Huyền thoại Thánh Gióng đã có cuộc đời dài như lịch sử dân tộc và lễ hội Gióng đã có từ vài trăm năm trước đây. Nghiên cứu huyền thoại và hội Gióng hơn trăm năm có lẻ. Trở lại đề tài này sau nhiều công trình tài hoa của nhiều học giả đi trước quả là một thách thức không nhỏ. Chúng tôi đành chọn lối nghiên cứu gián tiếp hay còn gọi lối nghiên cứu văn bản thiên về lý thuyết. Chúng tôi muốn đề cập tới việc tiếp cận lễ hội nói chung và hội Gióng nói riêng từ quan điểm có tính biện chứng của nhà văn hóa học người Đức Jan Asman khi coi lễ hội như là hình thức đầu tiên của ký ức văn hóa".
Một mặt, ông cho rằng: "Ký ức văn hóa gắn chặt với những lễ hội. Nó không hoàn toàn như một dòng chảy, thâm nhập từ ngoài vào những cá thể, mà nói đúng hơn là một thế giới vật thể, thế giới mà con người sáng tạo ra”. Và ở mặt khác: “Ký ức văn hóa tuần hoàn theo hình thức hồi ức, mà khởi đầu là việc của các lễ hội và việc tổ chức lễ hội”. Theo ông: “Sự lặp đi lặp lại nghi lễ đảm bảo cho tính liên kết giữa cộng đồng trong không gian và thời gian. Thông qua lễ hội như là hình thức tổ chức đầu tiên của kí ức văn hóa thì (hình thức) thời gian được chia ra thời gian thường nhật (ngày thường) và thời gian lễ hội trong xã hội chưa có chữ viết. Vào thời gian lễ hội hay còn gọi là “thời gian mơ mộng” của những ngày lễ lớn chân trời tri thức được mở rộng vào vũ trụ, vào thời kì của sự sáng tạo, của những cái sơ khai và của những chuyển biến lớn, mà thế giới thời cổ đại đã tạo ra. Những nghi lễ và những truyền thuyết viết lại ý nghĩa của thực tế. Sự tuân thủ sự bảo tồn và sự truyền đạt kĩ lưỡng đồng thời với bản sắc dân tộc đảm bảo cho thế giới phát triển không dừng.
Ở những nền văn hóa chưa có chữ viết ký ức văn hóa gắn với những văn bản (chữ viết) một cách phiến diện (không cân đối). Ở đây những điệu nhảy, trò chơi, nghi lễ, mặt nạ, những bức tranh, giai điệu, nhịp điệu, đồ ăn, uống, không gian, những địa điểm, trang phục, hình xăm, trang sức, vũ khí thuộc những hình thức tự tưởng tượng và tự chứng nhận cho dân tộc mình một cách mạnh mẽ hơn nhiều”[1]. Có thể nói, quan điểm nghiên cứu huyền thoại và lễ hội dưới góc độ ký ức văn hóa, dẫu không tuyên bố, đã được các học giả từ Nguyễn Văn Huyên, Cao Huy Đỉnh đến Trần Quốc Vượng… vận dụng một cách nhuần nhụy.
Thiên thần thoại Thánh Gióng từ ký ức huyền thoại và ký ức tín ngưỡng đã tạo ra một ký ức không gian trên nhiều di tích cả một vùng trung châu rộng lớn, và đặc biệt đã được lưu giữ và trao truyền qua ký ức lễ nghi và diễn xướng của lễ hội Thánh Gióng.
Tôn vinh Lễ hội Thánh Gióng. Ảnh: VNP |
1. Ký ức huyền thoại
Thánh Gióng là một trong những thiên huyền thoại đẹp đẽ và hoành tráng nhất của người Việt thể hiện tinh thần và sức mạnh trong đấu tranh chống ngoại xâm, giữ nước.
Chuyện kể rằng: vào đời Hùng Vương thứ 6, ở làng Gióng có hai vợ chồng ông lão chăm làm ăn và có tiếng là phúc đức. Hai ông bà ao ước có một đứa con. Một hôm bà ra đồng trông thấy một vết chân to quá, liền đặt bàn chân mình lên ướm thử. Không ngờ về nhà bà thụ thai và mười hai tháng sau sinh một thằng bé mặt mũi rất khôi ngô. Hai vợ chồng mừng lắm. Nhưng lạ thay! Đứa trẻ cho đến khi lên ba vẫn không biết nói, biết cười, cứ đặt đâu thì nằm đấy.
