình thường vẫn chưa đủ đối
với Rainer. Như thế là phải cùng đi ăn tối ở một nhà hàng mà cả hai đều
quen thuộc. Rainer không đề nghị gặp tại nhà anh ta ở Park Lane, điều đó
tuy làm Justine thất vọng nhưng không làm cho nàng ngạc nhiên. Đúng rồi,
anh ấy muốn cuộc chia tay có sự chứng kiến lạnh lùng của Fritz. Anh ấy
không muốn có chuyện bất ngờ.
Đặc biệt tối nay, Justine chú ý ăn mặc theo sở thích của Rainer. Con quỷ
ám lâu nay xúi giục Justine ăn mặc loè loẹt với màu vàng cam đã buông
tha nàng. Vì Rain thích phong cách đơn giản, nên nàng mặc một chiếc robe
dài chấm đất bằng loại vải xoa tím, cổ hẹp và tay dài. Một chiếc kiềng
vàng uốn xoắn với những hạt trai và hồng ngọc, hai cổ tay mang hai chiếc
vòng cùng màu. Nhưng tóc thì khủng khiếp - nàng cảm thấy thế - TócJustine không bao giờ chịu nằm ngay ngắn như ý thích của Rainer. Nàng
trang điểm hơi đậm một chút để giấu đi nét mệt trên gương mặt. Thế là
xong, với điều kiện anh ấy không nhìn quá gần.
- Em đã nhận được thư trả lời của mẹ chưa? Rainer hỏi lễ độ
- Chưa, thật ra em cũng không có ý chờ. Mẹ em chắc chắn không còn lời
nào để nói lên sự vui mừng.
- Ngày mai em có muốn Fritz đưa em ra phi trường không?
- Cảm ơn anh, em có thể đi tắc xi, nàng trả lời khô khan. Em không muốn
nhờ đến người phục vụ của anh.
- Anh họp suốt ngày nên Fritz đi với em không gây phiền hà chút nào cho
anh cả.
Justine hơi lớn tiếng.
- Em đã nói với anh là em đi tắc xi!
- Em hét lên vô ích, Justine à. Ông nói, chân mày nhíu lại - Anh chìu em.
Một buổi ăn tối buồn tẻ và chán nản! Chấm dứt sớm là tốt!
- Anh có thấy phiền không nếu chúng ta về bây giờ? Nàng hỏi. Em nhức
đầu ghê gớm.
Đến góc đại lộ và ngõ cụt nơi Justine ở, Rainer bảo Fritz cho xe chạy vòng
khu nhà. Justine bước xuống, Rainer nắm nhẹ khuỷu tay nàng một cách lịch
sự và dìu nàng đi, chỉ vô tình chạm phớt qua người Justine. Trong cái ẩm
ướt buốt giá của cơn mưa phùn Luân Đôn hai người đi chầm chậm trên
đoạn đường lát đá, tiếng chân nghe dội thật xa, những tiếng chân buồn và
cô độc.
- Justine, chúng ta sẽ nói với nhau lời từ biệt, Rainer buông lời trước.
- Tạm biệt thì đúng hơn, nàng trả lời. Không có gì dứt khoát đâu anh, em sẽ
trở về đây hoặc lúc này, lúc khác cũng như em hy vọng anh sẽ có dịp đến
thăm Drogheda.
Rainer lắc đầu.
- Không, anh nghĩ có lẽ mình chia tay vĩnh viễn Justine ạ. Anh không nghĩ
rằng chúng ta còn cần đến nhau.
- Anh muốn nói rằng anh không còn cần đến em nữa chứ gì? Justine nói
như muốn uốn nắn lại ý nghĩ của Rainer. Điều đó không quan trọng, Rain ạ.Em không cần anh phải lựa lời với em, em quen chịu đựng rồi!
Rainer nắm tay Justine, cúi xuống hôn, rồi thẳng người lên, mỉm cười nhìn
nàng rất lâu trước khi quay gót.
Về đến nhà, Justine thấy một lá thư nằm trên tấm thảm chùi chân. Justine
cúi xuống nhặt bức thư và để rơi chiếc xách tay và chiếc áo khoác xuống
đất.
