July 25, 2014

Tại sao người Pháp chọn Sông Cầu làm tỉnh lỵ Phú Yên?

Standard
Người Pháp chọn Sông Cầu  làm tỉnh lị Phú Yên phải chăng cho hợp với kinh đô Huế? Phải chăng, coi việc đi cai trị Đông Dương là được đi an dưỡng, tắm biển, phơi nắng, thở hít không khí trong lành? Để tạo cho Sông Cầu một bề thế, trong phạm vi nhỏ hẹp này họ đã phóng nhiều con đường ngang dọc, trồng cây, trồng hoa. Sông Cầu có sông, nhưng sông nhỏ quá nên không được để ý đến. 
Xe đang bon bon trên đường nhựa nóng bỏng, lòng ta bỗng nhẹ xuống khi nhìn thấy từ xa những rặng dừa xanh.
Người ta chỉ biết có biển với những bãi thấp, cát mịn. Sông Cầu cũng đáng gọi là một Beau Rivage nhưng cái tên ấy đã bị đàn anh Nha Trang giành mất. Công sứ Phú Yên A. Laborde viết trên tạp chí Đô thành hiếu cổ (BAVH số 4 quý 4/1929) lời vị tiền nhiêm của ông năm 1890: “Sông Cầu là một  trong những cảng đẹp nhất thế giới với sức chứa hàng trăm con tàu. Nó được coi như cảng chính của Trung Kỳ” và đưa ra nhận xét: “Có thể ông Công sứ này hơi cường điệu nhưng phải nhận thấy rằng vịnh lớn này với những đáy từ 5 đến 15m có thể trở thành một cảng an toàn và còn thuận tiện hơn cảng Qui Nhơn nơi mà lối vào ngày càng trở nên khó khăn. Chắc chắn là sau khi hoàn thành  những quốc lộ và đường địa phương đi lại thuận tiện thì Sông Cầu được ưa chuộng hơn Qui Nhơn vì nó thuận tiện hơn trong việc đi đến La Hai, và nhất là Củng Sơn, cánh cửa thông thương với Kon Tum và Đắc Lắc”.
Tỉnh, nơi các quan Nam triều làm việc đóng ở phía tây, trong thành, thâm nghiêm kín cổng cao tường. Bây giờ dinh Tuần vũ, dinh Án sát trơ trọi nền sân, một đoạn tường ngắn, hành cung còn lại mấy trụ biểu đắp hình rồng chầu. Tòa, nơi các quan “bảo hộ” Pháp làm việc ở phía đông với những kiến trúc mới hoàn toàn không để lại dấu vết. Lứa học  trò trường tỉnh hồi ấy, tuy mới lớp nhất đều lớn tuổi, lớn xác, vẫn giữ một chút ngơ ngác nhà quê, đi trên con đường râm mát ngơ ngác nhìn dinh ông Sứ, ông Phó sứ, hàng hoa rực đỏ mùa hè. Cũng từ chút nhà quê ấy, trong mắt họ, con gái Sông Cầu, người đẹp xứ dừa sao mà đoan trang đài các.
Dẫu sao, sau An Thổ và Vũng Lấm, Sông Cầu cũng có hơn 50 năm là tỉnh lị, từ đời Thành Thái đến tháng 8/1945. Cho nên khi nhường địa vị cho Tuy Hòa, Sông Cầu vẫn cố giữ vững tư thế của mình trong nét trang nghiêm đạo mạo. Một chút trầm tư trước biển dâu của một người từng trải. Không như Vũng Lấm, khi nhường địa vị cho Sông Cầu là nhường tất cả.
Bây giờ dáng xưa của Sông Cầu đã chôn vùi theo vàng son quá khứ, nhưng trong xu thế phát triển mới Sông Cầu đang hồi sinh. Nhiều công sở, nhiều nhà cửa được xây dựng, phố xá đông thêm, Sông Cầu thành chật chội hơn, bớt đi vẻ quý phái ngày nào. Bây giờ Sông Cầu không còn loại tương ngon của chùa Thiên Thai đã đi vào ca dao:
Rủ lên Đá Trắng ăn xoài
Muốn ăn tương ngọt Thiên Thai thiếu gì

Tuy vậy khi đến Sông Cầu ta vẫn được hưởng không khí mát lành, được nếm nhiều món đặc sản biển và những chiếc bánh “phu thê”  bằng bột múc  ngọt và giòn trong chiếc hộp vuông vức, nhỏ nhắn hai nắp úp lại, có người nghĩ là tượng trưng âm dương kết hợp.
Thật ra tìm trong phạm vi phố phường thì Sông Cầu chỉ có vài nét xinh xinh thôi. Cũng như đầm Ô Loan, cái đẹp của Sông Cầu là cái đẹp tổng thể. Tất cả một màu xanh. Trời xanh. Núi xanh. Biển xanh. Dừa xanh. Mùa hạ nắng xanh. Mùa đông mưa xanh. Cái đẹp ấy phải đứng ở tầm cao xa phóng mắt nhìn xuống. Qua khỏi đèo Gành Đỏ ta đã bắt đầu cảm nhận và tới đỉnh đèo Dốc Găng ta thấy hiện diện đầy đủ sự thanh thoát của Sông Cầu xưa và nay, cũ và mới…

Trần Huyền Ân