Bấy giờ có giặc Ân đến xâm phạm bờ cõi nước ta. Thế giặc mạnh, nhà vua lo sợ. Bèn truyền cho sứ giả đi khắp nơi tìm người tài giỏi cứu nước. Đứa bé nghe tin, bỗng dưng cất tiếng nói: "Mẹ ra mời sứ giả vào đây". Sứ giả vào, đứa bé bảo: "Ông về tâu vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này".
Sứ giả vừa kinh ngạc, vừa mừng rỡ, vội vàng về tâu vua. Nhà vua truyền cho thợ ngày đêm làm gấp những vật chú bé dặn. Càng lạ hơn nữa, sau hôm gặp sứ giả, chú bé lớn nhanh như thổi. Cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ. Hai vợ chồng làm ra bao nhiêu cũng không đủ nuôi con, thành thử phải chạy nhờ bà con, hàng xóm. Bà con đều vui lòng gom góp gạo thóc nuôi chú bé, vì ai cũng mong chú giết giặc, cứu nước.
Giặc đã đến chân núi Trâu. Thế nước rất nguy, người người hoảng hốt. Vừa lúc đó, sứ giả đem ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt đến. Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt. Tráng sĩ bước lên vỗ vào mông ngựa. Ngựa hí dài mấy tiếng vang dội. Tráng sĩ mặc áo giáp, cầm roi nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun lửa, tráng sĩ thúc ngựa phi thẳng đến nơi có giặc, đón đầu chúng đánh giết hết lớp này đến lớp khác, giặc chết như rạ. Bỗng roi sắt gẫy. Tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc. Giặc tan vỡ. Đám tàn quân giẫm đạp nhau chạy trốn, tráng sĩ đuổi đến chân núi Sóc (Sóc Sơn). Đến đấy, một người một ngựa, tráng sĩ lên đỉnh núi cởi giáp sắt bỏ lại, rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời.
Vua nhớ công ơn, không biết lấy gì đền đáp, phong là Phù Đổng Thiên Vương và lập đền thờ ngay ở quê nhà. Hiện nay vẫn còn đền thờ ở làng Phù Đổng, tục gọi là làng Gióng. Mỗi năm đến tháng tư làng mở hội to lắm. Người ta kể rằng những bụi tre đằng ngà ở huyện Gia Bình vì ngựa phun lửa bị cháy mới ngả mầu vàng óng như thế, còn những vết chân ngựa nay thành những hồ ao liên tiếp. Người ta còn nói khi ngựa thét lửa, lửa đã thiêu cháy một làng, cho nên làng đó về sau gọi là làng Cháy.
Tượng Thánh Gióng tại Phủ Thành Chương. |
2. Ký ức tín ngưỡng
Từ ký ức huyền thoại ấy, thánh Gióng đã đồng thời/kế tiếp trở thành ký ức tín ngưỡng là một hình thức ký ức cộng đồng sâu sắc và mạnh mẽ nhất.
“Từ lâu người ta đã thờ Ông Đổng - cha khổng lồ ở một cái miếu cổ và cúng ông bằng bát cơm đĩa cà (cúng chay vào tiết mưa dông đầu hè mồng 9 tháng 4 âm lịch). Theo các cụ, trước và trong ngày ấy bao giờ cũng có gió bão sấm chớp mưa to. Các cụ nói: đó là “Ông Đổng về hái cà” hay “Gió hái cà”. Cũng từ lâu làng Dóng được gọi là Kẻ - Đổng"[2] và có tục trồng riêng một sào cà để dành cho Ông Đổng về hái. Ở các ruộng khác, người ta thường cắm cạnh mỗi cây cà một “que bông”, tức là những que tre dài, ở một đầu có vót thành xơ xoắn xuýt dính vào thân que như hoa cà, ngụ ý đẻ dành cho Ông Đổng, kẻo ông trảy cà, gây thiệt hại đến mùa cà”.