Justine cởi giày tại chỗ, rồi bước sang phòng ngủ. Nàng buông người nặng
nề trên một thùng gỗ, cắn môi suy nghĩ, ngồi sững sờ với vẻ mặt vừa rã rời
vừa hoang mang, mắt đăm đăm nhìn một bức phác thảo đẹp cân dung của
Dane được nàng thực hiện trong ngày lễ phong linh mục. Phải đứng lên đi
một vòng qua phòng ăn, có lẽ sẽ dễ chịu hơn. Trên bàn một phác thảo chân
dung của Rainer bằng viết chì mà nàng vừa vẽ cách đây mấy tuần. Và một
gói thuốc lá. Justine lấy một điếu và đốt, đặt ấm nước lên bếp lò. Bấy giờ
chợt nhớ lại lá thư của mẹ cầm trên tay.
Justine đọc trong khi chờ nước sôi. Nàng ngồi vào bàn ở nhà bếp, gạt bức
vẽ Rainer rơi xuống đất rồi giẫm lên bằng cả hai chân. Anh không cần đến
tôi nữa à? Thế thì tôi cũng chẳng cần anh!
Nàng đọc thư của Meggie.

Justine thương yêu của mẹ,
Như mọi khi, con lại hành động trong một cơn xúc động và với sự vội vã
thương lệ, do đó mẹ mong rằng thư của mẹ đến con kịp thời. Nếu trong
những bức thư của mẹ gần đây có điều gì đó thúc đẩy con phải có một
quyết định đột ngột, mẹ mong con bỏ qua cho mẹ. Mẹ không có ý định gây
cho con một phản ứng dứt khoát đến thế. Mẹ nghĩ rằng mẹ chỉ tìm kiếm một
chút tình cảm dễ thương nhưng mẹ quên rằng bên dưới cái vỏ bọc ngoài rất
cứng ấy của con lại ẩn giấu nhiều sự dịu dàng.
Đúng là mẹ cô đơn, cô đơn khủng khiếp; thế nhưng không phải con về đây
là có thể đổi được điều đó. Nếu con chịu suy nghĩ một chút, con sẽ thấy
rằng mẹ nói đúng. Con hy vọng làm được gì khi trở về nhà? Con không có
khả năng trả lại cho mẹ những gì mẹ đã mất và con cũng không thể hàn gắn
lại được nỗi mất mát đó. Sự mất mát ấy không chỉ là của riêng mẹ mà cũnglà của con, của cả bà ngoại và của tất cả những người còn lại. Hình như
con đang nuôi trong đầu một suy nghĩ hoàn toàn sai, rằng con là người có
một phần trách nhiệm về cái chết của Dane. Sự xung động đột ngột của con
gây cho mẹ cảm tưởng về hành động hối hận. Đó là tính kiêu ngạo và lòng
tự phụ Justine à. Dane là một người đã trưởng thành chứ không phải là đứa
bé yếu đuối. Chính mẹ đã để Dane đi mà. Nếu mẹ là con, mẹ cũng rơi vào
sự hối hận, phải chịu sự hành hạ tinh thần, tự than trách mình tại sao đã cho
phép Dane sống theo cuộc sống mà em con thích. Nhưng mẹ không để mình
quanh quẩn với ý nghĩ tự lên án như thế. Không ai trong chúng ta là Chúa
và mẹ tin rằng cuộc đời đã dành cho mẹ nhiều điều kiện để hiểu điều đó
hơn con. Trở về nhà, con hiến cuộc đời của con cho mẹ như một hy sinh.
Mẹ không bao giờ muốn điều đó. Bây giờ mẹ nói thẳng rằng mẹ từ chối.
