Tiên Châu nằm ở hạ lưu sông Cái, sát bên bờ biển, là vùng đất có phong cảnh đẹp. Truyền thuyết kể rằng vào một đêm trăng sáng, ngoài bãi sông lấp loáng ánh vàng có nhiều tiên nữ giáng trần vui chơi múa hát. Một ngư dân đi đánh cá đêm trên sông khi nhìn thấy các tiên nữ vui đùa đã rón rén lại gần và bị phát hiện nên các tiên nữ biến mất. Do tích này mà bãi cát đoạn cuối của dòng sông Cái có tên gọi Tiên Châu (Bãi Tiên).
Tiên Châu có bãi cát vàng
Có cầu Vạn Củi, có hàng dừa xanh
Cảng cá Tiên Châu (Tuy An) ngày nay - Nguồn: Internet
Không rõ truyền thuyết trên thực hư như thế nào, nhưng dựa vào chính sử thì vùng đất này nguyên lúc trước có tên là Mạn Đò Phụ Lũy, đến năm 1832 đổi là Tiên Châu và mang tên gọi đó cho đến nay (1). Ngoài vẻ đẹp của vùng đất có phong cảnh sông nước hữu tình, Tiên Châu còn có cảng thị mà vai trò của nó gắn với những hoạt động thương mại nhộn nhịp của vùng đất Phú Yên trong các thế kỷ 17-18.
Năm 1629, chúa Nguyễn Phúc Nguyên sai Phó tướng Mạc Phúc Vinh (về sau ban cho quốc tính là Nguyễn Phúc Vinh khi gả công chúa Ngọc Liên) vào lập Dinh Trấn Biên (Phú Yên). Sau khi lập dinh Trấn Biên, Nguyễn Phúc Vinh được phong chức Trấn Thủ coi giữ đất Phú Yên, có quyền hành rất lớn, cho dùng ấn son. Với vai trò là dinh Trấn Biên, Phú Yên đảm nhận nhiệm vụ trấn giữ biên cảnh về phía Nam của nhà nước Đại Việt-xứ Đàng Trong cho đến năm 1698, khi dinh Trấn Biên chuyển vào xứ Đồng Nai.
Trị sở dinh Trấn Biên Phú Yên lúc bấy giờ đặt ở thôn Hội Phú, gần cảng thị Tiên Châu, trong dân gian gọi là Thành cũ để phân biệt với Thành mới là thành An Thổ xây dựng vào năm 1836. Nằm ở vị trí gần trị sở của dinh Trấn Biên nên Tiên Châu có điều kiện phát triển nhanh chóng, trở thành một cảng thị đóng vai trò quan trọng trao đổi hàng hóa trên con đường thương mại ven biển xứ Đàng trong thời bấy giờ. Lúc này các thương nhân người Việt chuyên chở hàng hóa trên các phương tiện là ghe bầu xuất phát từ các dinh phía bắc như Quảng Nam dinh, Bố Chính dinh, Quảng Bình dinh vào Trấn Biên buôn bán. Hàng hóa đem đến trao đổi chủ yếu là vải vóc, sắt thép, nông cụ lao động và những vật dụng cần thiết cho nhu cầu đời sống hàng ngày của nhân dân và các quan lại ở đây. Sau đó, các thương lái gom mua các sản vật địa phương mang đi như mật ong, sừng tê, sa nhân, cao hổ, lông thú, mía, đường, cau, bông, gốm (Quảng Đức)…. Sang thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, đội ngũ thương nhân người Hoa tham gia vào tuyến đường buôn bán này, do đó Tiên Châu càng có điều kiện phát triển trở thành cảng thị sầm uất cùng với các cảng thị khác ven biển miền Trung như Hội An, Nước Mặn, Cù Huân.
Trong hoạt động thương mại nội địa, cảng thị Tiên Châu đóng vai trò là đầu mối xuất phát và điểm dừng chân của các thương lái trên tuyến vận chuyển hàng hóa dọc sông Cái trước khi đến các vùng núi miền tây Phú Yên. Hai bờ sông Cái có nhiều chợ mọc lên từ thế kỷ 17-18, một số chợ tồn tại cho đến nay như chợ Tiên Châu, chợ Ngân Sơn, chợ Đèo, chợ Cận, chợ Đồng Dài, chợ Gò Chai, chợ Lùng, chợ Hà Bằng, chợ Gò Sạn…
____________________
(1) Tiên Châu nay thuộc xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Bên cạnh vai trò thương mại, cảng thị Tiên Châu còn là nơi các thừa sai châu Âu đặt chân đi vào nội địa dinh Trấn Biên (Phú Yên) để truyền bá Ki-tô giáo. Năm 1641, giáo sĩ Alếch-xăng-đờ-Rốt đi thuyền từ Hội An đến Tiên Châu để truyền đạo. Tại đây ông được quan trấn thủ Nguyễn Phúc Vinh đón tiếp và cho giảng đạo tại nhà nguyện xây cất trong dinh Trấn Biên. Công chúa Ngọc Liên –vợ của Nguyễn Phúc Vinh là một trong những tín đồ Ki-tô giáo đầu tiên ở đây. Bà cho lập một nhà thương để săn sóc, cứu chữa những người nghèo không may đau ốm. Trong các bản đồ của Alêch-xăng-đờ-Rốt khi vẽ vùng đất xứ Đàng Trong có ghi địa danh Dinh Phoan (tức là dinh Phú Yên). Nhà thờ Ki-tô giáo đầu tiên xây dựng ở dinh Trấn Biên là nhà thờ Mằng Lăng nằm bên bờ sông Cái cách cảng thị Tiên Châu không xa được xây cất vào năm 1892.
Ngày nay, Tiên Châu được tỉnh Phú Yên đầu tư trở thành cảng cá cảng hiện đại, có hệ thống bến tàu, luồng dẫn, hệ thống phao tiêu báo hiệu, bãi tập kết cá, hệ thống cung cấp điện nước, khu hậu cần nghề cá… với diện tích mặt nước rộng trên 30 000 m2 phục vụ cùng lúc cho hơn 400 tàu có sông suất lớn, đồng thời là nơi trú đậu tàu thuyền khá an toàn mỗi khi có bão./.
TS. Đào Nhật Kim