Từ một đức tin hồn nhiên như vậy, ông Gióng con của người cha khổng lồ đã thành Thánh Gióng hay là Phù Đổng Thiên Vương hay Xung Thiên Thần Vương, và cuối cùng, đã trở thành một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
3. Ký ức văn bản
Nhiều thế kỷ về sau với sự phát triển ý thức dân tộc và văn tự, thiên huyền thoại đó đã được trí thức phong kiến Việt Nam sưu tầm ghi chép và văn bản hóa. Nó trở thành ký ức văn bản, ví dụ: Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép lại về Thánh Gióng như sau:
"Đời Hùng Vương thứ 6, ở hương Phù Đổng, bộ Vũ Ninh có người nhà giàu, sinh một con trai, đến năm hơn ba tuổi ăn uống béo lớn nhưng không biết nói cười. Gặp lúc trong nước có tin nguy cấp, vua sai người đi tìm người có thể đánh lui được giặc. Ngày hôm ấy, đứa trẻ bỗng nói được, bảo mẹ ra mời thiên sứ vào, nói: "Xin cho một thanh gươm, một con ngựa, vua không phải lo gì". Vua ban cho gươm và ngựa, đứa trẻ liền phi ngựa vung gươm tiến lên trước, quan quân theo sau, đánh tan quân giặc ở chân núi Vũ Ninh. Quân giặc tự quay giáo đánh lẫn nhau, chết rất nhiều, bọn sống sót đều rạp lạy, tôn gọi đứa trẻ ấy là thiên tướng, liền đến xin hàng cả. Đứa trẻ phi ngựa lên trời mà đi. Vua sai sửa sang chỗ vườn nhà của đứa trẻ để lập đền thờ, tuế thời cúng tế. Về sau, Lý Thái Tổ phong là Xung Thiên Thần Vương. (Miếu thờ ở cạnh chùa Kiến Sơ, hương Phù Đổng)"[3]
Thiên huyền thoại được lưu giữ vào ký ức văn bản như là một bước tiến của ký ức văn hóa. Tuy nhiên, sức sống của nó trong ký ức dân gian còn mạnh mẽ hơn khi nó bước ra khỏi sử sách để sống một cách mãnh liệt trong tâm thức và trong khát vọng của nhân dân ta góp nên ký ức cộng đồng. “Khác với sử sách, giàu hơn sử sách, có những lời kể khi văn xuôi, khi vần vè của nhiều cụ già trên sáu mươi tuổi về hình ảnh Dóng sinh ra, lớn lên và phóng ngựa đuổi giặc, gắn chặt với con người, cây cỏ, đất nước và nghi lễ hội hè miền trung châu"[4].
4. Ký ức không gian
Không dừng lại ở đó, thiên huyền thoại còn được lưu giữ trong Ký ức không gian với nhiếu dấu tích và di tích:
“Ngày nay dấu chân ông Đổng còn thấy ở nhiều nơi: làng Bình Tân (Xã Thị Cầu - Quế Võ) núi Đạm (xã Nam Sơn - huyện Quế Võ), núi Khám (xã Việt Đoàn, huyện Tiên Sơn), bờ giếng làng Bưởi - nồi (xã An Bình - huyện Gia Lương) đỉnh Sóc (huyện Đa Phúc, tỉnh Vĩnh Phú) và đặc biệt là làng Dóng mốt (còn gọi là Vườn Đổng, Đổng Viên hay Cố Viên), được nhận là vườn quê bà mẹ Dóng”[5]. Ở đây có một đặc điểm nổi bật trong văn hóa Việt là mối quan hệ biện chứng giữa không gian hóa huyền thoại và huyền thoại hóa không gian. Dường như mỗi bước ta đi ở trung châu mà ngỡ ta đi trong một không gian huyền thoại. Và điều này không chỉ đúng với huyền thoại Thánh Gióng. GS. Trần Quốc Vượng đã nhận thấy tính đa bình diện của ký ức không gian này bao gồm: một không gian địa lý - lịch sử và một không gian biểu tượng.
Trước hết giáo sư đề cập tới một không gian địa lý - lịch sử:
"Không gian phân bố các di tich có liên quan đến huyền tích Gióng là một miền chân núi châu thổ Bắc Bộ, được khoanh lại trong vùng tam giác nâu, với 3 đỉnh là:
1 - Làng Phù Đổng bên bờ sông Đuống: Quê hương và là nơi xuất phát của Thánh Gióng, người khổng lồ ba tuổi.