Con sống ở Drogheda không thích hợp, không bao giờ thích hợp. Nếu con
chưa hiểu ra ở đâu là nơi thích hợp cho con, mẹ đề nghị con ngồi lại ngay
và bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc. Đôi khi, con giống như cô con
gái bốc đồng không thể hiểu được. Rainer là một người đàn ông rất tốt, mẹ
chưa từng gặp ai vị tha như ông ấy. Vì vong hồn của Dane, con hãy ngưng
hành động như một đứa con nít, Justine à. Con yêu của mẹ, một tia sáng đã
tắt. Với tất cả chúng ta còn lại, đó không thể khác hơn là một tia sáng đã
tắt. Con hoàn toàn không thể làm gì được, con hiểu chứ? Mẹ không tìm
cách nói dối với con mẹ đang sống vui sướng. Kiếp người không cho phép
mẹ dối mình như thế. Nhưng nếu con tưởng tượng rằng ở đây, Drogheda,
mọi người suốt ngày chỉ khóc và rên rỉ thì đó là điều sai lầm lớn. Những
người ở đây biết hưởng cuộc sống và một trong những nguyên nhân lạc
quan ấy là vì tất cả hy vọng một thứ ánh sáng hướng về con. Ánh sáng của
Dane đã tắt vĩnh viễn. Mẹ van con, Justine yêu của mẹ, hãy cố hiểu điều
đó và chấp nhận. Hãy trở về Drogheda nếu trong lòng con muốn và khi ấy
cả nhà sẽ rất vui mừng. Nhưng con về đây không phải để sống vĩnh viễn,
đó chỉ là một hy sinh về phần con, một sự hy sinh vô ích, không có mục
đích. Trong nghề nghiệp mà con theo đuổi, nếu con rời xa sân khấu con sẽ
trả giá đắt. Con hãy ở lại nơi đã sống, thực hiện một cách xứng đáng sự
nghiệp của con trong thế giới mà con đã chọn.Đau đớn. Không khác những ngày tiếp theo cái chết của Dane. Cùng một
nỗi đau dữ dội, không thể tránh. Cùng một sự bất lực đầy âu lo. Không, tất
nhiên là không, nàng không thể làm gì hết. Không có cách nào hàn gắn,
không có cách nào. Hãy hét lên cho bớt đau khổ! Ấm nước đã sôi! Suỵt,
ấm nước, suỵt! Trở thành đứa con duy nhất của mẹ thì ra sao, hỡi ấm
nước? Hãy hỏi Justine, cô ta biết. Vâng, Justine biết rõ thế nào là một đứa
con duy nhất. Nhưng tôi không phải là đứa con mà bà mong muốn, người
phụ nữ già tàn phai, tự giam hãm mình ở một trang trại xa xôi. Mẹ ơi! Mẹ
có nghĩ rằng có một đứa con nào lại có thể từ chối trở thành đứa con duy
nhất của mẹ mình. Thật là không công bằng khi Dane là người phải chết...
Mẹ có lý. Sự trở về Drogheda của con chẳng thay đổi được gì bởi thực tế
Dane sẽ không bao giờ sống lại. Một tia sáng đã tắt, và con không thể đốt
cháy trở lại. Nhưng con hiểu mẹ muốn nói gì. Ánh sáng của con luôn cháy
trong lòng mẹ, nhưng không phải sáng lên ở Drogheda.
__________________
Chương 45
Fritz ra mở cửa, rời bỏ bộ quần áo tài xế màu xanh nước biển rất đẹp, thay
vào là chiếc áo gilê bó sát của người đầu bếp.
- Fritz, anh chỉ là người phụ vụ tầm thường của ngài Hartheim hay là người
bảo vệ cho ông ấy? Nàng vừa hỏi vừa đưa chiếc áo khoác cho Fritz.
Mặt anh ta lạnh như tiền.
- Ngài Hartheim đang ở trong phòng làm việc thưa cô O'' Neill.
Rainer ngồi nhìn ngọn lửa, người hơi nghiêng về phía trước, con mèo cái
Natasha mà Rainer mang về nuôi từ khi Hồng Y qua đời nằm lim dim
trước lò sưởi. Khi cánh cửa phòng mở, ông ngước mắt lên, nhưng không
nói tiếng nào và cũng chẳng tỏ ra vui mừng gặp lại nàng.
Justine bước vào, đến ngồi dưới đất đối diện với Rainer và ngả đầu lên
gối của ông ta.
- Rainer, em hối hận đã làm phí tất cả những năm tháng, nàng thì thầm. Em
không làm sao chuộc lại được.Rainer không đứng lên, không kéo nàng vào lòng, anh ta ngồi xuống đất
bên cạnh Justinẹ
- Một phép mầu, Rainer nói.
- Anh vẫn chưa hết yêu em phải không? Nàng mỉm cười hỏi.
- Không, không bao giờ.
- Chắc em đã làm anh đau khổ rất nhiều.
- Không như em tưởng đâu. Anh biết em yêu anh và anh có thể chờ đợi.
Anh vẫn tin rằng một người kiên trì rồi cuối cùng thế nào cũng sẽ thắng lợi.
- Thế cho nên anh để mặc em tự vật lộn mình. Anh chẳng có chút buồn lo
nào khi báo với anh em sẽ về Drogheda vĩnh viễn, có đúng không?
- Ồ, không phải thế đâu! Nếu chuyện ấy liên quan đến một người đàn ông
khác thì anh đã chiến đấu đến cùng. Nhưng còn với Drogheda? ... Một đối
thủ quá lợi hại. Ồ, có, có chứ, anh rất buồn lo!
- Em không ngờ rằng đầu óc của anh lại rắc rối đến thế! Tại sao lúc ấy anh
không nói một cách đơn giản là anh vẫn còn yêu em? Em thiết tha được
nghe câu đó!