2 - Núi Châu Cầu (Vũ Ninh nay thuộc Quế Võ) ở Lục Đầu Giang: "Chiến trường" chống "Giặc Ân xâm lược, nơi Thánh Gióng giết tướng giặc Ân là Thạch Linh (tinh Đá).
3 - Núi Sóc hay rặng núi Sót - đúng hơn là miền "trước núi" của dải Tam Đảo hùng vĩ: Nơi Thánh Gióng cưỡi ngựa bay lên trời. Nối Châu Sơn và Sóc Sơn là một sống đất cao dần lên, trên đó điểm từng cụm "vết chân ngựa Gióng".
Đó là không gian của một "bộ" (vùng) - bộ Tây Vu trong phức thể gọi là 15 bộ hợp thành "nước" Văn Lang của các vua Hùng - hay là vùng chân núi giáp đồng bằng, cái nôi của văn hóa Việt và người Việt cổ”.
Sâu hơn không gian lịch sử và địa lý đó là trầm tích một không gian biểu tượng. GS. Trần Quốc Vượng đã giải mã không gian này như sau:
“1 - Vết chân ngựa Gióng: Làm ăn, chủ yếu là làm ruộng trồng lúa, thì mối quan tâm chính là nước. Nước mưa, trời cho, theo thời mà làm ruộng.
2 - Những bụi tre đằng ngà xưa kia còn mọc thành rừng, ở quanh hồ Tây, ở ven sông Đuống, sông Dâu, sông Cầu.... CHẶT TRE NÊN GẬY; Kho vũ khí thông thường và phổ biển của người dân quê.
3 - Cọc buộc ngựa trên một sườn của đất Vũ Ninh sơn (Châu Cầu thất gian) tôi đã tận mắt nhìn thấy cái gọi là "Cọc buộc ngựa của giặc Ân". Đó là một trụ đá nhân tạo, cao trên dưới 4 mét, trên nhỏ có ngãng, dưới to có ngõng cắm xuống một PHIẾN ĐÁ thời Lý tựa như trụ đá chùa Đạm (cũng ở Quế Võ tức châu Vũ Ninh thời Lý, nơi sử sách chép nhà Lý dựng nhiều chùa: Lâm Sơn, Sùng Nghiêm, Chúc Thánh... với hình tượng dương vật và ám vật, biểu tượng của Sự sống, của Sức Mạnh Trần Tục, sự sống và sức mạnh vĩnh hằng.
4 - Ngựa đá giặc Ân. Theo huyền thoại, Thạch Linh, tướng giặc Ân rất tàn ác, sai làm con ngựa đá rồi bắt dân phải cắt cỏ cho ngựa đá ăn, nếu ngựa không ăn, người dân bị giết chết.”.
Ngoài ra làm nên ký ức không gian còn có hệ thống đền thờ thánh Gióng. Ví dụ, đền Phù Đổng hay còn gọi là đền Gióng thờ Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương, nằm ở xã Phù Đổng, Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Đôi câu đối trước cổng đền viết: Thiết mã khóa vân cung, tuấn nhạc, liên quan thiên cổ ngưỡng
Thạch long kiều thủy các, sùng từ uy vọng ức niên khâm
(Ngựa sắt vượt cung mây, núi cao rạng rỡ ánh thiêng, ngàn năm nhìn ngắm
Rồng đá chầu gác nước, đền lớn nguy nga vẻ đẹp, muôn thuở tôn sùng)
Trong hậu cung còn có tượng Thánh Gióng và các tướng hộ vệ, cũng là nơi giữ các đạo sắc phong của các triều đại phong kiến. Có thể nói ký ức không gian ấy “Và "những vết chân ngựa Gióng" còn in hằn trên mặt đất, mãi mãi in sâu trong lòng đất, trong lòng người, trong lòng lịch sử... như chứng cứ muôn đời không phai của kỳ tích anh hùng”[6].
5. Ký ức lễ nghi
Hội Gióng là một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Theo Nguyễn Văn Huyên thì "việc tổ chức hội Gióng như ngày nay mới bắt đầu từ khoảng thế kỷ XI, đời Lý Thái Tổ"[7]. Lý Công Uẩn trước khi sáng lập ra triều Lý sống ở chùa Kiến Sơ, gần đền Phù Đổng và thường đến đây dâng hương cầu xin thần cho biết vận mệnh đất nước. Sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ đã ra lệnh tôn tạo, mở rộng đền Phù Đổng và quy định thể thức tổ chức lễ hội. Theo Cao Huy Đỉnh: “Vì trung châu là nơi đã gắn những đặc điểm xã hội và thiên nhiên của mình với cuộc đời và chiến công thần kỳ của Dóng, là nơi đã dựng lên ngôi đền Dóng uy nghi và mở hội Dóng náo nhiệt hàng năm. Đền Dóng và hội Dóng ấy đã khắc sâu vào trí nhớ muôn đời của nhân dân hình tượng vô cùng rực rỡ của người anh hùng.”[8].
Hội Gióng ở Sóc Sơn và hội Gióng ở xã Phù Đổng, có ý nghĩa và hoàn chỉnh hơn những nơi khác, từ ý tứ truyền thuyết đến nghệ thuật diễn xướng, hay nói theo Jan Asman, từ ký ức huyền thoại đến ký ức lễ nghi. Những nghi thức được quan tâm, chứa đựng trong nó sự huyền bí và sức sống của một huyền thoại gắn liền với lòng tự chủ dân tộc của người Việt Nam. Ở phương diện này có thể coi hội Gióng như là hình thức ký ức văn hóa đầu tiên.
Đây là cơ hội để người tham dự được chứng kiến một hệ thống lễ thức với các thao tác thuần thục, uy nghi, mang tính nghệ thuật và tính biểu tượng cao nhằm tái hiện mối quan hệ nhiều chiều giữa làng và nước, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa quá khứ và hiện tại, giữa thực và ảo, giữa thiêng liêng và trần tục. Trong bài viết này dành mối quan tâm và phân tích hội Gióng Phù Đổng.
Hội Gióng Phù Đổng chính thống được tổ chức hàng năm vào hai ngày mùng 8 và mùng 9 tháng 4 âm lịch tại xã Phù Đổng, huỵện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, nơi sinh ra người anh hùng huyền thoại “Phù Đổng Thiên Vương". Để biểu đạt những ý tưởng và triết lý dân gian, hội Gióng Phù Đổng có dàn vai diễn hết sức phong phú và độc đáo. GS. Nguyễn Văn Huyên gọi là hội trận. Chúng tôi xin được gọi đây là hội cờ tướng. Các quân cờ chia ra hai phe. Một bên là các ông “hiệu", hệ thống tướng lĩnh của Ông Gióng: “Phù giá“, đội quân chính quy. Một bên đối địch là các “cô tướng“, tượng trưng các đạo quân xâm lược. Phường “Ải Lao", trong đó có “Ông Hổ", đội quân tổng hợp. “Làng áo đỏ“, đội quân trinh sát nhỏ tuổi. “Làng áo đen", đội dân binh v.v…
Ký ức Thánh Gióng qua truyền thuyết dân gian. |
Hội Gióng như là một bàn cờ tướng rộng lớn với hàng trăm quân cờ. Cũng như các đạo cụ, y phục, mỗi một chương mục, mỗi một quân cờ đều chứa đựng những ý nghĩa hết sức sâu sắc. “Rước khám đường" là trinh sát giặc; “Rước nước" là để tôi luyện khí giới trước khi xuất quân; “Rước Đống Đàm“ là đi đàm phán kêu gọi hoà bình; "Rước trận Soi Bia" là mô phỏng cách điệu trận đánh ác liệt.
Hội Gióng không chỉ là hội trận, hội cờ mà còn là một hệ thống tượng trưng. Lá cờ “lệnh" tôn nghiêm cùng với các động tác múa cờ "lệnh" của ông hiệu Cờ (tượng trưng Ông Gióng) là biểu đạt phép luỵện quân để giành thắng lợi. “Binh pháp phải mưu lược sáng tạo" (múa cờ thuận và múa cờ nghịch). Đội phù giá ngoại có tới 120 người, đóng khố, cởi trần, đầu đội mũ có hình quả dưa, trên có đính chín con rồng nhỏ, tượng trưng cho đất, vai đeo một túi “bán nguyệt" có hình nửa vầng trăng, tượng trưng cho trời, tay cầm chiếc quạt giấy màu nâu khắc cụp, khắc xòe theo khẩu lệnh của ác ông “Xướng“ và “Xuất“, tượng trưng cho một loại vũ khí có sức biến ảo khôn lường. Tất cả hoà quyện trong vai diễn phù giá làm nổi rõ sức mạnh vô địch khi người chiến binh được thấm nhuần hào khí thiêng của đất trời quê hương. Trong lễ hội có 28 cô gái trẻ đóng vai tướng giặc, tượng trưng cho 28 đạo quân xâm lược nhà Ân.