- Anh không nói vì nó đã quá rõ ràng, em có thể tự tìm hiểu lấy. Tự em
phải nhận ra điều đó chứ!
- Có lẽ em bị mù, một mình em không thấy gì hết, em cần sự giúp đỡ. Cuối
cùng thì mẹ em buộc em phải mở mắt ra. Một lá thư của mẹ nằm chờ em ở
nhà sau khi em chia tay với anh. Mẹ em khuyên em không nên về nhà.
- Mẹ em là một người phụ nữ tuyệt vời.
- Em biết anh đã gặp mẹ em, Rainer. Lúc nào vậy anh?
- Anh đi gặp mẹ em cách đây khoảng một năm. Drogheda là một trang trại
đẹp vô cùng, nhưng đúng là không thích hợp với em, Justine. Mục đích
chuyến đi của anh là làm cho mẹ em hiểu điều đó. Em không thể tưởng
tượng anh vui sướng đến mức nào khi cuối cùng mẹ đã thấy ra, mặc dù anh
không nghĩ rằng các lý lẽ của anh có sức thuyết phục cho lắm.
Justine đưa ngón tay đặt lên miệng Rainer.
- Em cũng thế, em hoài nghi Rain à. Em luôn hoài nghi. Có thể em sẽ hoài
nghi mãi mãi.
- Ồ, Justine, anh hy vọng rằng không! Phần anh, không thể có người phụ nữnào khác hơn. Chỉ có em. Cả thế giới đều biết như thế từ nhiều năm qua.
Nhưng những lời tỏ tình chẳng có ý nghĩa gì. D#78 cho anh có hét to lên
đến lạc giọng cũng không làm tan đi được những hoài nghi ở em. Vì vậy
Justine à, anh không kêu gào tình yêu của em nữa, mà anh sống với tình yêu
ấy. Làm sao em có thể nghi ngờ những tình cảm của người hiệp sĩ trung
thành nhất của em? Rốt cuộc thì em ở lại nhưng không phải do anh. Rất có
thể rồi đây em vẫn phải tiếp tục dựa vào những lời khuyên can, vỗ về của
mẹ đấy...
- Em van anh đừng nói thế, nhất là với giọng ấy! Rain tội nghiệp của em,
em đã lạm dụng sự kiên nhẫn của anh đến tận cùng! Em xin quỳ xuống
trước mặt anh.
- Lạy Chúa, cảm ơn em! Em hạ mình không lâu đâu! - ông nói vui vẻ. - Rồi
em sẽ trở lại là em ngay ngày mai thôi.
Sự căng thẳng đã biến mất, cái khó nhất đã qua.
- Anh muốn lúc nào em cũng vẫn là em, vẫn là Justine. Em không được
thay đổi một tí nào, dù là một chấm tàn nhang hay một tế bào trong não của
em.
Justine vòng tay qua cổ Rainer, những ngón tay luồn vào mân mê mái tóc
bạch kim dày của ông.
- Ôi, anh có biết được em đã chờ cái giây phút này như thế nào không?
Nàng thì thầm. Em không bao giờ quên.
__________________
Chương kết
Bức điện tín được viết như sau...
Con đã trở thành bà Rainer Moerling Hartheims. Lễ cưới tại Vatican. Giáo
Hoàng tha hồ ban phép lành các bà vợ muôn năm! Sẽ về nhà tuần trăng
mật sớm nhất có thể được, nhưng từ nay gia đình ở châu Âu. Muôn vàn âu
yếm của Rain nữa cho mọi người. Justine.
Meggie đặt tờ giấy điện báo xuống bàn, mắt nhìn ra cửa sổ, hướng về phíanhững đóa hoa hồng mùa thu đang nở khắp vườn. Hương thơm hoa hồng,
những rung động hoa hồng; cả những cây bông bụt, cây cọ, cây bạch đàn,
và cả cây hoa giấy vốn nhìn cuộc đời từ trên cao.
Vườn hoa đẹp và sống động vô cùng. Nhìn những chồi nụ và những mầm
xanh nẩy nở rồi héo tàn; rồi những ước mơ mới lại đến, tiếp tục môt chu kỳ
không thay đổi, mãi mãi không hề dừng lại ở nơi kết thúc.
Thế là Drogheda không còn nữa. Vâng, đã đến lúc, thật đúng lúc. Chu kỳ
cứ tiếp tục với những người xa lạ. Hình phạt tôi xin chịu một mình, tôi
không thể phiền trách ai. Và tôi chẳng luyến tiếc gì.

Hết