GS. Trần Quốc Vượng trong công trình Truyền thuyết về ông Gióng - trong sách vở và ở ngoài đời đã có một sự đúc kết khá xác đáng như sau: “Tham gia sáng tác truyền thuyết là người dân trung châu, người Chàm nô lệ Việt hóa, vị thiền sư Phật giáo, vị đạo sĩ Lão giáo… rồi từng bước chuẩn nhận của triều đình rồi trả về cho dân chúng cho làng xã, tạo nên một sự hài hòa dù là tương đối và chưa hoàn toàn nhuần nhuyễn giữa: Truyền thuyết <--> Sự thờ cúng <-->Lễ hội”[9].
Như là một ký ức văn hóa phong phú và đa dạng, lễ hội Thánh Gióng là sự chuyển hoá và tổng hợp từ ký ức huyền thoại <-->ký ức tín ngưỡng <--> ký ức không gian <--> ký ức văn bản <--> ký ức lễ nghi. Có thể nói, lễ hội Thánh Gióng đã biểu tượng hóa, diễn xướng hóa và vừa mã hóa vừa giải mã huyền thoại Thánh Gióng để truyền đạt về một ý niệm văn hóa của dân tộc ta, đó là chủ nghĩa anh hùng yêu nước và đưa nó tái hòa nhập vào ký ức cộng đồng. Ký ức văn hóa đã giải đáp vấn đề này như sau: “Với tư cách là một khái niệm tổng hợp đối với tất cả tri thức, ký ức văn hóa điều khiển hành động và trải nghiệm trong khuôn khổ liên hành động đặc thù của một xã hội và chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác để luyện tập và chỉ dẫn, lặp đi lặp lại”.
Đúng như Jan Assmann đã viết như sau: “Với khái niệm ký ức văn hóa chúng ta đã tổng kết đặc điểm độc đáo của mỗi xã hội và mỗi thời kỳ về mặt tái sử dụng các văn bản, các bức tranh và các nghi lễ, trong đó sự bảo tồn của chúng sẽ đảm bảo “chân dung tự họa” và đưa đến cho cộng đồng những tri thức được chia xẻ có tính tập thể về quá khứ dựa vào một nhóm những ý thức về sự thống nhất và đặc trưng”.
Chức năng của ký ức văn hóa là sáng tạo và củng cố một “bức chân dung tự họa”- như Jan Assmann viết tiếp - Một dân tộc sẽ phát triển bản sắc dân tộc hay chủ nghĩa dân tộc. Việc dân tộc và nhân dân phát triển “bức chân dung tự họa” là điều không phải bàn cãi”[10].
Lễ hội nói chung và lễ hội Thánh Gióng nói riêng là sự thể hiện, là sự phát lộ của kí ức văn hóa ấy, của kí ức tín ngưỡng, kí ức cộng đồng.
Lễ hội Thánh Gióng là một nghi thức thờ cúng anh hùng dân tộc, đồng thời là một cuộc tổng diễn xướng anh hùng ca Thánh Gióng trên một quy mô rộng lớn. Nó là một bước phát triển phong phú của anh hùng ca dân tộc. Một lần nữa, huyền thoại này trong đó có những yếu tố cổ nhất, hồn nhiên nhất đã sống lại, làm sống lại chủ đề và hình tượng người anh hùng tập thể của bộ lạc đang được nâng lên thành người anh hùng dân tộc với một chất lượng mới: một biểu tượng văn hóa có tầm vóc đặc biệt thể hiện khát vọng muôn đời và hào khí của dân tộc ta./.
Thành phố Hồ Chí Minh, 4-4-2010
PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên